Một mảnh đất, nhiều gốc tích
Như PLVN đã đưa tin, trong qua trình thực hiện dự án Nhà máy xi măng Long Sơn tại Thị xã Bỉm Sơn, việc giải phóng mặt bằng cho dự án đã được phía Công ty TNHH Long Sơn (chủ đầu tư dự án) và đại diện UBND phường Đông Sơn là ông Vũ Đức Cường xác nhận rằng: đối với diện tích đất là 35.203,6m2 (trong đó 20.606,9m2 là khu đất Đồng Lốc - Ông Quang, hay Đất Lốc - Ông Quang) do chưa xác định rõ được chủ sử dụng cũng như diện tích cụ thể của từng hộ nên công ty đã chi 4.522.768.400 đồng giao cho UBND phường Đông Sơn giữ để chuyển trả cho các chủ sở hữu phần diện tích đất nêu trên thay Công ty TNHH Long Sơn.
Căn cứ theo văn bản số 295 ngày 22/7/2019 của Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã Bỉm Sơn trả lời cơ quan điều tra thì trong phần đất Đồng Lốc – Ông Quang có 4293,9 m2 đất là quỹ đất từ giao thông, thủy lợi nội đồng và đất cồn bãi, đất ven suối, đất bờ thửa... thuộc UBND phường Đông Sơn quản lý.
Căn cứ công văn này, cơ quan điều tra kết luận phần diện tích đất 4293,9 m2 nêu trên đã được Nguyễn Đức Cường (cựu Chủ tịch UBND) cùng Dương Thị Hà (cựu cán bộ địa chính) cùng 2 bị can khác trong vụ án là Nguyễn Văn Kỳ và Vũ Mạnh Quyến kê khống để nhận tiền đền bù, số tiền là hơn 605 triệu đồng gây thiệt hại cho Công ty TNHH Long Sơn.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến Dự án nhà máy Xi măng Long Sơn cũng vào thời điểm năm 2015-2016 còn có một vụ án dân sự về “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa ông Phạm Văn Định (nguyên đơn) và bị đơn là Công ty TNHH Long Sơn. Trong vụ việc này, ông Định khởi kiện và khẳng định toàn bộ số đất của 47 hộ dân ở xứ đất Đồng Lốc-Ông Quang đều do ông sử dụng, khai thác.
Tại Công văn 1849/UBND-TNMT ngày 25/11/2015 của UBND thị xã Bỉm Sơn và Biên bản làm việc ngày 20/10/2015 (tại mục III, do bà Hoàng Thị Cường - Chủ nhiệm HTX Đông Sơn xác định như sau: …“Đây là vùng đất ông Kim đã mượn của các hộ để trồng mía do các hộ sản xuất không có hiệu quả vào năm 1999. Sau này, ông Kim không làm nữa thì ông Định mới mượn lại để làm.
Bà Cường là người đi giao ruộng từ năm 1993, dồn điền đổi thửa năm 1998 và hiện tại vẫn làm HTX nên nắm rõ ông Định không có đất được giao mà bị ảnh hưởng bởi dự án xi măng Long Sơn, không có diện tích khai hoang thêm vì nhận lại ruộng của ông Kim đã trồng mía từ trước”...
Một số bản đồ thể hiện tại khu Đất Lốc - Ông quang không có đất dôi dư. |
Trong Công văn số 150/CV-UBND ngày 2/11/2015 của UBND xã Đông Sơn trả lời về đơn đề nghị của ông Phạm Văn Định, tại phần 2 “Về nguồn gốc sử dụng đất và việc bồi thường hỗ trợ về đất” khẳng định: “Việc ông Phạm Văn Định canh tác tại xứ đồng Đất Lốc - Ông Quang là đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân xóm Đông Thôn theo Nghị Định 64/CP của Chính Phủ.
Năm 1998 sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa tại địa phương xứ đồng Đất Lốc-Ông Quang là đất sản xuất lúa màu khó canh tác, năng suất thấp, nhân dân đã cho ông Lại Thế Kim mượn đất của nhân dân để trồng mía. Sau khi trồng mía được khoảng 4-5 năm, vào khoảng năm 2004-2005, ông Lại Thế Kim do sức khỏe yếu đã không canh tác nữa nên để cho ông Phạm Văn Định tiếp tục trồng mía trên diện tích đất này”...
Như vậy, qua những văn bản này cho thấy diện tích xây dựng Nhà máy Xi măng tại xứ đất Đồng Lốc-Ông Quang có sự khác biệt về nguồn gốc. Trong vụ kiện tranh chấp dân sự giữa ông Phạm Văn Định thì chính quyền xã Đông Sơn và Thị xã Bỉm Sơn khẳng định rằng đó là đất của người dân, sau khi dồn điền đổi thửa thì đất này là đất sản xuất lúa màu khó canh tác, nên ông Lại Thế Kim mượn của 47 hộ nông dân để trồng mía, sau này ông ông Phạm Văn Định mượn lại của ông Kim để canh tác.
Còn trong hồ sơ vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với các bị can Dương Thị Hà, Vũ Đức Cường, Vũ Mạnh Quyến và Nguyễn Văn Kỳ thì lại xuất hiện “4293,9 m2 là quỹ đất từ giao thông, thủy lợi nội đồng và đất cồn bãi, đất ven suối, đất bờ thửa... thuộc UBND phường Đông Sơn quản lý”.
Những tình tiết chưa được làm rõ
Theo lời khai của bị cáo Vũ Đức Cường tại phiên xử sơ thẩm tại TAND thị xã Bỉm Sơn, từ ngày 19/5/2015 bị cáo đã được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Đông Sơn để nhận nhiệm vụ mới. Cùng ngày, ông Trần Văn Hán được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã thay cho bị cáo.
Bị cáo Cường khẳng định bản thân không ký tài liệu, hồ sơ nào làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường GPMB và chuyển nhượng QSDĐ bị ảnh hưởng bởi Dự án như: Đơn xin xác nhận nguồn gốc và thời gian sử dụng đất, Biên bản kiểm kê khối lượng bồi thường GPMB của 3 hộ ông Vũ Mạnh Quyến, ông Nguyễn Văn Kỳ, bà Nguyễn Thị Quế (3 hồ sơ làm khống).
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng phân tích, kể cả thời điểm các bị cáo Cường, Hà, Quyến và Kỳ có phạm tội như cáo trạng đã truy tố đi chăng nữa thì thời điểm năm 2015, khi mà BLHS năm 1999 có hiệu lực. Theo quy định tại Điều 281 BLHS năm 1999 thì người bị hại đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” phải là “Nhà nước, xã hội và công dân”. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định Công ty TNHH Long Sơn - một tổ chức kinh tế là bị hại, điều này không phù hợp với quy định trong BLHS năm 1999.
Ngoài ra, còn một số người có liên quan đến vụ án nhưng chưa được xem xét trách nhiệm gồm các ông Trần Văn Hán, Trịnh Xuân Toán, Trịnh Xuân Trường - là những cán bộ trong Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Nhà máy xi măng Long Sơn sau thời điểm bị cáo Cường được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã.
Bên cạnh đó, việc thu thập hồ sơ, chứng cứ của vụ án cũng có nhiều điểm cần làm rõ, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Thị Hà đã đưa ra các bản đồ địa chính 299 (năm 1985) và bản đồ địa chính các năm 1997 và 2011, tất cả đều thể hiện tại khu xứ đồng Đất Lốc-Ông Quang không có đất dôi dư, tuy nhiên các chứng cứ này không được xem xét, đánh giá đúng mức.
Trước những vấn đề còn chưa thống nhất tại phiên tòa sơ thẩm: Nguồn gốc khu đất Đồng Lốc - Ông Quang; Xác định bị hại trong vụ án và trách nhiệm của các cán bộ khác trong Tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Nhà máy xi măng Long Sơn... các bị cáo đã làm đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ, tránh để oan sai, lọt người, lọt tội...