Một tài xế ở huyện này chạy xe tải gây tai nạn chết người. Ông đã bồi thường hơn một trăm triệu đồng cho gia đình nạn nhân do hoàn cảnh kinh tế gia đình của ông eo hẹp, phải làm rẫy nuôi con nên phía bị hại đã xin bãi nại cho người tài xế này. Song, vụ tai nạn giao thông này vẫn bị đưa ra xét xử. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nữ Phó Chánh án huyện qua điện thoại, rồi gặp gỡ trực tiếp người vợ, nhiều lần gợi ý và thúc giục ông đưa tiền để được hưởng án treo, ở ngoài mà nuôi vợ con, nếu không, sẽ nhận bản án từ 5 đến 15 năm tù giam. Sau nhiều lần thương lượng, “giá” mua án treo này là 80 triệu đồng. Trước phiên xét xử ông này đã nộp đủ.
Tuy nhiên, quá trình trao đổi, thương lượng, nộp tiền đó, ông ta đều ghi âm lại và sau khi giao tiền thì tố cáo việc này với các cơ quan chức năng. Công an tỉnh Đắk Lắk lập tức vào cuộc mời bà Phó Chánh án tới trụ sở làm việc và tiến hành kiểm tra nhà riêng của bà ta.
Về phía người tố cáo khẳng định việc thương lượng chạy án chỉ nhằm mục đích thu thập chứng cứ, tố cáo người trong ngành pháp luật mà cố ý “bẻ cong” pháp luật chứ không phải có ý định hối lộ để chạy tội. Phải chăng, đây là ý thức pháp luật đáng khuyến khích của người dân, lại là dân tộc thiểu số ở vùng xa xôi hẻo lánh? Thực tế, từ những chứng cứ ông thu thập được và việc tố cáo thì vụ chạy án này mới được phanh phui.
Tương tự như vụ việc này, tháng 12 năm ngoái, một Phó Chánh án huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) từng bị khởi tố, bắt giam. Ông ta cũng thụ lý một vụ tai nạn giao thông, ra giá và nhận 50 triệu đồng từ bị cáo với thỏa thuận án treo. Vụ án được xử và quả nhiên bị cáo nhận mức 12 tháng tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, vụ hối lộ này vẫn bị phanh phui và ông ta đã phải trả giá đắt trước pháp luật. Việc xảy ra chưa lâu, lại cùng trên địa bàn Tây Nguyên, thế mà bà Phó Chánh án huyện không nhìn cái gương người đồng nhiệm của mình mà biết sợ, biết tránh. Quả là rất đáng suy nghĩ về tính răn đe, cảnh báo của pháp luật đối với những người trong ngành Tòa án như thế này!
Xa hơn một chút, năm 2014, Chánh án huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trở thành bị cáo trong vụ nhận hối lộ 200 triệu đồng. Mặc dù sau khi không thực hiện được như sự cam kết, ông này đã trả lại 185 triệu đồng, song không vì thế mà ông được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ai cũng biết đến hiện tượng chạy án và đó là biểu hiện rõ nhất của sự thiếu trong sạch, tham nhũng trong các cơ quan tư pháp mà ảnh hưởng trực tiếp của nó là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự công minh pháp luật. Vì thế, đối với các vụ chạy án bị phát hiện, phải xử lý thật nghiêm. Cần có những động thái, biện pháp để người dân mạnh dạn đứng ra tố cáo những hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ để chạy án từ những người xử án.