Cho rằng đây là một đạo luật quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn, mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước, tính mạng của con người, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, cần phải rất thận trọng khi soạn thảo Dự luật này.
Trong phiên thảo luận tại Tổ, cũng như theo ý kiến của các thành viên UBTVQH, còn một số vấn đề lớn của Dự luật chưa nhận được quan điểm đồng tình.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của BLHS năm 2015
- Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm của Chính phủ về phạm vi sửa đổi là: khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế; việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.
Một số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Về việc không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 139) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng
Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ, theo đó không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề có liên quan đến chính sách hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua. Bên cạnh đó, thời gian qua hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện có xu hướng gia tăng… nên cần thiết phải giữ quy định này để giáo dục, cải tạo người phạm tội và nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.
Về bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015
Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma tuý XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone); đồng thời, cũng tán thành việc bổ sung quy định “các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành” vào BLHS.
Thực tiễn cho thấy, tội phạm về ma túy thời gian qua diễn biến khó lường và có khả năng sẽ xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, vừa bảo đảm chặt chẽ, không bị lạm dụng. Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” như thế nào cho phù hợp làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của BLHS năm 2015.
Một số ý kiến cho rằng, để thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng thì chỉ nên quy định những loại chất ma tuý, các loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma tuý mà chúng ta đã biết vào BLHS. Nếu có loại ma tuý mới xuất hiện xét thấy cần phải xử lý hình sự thì các cơ quan chức năng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi BLHS.
Về xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự
Về vấn đề này, UBTP có 03 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất không tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cần xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy đối với tội phạm về ma túy thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252, vì trong cùng một điều luật, ở các khoản có khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích, trong khi đó, khoản 1, 2 và 3 lại không quy định giám định hàm lượng là bất bình đẳng trong chính sách hình sự.
Hơn nữa, quy định này sẽ dẫn đến việc buộc phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích mới biết một người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để xác định thẩm quyền tố tụng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự… là không hợp lý, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, thực tiễn xử lý thời gian qua cho thấy, nhiều vụ án ma túy là án truy xét, không thu giữ được ma túy nên không giám định được hàm lượng để quy ra khối lượng. Một số vụ xử lý trách nhiệm hình sự căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội và các chứng cứ khác, mà không phụ thuộc vào hàm lượng chất ma túy (Ví dụ, một người có ý thức chủ quan mua bán trái phép chất ma túy, trường hợp giám định không phải là chất ma túy thì theo pháp luật hiện hành vẫn bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy).
Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định ngay trong Luật việc chỉ xác định loại ma túy, mà không xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma tuý và cho rằng, thực tiễn giải quyết các vụ án về ma túy mấy chục năm qua chỉ căn cứ vào khối lượng ma túy thu giữ được hoặc chứng minh được mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy; chỉ khoảng 02 năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quan điểm khác nhau và không thể thống nhất được có hay không giám định hàm lượng chất ma tuý để xử lý hình sự, dẫn đến tồn đọng án kéo dài, nhiều vụ án thậm chí vi phạm về thời hạn tố tụng, nhất là thời hạn tạm giam.
Loại ý kiến thứ ba tán thành với Chính phủ về việc quy định cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc 01 trong 05 trường hợp như đã được nêu cụ thể trong Tờ trình của Chính phủ. Cũng có ý kiến đề nghị quy định xác định hàm lượng chất ma túy trong mọi trường hợp phạm các tội về ma túy, bảo đảm xử lý công bằng và nghiêm minh.
Cùng với những vấn đề trên, các ĐBQH cũng đã có ý kiến về một số vấn đề cụ thể như: Về tránh nhiệm hình sự của pháp nhân thương mạidấu hiệu “bỏ trốn” trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm...