Xây dựng kế hoạch phát triển bền vững
Trong bảng xếp hạng phát triển du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam được chấm điểm cao về tài nguyên du lịch, yếu tố văn hóa, thiên nhiên, lịch sử đất nước. Đây là nền tảng quan trọng để thu hút du khách. Đáng chú ý, Việt Nam có 6 mục được đánh giá ở mức trung bình thấp, như cơ sở hạ tầng - dịch vụ du lịch, sự bảo vệ môi trường, tác động đến kinh tế - xã hội của du lịch, sự mở cửa du lịch,...
Với số liệu đánh giá của WEF, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định bảng xếp hạng một vài thông số chưa hoàn toàn chính xác. Sự thật, không thể phủ nhận đóng góp giúp đất nước tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch, hay nỗ lực mở cửa chính sách thị thực nhập cảnh trong năm vừa qua. Nhưng, tựu trung lại, bảng xếp hạng đã đánh giá tương đối đúng về những “điểm yếu” của ngành Du lịch Việt Nam.
Hiện tại, du lịch vẫn còn tư duy “làm nhanh, ăn nhanh”, ví dụ các vấn đề về cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc chưa bắt kịp với xu thế phát triển du lịch, còn xảy ra tình trạng tắc nghẽn mỗi mùa du lịch cao điểm. Ngược lại, quy hoạch ở các điểm du lịch rất lộn xộn, thậm chí phá hủy cảnh quan thiên nhiên vốn có. Như tại Đà Lạt, sau khi xu hướng “săn mây” bùng nổ, thu hút du khách, kéo theo hàng chục lán trại, quán hàng, ngôi nhà bê tông “ăn xổi” mọc lên san sát nhau.
Vấn đề về nhân lực của ngành Du lịch Việt Nam cũng còn yếu kém. Ở nhiều địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng chèo kéo, chèn ép, nói thách giá cả với khách du lịch quốc tế làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam. Tại các cơ sở lưu trú, tour du lịch, đội ngũ nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn, như ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm của nhân viên chưa được đào tạo bài bản dẫn đến làm mất lòng khách. Trường hợp đã xảy ra là hướng dẫn viên thuyết minh sai về di tích, điểm tham quan văn hóa, lịch sử.
Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng như môi trường du lịch bị ảnh hưởng mạnh mẽ do tác động từ việc phát triển du lịch ồ ạt, thiếu định hướng. Hình ảnh Vịnh Hạ Long xinh đẹp đầy rác thải ô nhiễm trước đây từng bị nhiều du khách quốc tế phản ánh trên các trang web du lịch. Đây là một điểm trừ rất lớn, cho thấy nếu du lịch Việt Nam chỉ chú trọng vào việc đếm “lượt khách”, lợi nhuận thu về, thì sẽ đánh mất các yếu tố quan trọng khác để giữ chân khách và lan tỏa những hình ảnh đẹp với bạn bè quốc tế.
Tuy ngành Du lịch đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, nhưng về mặt thu nhập, chế độ của nhân lực làm du lịch còn hạn chế. Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam - ông Nguyễn Quang từng cho biết, sau đại dịch có đến 48% nhân sự khách sạn đánh giá không hài lòng về mức thu nhập và chế độ làm việc. Không chỉ khách sạn Việt Nam mà ở các khách sạn quốc tế, mức lương trung bình của đội ngũ nhân viên cũng không cao.
“Bài toán” liên kết trong du lịch
Qua đánh giá từ WEF có thể phần nào thấy rằng Việt Nam cần phải có một kế hoạch dài hơi hơn, thay đổi tâm lý làm du lịch “ăn xổi” theo phong trào, chuyển sang các định hướng phát triển bền vững lâu dài.
Thông số thấp về vấn đề kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, môi trường, mở cửa du lịch... qua đánh giá của WEF còn cho thấy một vấn đề sâu xa của du lịch Việt Nam là sự thiếu nối kết giữa các ngành, các địa phương. Như trong năm 2023, 2024, “mối quan hệ” lỏng lẻo giữa hàng không và du lịch đã khiến cho du lịch nội địa “lép vế” trước du lịch ngoại quốc. Giá vé bay trong nước tăng cao, chi phí lớn hơn mức lương trung bình của người Việt Nam, nên nhiều du khách đã chọn các tour nước ngoài để nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, vấn đề “mạnh ai nấy làm” ở các địa phương cũng khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn. Du lịch là một ngành đòi hỏi sự nối kết, đổi mới liên tục để du khách không cảm thấy nhàm chán và sẵn sàng chi tiền. Điều này một vài huyện, xã không thể đảm đương được hết, mà cần du lịch liên tỉnh, liên thành phố, giúp khách hàng có thể di chuyển nhiều nơi, thưởng thức nhiều sản vật và sẵn sàng lan tỏa hình ảnh đẹp, quay lại du lịch Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo.