Được biết, TP Cần Thơ đã quy hoạch khu đất xây dựng tượng đài Thanh niên xung phong rộng 3,5ha tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, gần ngã ba đường lên cầu Cần Thơ, đường về tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nghệ thuật hơn 108 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 59 tỷ đồng, chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng gần 18 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019.
Theo khoản 4 Điều 12 Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 02/10/2013: “Mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng của dự án tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt, dự án tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng ở trung tâm hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tổ chức thi sáng tác, phát thảo mẫu tượng đài theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và Nghị định quản lý về mỹ thuật”. Tuy nhiên, ngày 30/1/2015, Giám đốc Sở VHTT&DL TP Cần Thơ Trần Việt Phường đã ký Quyết định số 346 chỉ định nhà thầu sáng tác, phác thảo tượng đài công trình Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ, theo đó giao cho Công ty TNHH MTV Mĩ thuật ứng dụng Mê Kông (có trụ sở tại tỉnh An Giang do ông Trần Thanh Phong làm Giám đốc).
Điều này khiến dư luận băn khoăn việc chỉ định này có đúng pháp luật?
Trao đổi với chúng tôi, Điêu khắc gia Ngô Thanh Liêm - Hội viên Hội Mĩ thuật TP HCM cho biết: Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam bộ có quy mô tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, được đặt tại trung tâm hành chính thành phố trực thuộc Trung ương. Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 113/NĐ-CP và Thông tư số 18/BVHTT&DL ngày 30/12/2013 thì phải tổ chức thi sáng tác để Hội đồng nghệ thuật xét duyệt chọn mẫu phác thảo theo quy định.
Còn chỉ định nhà thầu sáng tác, phác thảo tượng đài thì tác giả phải có ít nhất là 2 tác phẩm đạt chất lượng loại A được Bộ VH-TT&DL xác nhận (đây là điều kiện tiên quyết). Trường hợp này nếu nhà thầu sáng tác, phác thảo tượng đài không đủ điều kiện thì các cơ quan chức năng nên tổ chức cuộc thi để các nhà điêu khắc và mỹ thuật có điều kiện tham gia, phát huy tính sáng tạo trong nghệ thuật nhằm chọn được tác phẩm có đầy đủ tính mỹ thuật nghệ thuật cao...
Tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 02/10/2013 quy định: “Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo phải đáp ứng điều kiện sau: Có trình độ đại học mỹ thuật trở lên; có ít nhất 2 công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A có xác nhận của Bộ VHTT&DL”. Tuy nhiên, theo hồ sơ năng lực của ông Trần Thanh Phong (nhà thầu sáng tác, phác thảo Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ) thì ngoài bằng đại học mỹ thuật, ông Phong chỉ có giấy xác nhận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau và Sở VHTT&DL An Giang về việc công trình đạt chất lượng tương đương loại A chứ không phải do Bộ VHTT&DL xác nhận.
Một việc khó hiểu nữa là theo quy định thì hồ sơ năng lực phải được gửi cho Sở VH-TT&DL Cần Thơ xem xét trước khi có quyết định chỉ định nhà thầu sáng tác, phác thảo tượng đài (30/1/2015), trong khi đó giấy xác nhận của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau cho ông Phong lại được ký vào ngày 17/12/2015, tức là sau ngày ký đến gần 1 năm?
Theo một số lão thành cách mạng của Ban Liên lạc Khu đoàn Thanh niên, nếu hiện tại tác giả được chỉ định sáng tác, phác thảo tượng đài này không đủ năng lực và việc chỉ định này không đúng quy định của pháp luật thì đề nghị hủy bỏ và thu hồi Quyết định của Sở VHTT&DL Cần Thơ, chuyển qua tổ chức thi sáng tác theo đúng quy định.
Với những vấn đề trên, câu hỏi mà dư luận đang quan tâm là việc chỉ định thầu nói trên của Sở VHTT&DL Cần Thơ có hoàn toàn khách quan hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự về việc đến bạn đọc.