Tương truyền, thần Bạch Mã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân khỏi thiên tai, dịch bệnh và phù trợ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù. Ngôi đền được xem là “tứ linh” của xứ Nghệ đã ghi lại bao dấu ấn và sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng của dân tộc như: phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931...
Ngôi đền ghi lại nhiều sự kiện lịch sử
Đền Bạch Mã tọa lạc trên địa bàn xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), cách TP.Vinh khoảng 50 km. Theo truyền thuyết dân gian và thần phả còn lưu lại thì đền Bạch Mã được xây dựng từ thời Lê để thờ Phan Đà (thần Bạch Mã) - vị tướng tài có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh ở thế kỷ XV. Bạch Mã là gọi theo tên con ngựa trắng mà tướng Phan Đà thường cưỡi khi ra trận.
Tướng Phan Đà sinh vào những năm đầu của thế kỷ XV trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới ven sông Lam, ở xã Võ Liệt, huyện Thổ Du (nay là xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Phan Đà được một người làm nghề rèn trong xã cưu mang. Từ nhỏ, Phan Đà đã sớm bộc bạch sự thông minh, giỏi võ nghệ, cung tên nên nhân dân gọi là “trẻ kỳ đồng”.
Khi có giặc ngoại xâm, Phan Đà đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa, sau đó về Nghệ An xây dựng căn cứ chống giặc Minh. Tướng Phan Đà lúc đó đã đem lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và cùng dân binh xã Võ Liệt hăng hái tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu diệt địch.
Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền thiêng xứ Nghệ. |
Phan Đà là vị tướng mưu lược dũng cảm “xông vào trận mạc như xông vào chỗ không người” làm cho địch nhiều phen khiếp sợ. Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành lồng lộn, hý vang trời phá vòng vây đưa ông về gần đến Võ Liệt thì ông mất. Tương truyền giọt máu ông nhỏ tới đâu mối lấp đến đó. Và thi thể của ông được mối vùi lấp, rất linh ứng. Năm đó Phan Đà 24 tuổi.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “Đô thiên đại đế Bạch Mã Thượng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông, mà nhân dân thường gọi là đền Bạch Mã.
Theo sử cũ và truyền thuyết kể rằng, từ khi hy sinh linh hồn của dũng tướng Phan Đà đã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân qua khỏi thiên tai, dịch bệnh và còn phù hộ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù. Năm Quang Thuận thứ 6 (1465), vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền Bạch Mã và làm lễ kỳ đảo ở đây.
Sau khi thắng trận trở về, nhà vua đã sai cấp thêm đồ tế phẩm và người thờ tự cho đền. Tiếp đó, năm Cảnh Hưng thứ 3 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đem quân đánh giặc tại Trấn Ninh cũng đến đền kỳ đảo, sau khi thắng lớn, ông đã tâu với vua gia phong cho đền là “Thượng đẳng tối linh mỹ từ”, nghĩa là ngôi đền linh thiêng nhất.
Cũng chính từ ngôi đền này đã ghi lại bao dấu ấn và sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đền Bạch Mã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương.
Ngày 13/4/1930, nhân ngày tế lễ, nhân dân Võ Liệt đã tập trung tại đền đấu tranh buộc bọn hào lý địa phương phải cấp 41 mẫu ruộng chia cho dân nghèo. Hoảng sợ trước khí thế của nhân dân, bọn hào lý buộc phải nhượng bộ. Nhân dân Thanh Chương đã giành thắng lợi triệt để trong cuộc biểu tình ngày 1/9/1930, lập ra chính quyền Xô Viết đầu tiên ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngôi đền với những kiến trúc độc đáo cổ kính. |
Cùng với đình Võ Liệt và nhiều địa điểm khác, đền Bạch Mã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động bí mật của Xã bộ nông Thanh Chương. Năm 1945, nhân dân Tổng Võ Liệt lại chọn đền Bạch Mã làm nơi tập trung để đi đấu tranh đòi lại ruộng đất cho dân cày…
Ngôi đền linh thiêng
Từ xa xưa đền Bạch Mã nổi tiếng rất linh thiêng, người xe qua đây kể cả quan lại cũng phải dừng lại cất mũ nón vái lạy. Tương truyền, thần Bạch Mã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân khỏi thiên tai, dịch bệnh. Ngày nay, đền Bạch Mã vẫn được bảo tồn trên chính vị trí được khởi dựng cách đây hàng thế kỷ. Tọa lạc trên diện tích khoảng 5.000m2, mặc dù đã nhuốm màu thời gian nhưng ngôi đền vẫn giữ được nét bề thế, uy nghiêm trong một không gian tĩnh mịch, yên bình hiếm có ở các ngôi đền khác.
Đây chính là điểm hấp dẫn của đền Bạch Mã, thu hút đông đảo nhân dân và du khách gần xa đến đây tĩnh tâm và thưởng ngoạn phong cảnh. Đặc biệt, vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán và hàng tháng vào mồng 1 âm lịch, ngày rằm, đền luôn thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng về thắp hương cầu nguyện sự bình an, may mắn, trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân nơi đây.
Đền Bạch Mã có quy mô tương đối lớn với nhiều hạng mục có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao như: Tam quan, Nghi Môn, Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Tả vu, Hữu vu. Đây là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo, bố cục hài hòa, được chạm khắc nhiều họa tiết tinh xảo. Trong điện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật, đồ tế khí quý hiếm làm tăng thêm giá trị lịch sử, tâm linh của đền.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994.
Được xem là “tứ linh” của xứ Nghệ nên các lễ hội tại ngôi đền này được tổ chức với quy mô lớn. Từ xa xưa, các lễ tế tại đền Bạch Mã luôn được tổ chức chu đáo và nghiêm túc với nhiều sinh hoạt phong phú: lễ tế thần, lễ rước bài vị từ quê ngoại của tướng quân Phan Đà về đền; các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, vật cù, đua thuyền...
Khoảng năm 2001, lễ hội đền Bạch Mã bắt đầu được huyện Thanh Chương khôi phục lại và từ đó đến nay được tổ chức hàng năm, nhằm vào ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch. Việc tổ chức Lễ hội Đền Bạch Mã hằng năm là nhằm tưởng nhớ công đức của tướng Phan Đà và các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân dân thông qua các hoạt động phần lễ và phần hội.