Tại Dự thảo lần này, Ban soạn thảo đã kế thừa chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội được ghi nhận trong BLHS năm 1999; đồng thời, cụ thể hóa thêm một bước theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với đối tượng này.
Tuy nhiên, theo dự thảo BLHS 2015, có 03 trường hợp mở rộng hơn phạm vi TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi so với quy định của BLHS năm 1999; theo đó đối tượng này phải chịu TNHS cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 03 tội danh: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo Ban soạn thảo, nhìn trong tổng thể chính sách xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì quy định này chưa thể hiện nhất quán chủ trương nhân đạo hóa trong chính sách hình sự đối với đối tượng này. Vì vậy, quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi để khắc phục bất cập này trên nguyên tắc tiếp tục kế thừa chính sách hình sự nhân đạo của BLHS năm 2015 đối với người dưới 18 tuổi, đồng thời làm sâu sắc thêm chính sách nhân đạo và tính nhất quán trong chính sách xử lý đối với đối tượng phạm tội là trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trên tinh thần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em.
Cụ thể, theo quy định này, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015. Quy định này của Dự thảo đã nhận được ý kiến trái chiều của các ĐBQH – những người đang giữ trọng trách trong cơ quan ban hành Luật của quốc gia.
Trình bày báo cáo về nội dung Dự thảo BLHS 2015 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kết quả cụ thể của Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát Báo cáo số 393 của C45 về tình hình phạm tội, tội danh người chưa thành niên trong đó có lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 chủ yếu liên quan đến tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người. Tức là tội chúng ta đã liệt kê ở trong số những người chưa thành niên phạm tội phải chịu. Chủ yếu trên thực tế là như vậy. Các nước cũng xử lý với lứa tuổi này theo cách đặc biệt.
Ví dụ, Điều 17 BLHS của Trung Quốc năm 1997 quy định người từ đủ 14 tuổi cho đến dưới 18 tuổi chịu TNHS có 9/347 tội danh, của Nga là 20/256, rất ít. Như vậy, thực tiễn của các nước cũng có câu chuyện rút bớt số lượng trẻ ở lứa tuổi này phải chịu. Còn một điểm nữa thực sự nghiên cứu tâm lý cũng như khảo sát về mặt xã hội thấy rằng chúng ta dùng một cách hình sự sòng phẳng đối với lứa tuổi này chưa chắc có tác dụng. Cái xấu nó ngấm rất nhanh trong môi trường thoát ly khỏi xã hội - Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Mặc dù các chế tài áp dụng xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội rất nhân đạo, tuy nhiên theo một chuyên gia pháp lý thì vẫn còn nhiều bất cập do chủ yếu là hình phạt tù. Việc giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến khả năng cải tạo, phục hồi của người chưa thành niên. Việc cách ly khỏi xã hội khiến người chưa thành niên phạm tội có cảm giác bị bỏ rơi, bị đẩy ra lề xã hội, đồng thời tạo ra sự miệt thị, xa lánh của cộng đồng đối với họ. Đây chính là những trở ngại đối với quá trình phục hồi và tái hoà nhập của họ sau này.
Từ phân tích trên, chuyên gia này nêu quan điểm nên tiếp tục mở rộng khả năng áp dụng các chế tài không giam giữ (như phạt tiền, cải tạo không giam giữ, biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) đối với người chưa thành niên phạm tội, nhất là các em trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung hình phạt lao động phục vụ cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội (nếu nội dung này không ghép vào hình phạt cải tạo không giam giữ) nhằm tăng cơ hội giúp người chưa thành niên không bị áp dụng biện pháp tước tự do.