Thuyết giảng Phật pháp thời 4.0
Đầu tháng 2/2019, đông đảo Phật từ trên cả nước ngóng chờ sự ra mắt của robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, một sản phẩm công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) có tác dụng hỗ trợ hoạt động tu học Phật pháp của các Phật tử, người quan tâm đến Phật học.
Và ngay tại buổi ra mắt ngày 4/2 tại ngôi chùa Giác Ngộ ở TP HCM, Phật tử đã hào hứng khi xem robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 trình diễn. Phật tử trực diện tiếp xúc, đặt ra các câu hỏi về Phật pháp và được robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 giải đáp. Bên cạnh đó, khi có yêu cầu được nghe nhạc thiền, robot chú tiểu Giác Ngộ cũng tiếp nhận thông tin và đáp ứng chuẩn xác.
Phật giáo chỉ ra con đường tự thân khai mở Tâm từ bi và Trí tuệ Bát nhã |
Chú tiểu Giác Ngộ 4.0 là robot đầu tiên và đến nay là duy nhất trên thế giới có thể giao tiếp, tụng khoảng 100 bài kinh và trả lời 3.000 câu hỏi về Phật pháp, theo phiên bản thuyết giảng Phật pháp của Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, trụ trì chùa Giác Ngộ.
“Việc áp dụng công nghệ robot vào hoạt động giải đáp Phật pháp là một hoạt động nghiên cứu khoa học mang tính nhân văn cao cả, một giải pháp hỗ trợ phần nào cho hoạt động thuyết pháp, giảng dạy Phật pháp của các giảng sư Phật học vốn còn chịu nhiều ảnh hưởng của giới hạn sức khỏe, tuổi tác và thời gian” – Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết.
Lễ ra mắt Mạng xã hội Phật giáo |
Được biết, trên thế giới hiện chỉ có 3 mô hình robot này. Ngoài robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0, tại Nhật Bản có robot chú tiểu tụng kinh cầu an và cầu siêu, tại Trung Quốc có robot chú tiểu tiếp tân. Ngoài ra, công nghệ còn hiện diện rất nhiều tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trên thế giới như: màn hình LCD và nến sạc LED tại chùa Bayan Lepas tại Penang, Malaysia (trong các buổi cầu nguyện của thân nhân người quá cố, các màn hình LCD 50 inch đã được đặt ở hai vách của phòng cầu nguyện thay cho các mảnh giấy ghi tên người quá cố và nguyện ước của thân nhân rồi dán lên tường như trước đó.
Các slide trên màn hình thay đổi cứ sau ba giây đểhiển thị các tên khác nhau. Tên tuổi của người mất được lồng trong hình hoa sen bay về phía lòng bàn tay của Đức Phật như một hàm ý rằng linh hồn của họ được Đức Phật đón nhận và che chở, độ trì. Nhà sư Ven Wei Wu của chùa cho biết chùa cung cấp cho tín đồ cả nến sạc LED vì nó không chỉ thân thiện với môi trường mà còn bảo đảm được vấn đề phòng cháy chữa cháy);
Thuyết giảng bằng ánh sáng công nghệ (trước tình trạng người trẻ tham dự các buổi nói chuyện Phật giáo giảm sút dần, một tu sĩ ở chùa Asakura ở Fukui, Nhật Bản đã phát minh ra hoio – công nghệ hợp nhất hình ảnh, kinh điển Phật giáo truyền thống với ánh sáng điện tử rực rỡ, bắt mắt.
Nhà sư Gyosen Asakura, trụ trì chùa Asakura, người có nhiều kinh nghiệm DJ, đã thể hiện những hình ảnh về cuộc sống của linh hồn sau khi chết ở cõi Cực Lạc trong các buổi thuyết giảng. Ông hy vọng sự sáng tạo này sẽ thu hút sự quan tâm đến Phật giáo)….
Hoằng pháp bằng công nghệ là con đường tất yếu
Trong thời đại 4.0, nhiều cơ sở, tổ chức Phật giáo đã và đang quan tâm cũng như mạnh dạn ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo sự hiện đại, thân thiện và phù hợp với thời cuộc. Thế nên, hoằng pháp bằng công nghệ cũng là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm trong Đại lễ Vesak 2019 vừa diễn ra mới đây tại Việt Nam.
Bàn về vấn đề này, từ thực tiễn tu tập của mình, Đại đức Thích An Tấn – Phó thường trực Ban Tuyền thông – Giáo hội Phật giáo tỉnh Long Anđặt câu hỏi, tại sao các vị trưởng thượng có nhiều bài giảng hay, lỗi lạc về Phật học nhưng ít người biết đến, trong khi tu sĩ trẻ lại nhiều người biết, có nhiều nguyên nhân nhưng chắc ở đây là vấn đề truyền thông của các tăng sĩ trẻ tốt hơn sao các vị trưởng thượng cao tuổi. Nhận thức tầm quan trọng và sức mạnh truyền thông như vậy, để ý thức rằng nó là phương pháp hiệu quả để Phật pháp được phổ biến hay nói cách khác hoằng pháp có hiệu quả.
Web site có địa chỉ Butta.vn hoạt động trên nền tảng IOS và Android |
Theo Đại đức Thích An Tấn, giờ đây, để làm hình ảnh Tăng đoàn, hình ảnh Phật giáo được lan toả rộng rãi và quen thuộc đối với quần chúng, chúng ta không vất vả đi trực tiếp trên mọi nẻo đường nữa mà sử dụng các trang mạng xã hội đó là một ưu thế rất quan trọng.
Một ví dụ có thể chứng minh là sư thầy Thích Minh Nhẫn – một trong những sư thầy sử dụng mạng xã hội để hoằng pháp rất hiệu quả - muốn xây ngôi nhà cho một người nghèo nhưng kinh phí chưa đủ, sau khi thầy làm clip trực tiếp để đăng tin thì ngay lúc đang diễn ra đã được mọi người hưởng ứng từ tính tương tác và lập tức có đủ số tiền để xây ngôi nhà tình thương đó và còn dư ra sáu căn nhà nữa.
Nhưng cũng theo Đại đức Thích An Tấn truyền thông xã hội cũng có những mặt trái như nhiễu thông tin, khó kiểm soát thông tin…, thế nên nhằm giúp bảo hộ tăng đoàn, đứng từ góc độ hoằng pháp và người có kiến thức chuyên môn, thì lãnh đạo Phật giáo sớm xây dựng được nội quy hay khung lý thuyết sử dụng mạng xã hội.
“Vì mạng truyền thông xã hội là một thực tế đang diễn ra chúng ta không thể lẫn trốn mà cần định hướng sử dụng để không ngoài mục đích hoằng pháp và bảo hộ Phật giáo qua các loại phương tiện này” - Đại đức Thích An Tấn nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hải – Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM cũng cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp, Phật giáo không thể đứng ngoài mà thay vào đó là nắm bắt những tiện ích để truyền bá Phật pháp nhanh nhất và rộng khắp. Ví dụ như việc sử dụng hệ thống Internet để phổ biến giáo lý là một sức mạnh to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo. Những giảng sưcó thể chuyển tải những tài liệu giảng dạy của họ vào mạng Internet.
Điều này cho phép việc truyền dạy Phật pháp nhanh hơn và thuận lợi hơn. Sử dụng công nghệ đám mây để lưu trữ toàn bộ hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo, những bài thuyết giảng của các vị giảng sư. Các tăng sĩ, Phật tử cũng dễ tiếp cận và khai thác tư liệu để tu học được thuận tiện và tốt hơn trong thời kỹ thuật số.Sử dụng trang mạng của các cơ sở Phật giáo nhằm mục đích tạo sự nối kết hay liên hệ giữa tăng ni, cộng đồng Phật tử và thế giới…
Còn đó những băn khoăn…
Nhưng bên cạnh đó cũng còn những nỗi lo internet không thể nuôi dưỡng lòng tôn kính của tín đồ đối với tu sĩ và hết lòng hộ trì Phật pháp. Còn nhớ khi chú tiểu Giác Ngộ 4.0 ra mắt, đã có một câu hỏi vui rằng nhỡ đâu với tính năng ưu việt của robot chú tiểu Giác Ngộ 4.0 như vậy mà Phật tử ỷ vào robot, sẽ lười biếng tụng kinh, học kinh thì sao?
Băn khoăn này không phải là không có lý bởi không một công nghệ nào có thể thay thế được trái tim con người, nhất là khi Phật giáo là một tôn giáo đòi hỏi nhận thức sâu sắc và nỗ lực tinh tấn từ nội tại cá nhân.
Trong tác phẩm “Đạo Phật ngày nay”, ở phần “Hiện đại hóa”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết rằng: “Mỗi lần xã hội biến thiên với những cơ cấu sinh hoạt của nó, là mỗi lần đạo Phật phải chuyển mình vươn tới những hình thái sinh hoạt mới để thực hiện những nguyên lý linh động của mình.
Sau mỗi lần lột xác như thế, đạo Phật biến thành trẻ trung và lấy ngay lại được phong độ và khí lực của thời nguyên thủy”. Vị chân sư cũng rất sâu sắc khi nhận định: vấn đề đặt ra cho đạo Phật là vấn đề hiện đại hóa (actualisation) mà không phải là vấn đề tân thời hóa (modernisation).
Ý tưởng của Thích Nhất Hạnh thật sự là câu trả lời thỏa đáng cho nỗi băn khoăn có nên ứng dụng công nghệ vào cơ sở Phật giáo không và hoằng pháp bằng công nghệ có phải là hướng đi mới trong thời đại 4.0 hay không.