Gầy đi vì nấu cơm cho diễn viên
Luôn nhiệt tình, hiếu khách và niềm nở đón các đoàn làm phim, đó là điều dễ nhận thấy ở bà Hoàng Thị Yên làng Tây Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội). Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, một người tâm huyết với phim về đề tài nông thôn, thường xuyên đến làm phim ở làng Tây Mỗ tâm sự:
“Chị Yên người nhỏ, dáng đi hơi gù nhưng là người yêu điện ảnh, xởi lởi, đã gìn giữ khung cảnh nhà cổ, vườn và nhà từ đường dòng họ Nghiêm Xuân để các đoàn làm phim có bối cảnh. Hơn thế, bà tạo thuận lợi hết mức cho anh em. Bà yêu thương các diễn viên như con, thường nấu cơm cho họ ăn”.
Diễn viên hài Chiến Thắng thì nói, chưa thấy ai yêu diễn viên, phim ảnh như “mẹ Yên”. Chỉ cần các diễn viên gọi điện báo trước là kiểu gì bà cũng thu xếp ổn thỏa. Thậm chí bà còn thuộc khẩu vị của nhiều đạo diễn, diễn viên.
Bà Yên nhớ, bắt đầu từ năm 1998, có đạo diễn đã về Tây Mỗ khảo sát, tìm bối cảnh. Khuôn viên nhà bà với tổng cộng 1000m2 là không gian lý tưởng được chọn đầu tiên để làm phim. Đó là phim “Bác Cả - người sung sướng”. Cho đến nay, nhà bà vẫn đứng đầu trong làng về tần suất xuất hiện trên truyền hình.
Bà Yên tâm sự: “Đa số người dân chúng tôi mê phim, yêu sự cổ kính, sống chan hòa, thân tình, tạo điều kiện cho các đoàn làm phim. Một phần lý do khiến các đoàn làm phim yêu quý là vì tôi cũng biết hy sinh cho họ. Có hôm nhà tôi đón tới 4 đoàn. Có ngày đón đến hơn 100 người, mà tất cả muốn ăn cơm thì tôi phải nhờ thêm người làng sang nấu. Nhà tôi được gọi là tổ ấm của các đoàn làm phim đấy”.
Bà Yên nhớ, năm 2006 bộ phim “Đám cưới giả to nhất làng” sử dụng 70 mâm cỗ, bà phải huy động rất nhiều người làng sang giúp.
Bà Yên bảo, đón tiếp, phục vụ các đoàn làm phim cũng là cách hiến dâng cho nghệ thuật. Nhiều phim bà phải phục vụ cả tháng trời, như phim “Lời nguyền huyết ngải”. Trước khi quay bà đã phục vụ 8 người gần nửa tháng để trang trí. Mọi đồ đạc trong nhà bà phải mang sang hàng xóm gửi, con cháu sơ tán đến nhà họ hàng nghỉ. Hai buồng thành chỗ hóa trang và nghỉ ngơi. Toàn bộ khu nhà bị xáo trộn và ngộp thở. Suốt ngày đêm bà Yên phục vụ cơm, nước… Đến nỗi sau khi phim quay xong, bà sút mất mấy cân.
Hồi tưởng lại, bà nói rằng mệt thì có mệt nhưng vui và hạnh phúc. Nghĩ thế nên lòng bà ấm áp mỗi khi các diễn viên trẻ gọi bà là mẹ. Có người nhận bà là mẹ nuôi. Lại có đoàn đóng phim cách Tây Mỗ đến cả chục cây, nhưng thích ăn cơm bà nấu nên gọi điện nhờ trước.
Sẽ mãi vì nghệ thuật
Bà Yên sinh năm 1952, trong một gia đình đông con ở xứ Đoài. Sau một trận ốm lúc lên 5 tuổi, bà bị một cái bướu ở lưng. Vì vậy mà bà không cao lớn như người thường. Nhưng nhờ tài nấu ăn nên từ nhỏ bà đã cơm nước cho gia đình.
Dòng họ Nghiêm Xuân quý tài nấu ăn đã chọn bà làm dâu cả. Bà lấy chồng chưa đầy chục năm thì ông qua đời. Lúc đó ba người con Hà, Sơn, Bình còn quá nhỏ. Một mình bà vẫn gắng gỏi gượng dậy nuôi ba con thành đạt, giữ vững nền nếp gia phong. Con gái bà đi lấy chồng, hai anh con trai có vợ con nhưng cả nhà vẫn ăn chung một mâm.
Tình yêu nghệ thuật của bà Yên cũng được truyền sang con cháu. Trong cuộc sống hàng ngày, bà Yên luôn giáo dục con cháu phải sống chan hòa, yêu thương và vì nghệ thuật. Bà cũng dặn con cái mọi đồ dùng trong nhà phải giữ lại để làm đạo cụ. Nhà cổ, tường và cổng cổ xuống cấp đâu sửa đó chứ không phá đi. “Đó là một nghĩa cử vô cùng hiếm thấy trong cuộc đời này!”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần |
Ông Phần còn kể, bà Yên được quý mến đến nỗi các diễn viên và ông khi lên Lương Sơn (Hòa Bình) quay bộ phim “Ma làng” cũng muốn được ăn cơm bà Yên nấu. Nhưng quá xa, họ liền nhờ bà Yên lên Hòa Bình làm “chị nuôi”. Bộ phim còn đang quay thì bà Yên ốm, phải về điều trị khiến cả đoàn buồn rười rượi.
Tây Mỗ là ngôi làng nổi tiếng hiền hòa, cổ kính. Ngôi nhà của bà Yên thuộc diện cổ kính nhất. Và điều tuyệt vời hơn là bà nói sẽ mãi vì nghệ thuật, luôn mở cửa đón các đoàn làm phim, sẽ làm một “chị nuôi” cho đến khi nào không còn sức./.