Đông đảo người dân ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, mùi hôi phát ra từ điểm tập kết rác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục hộ dân nơi đây. Điểm “tập kết rác” này có diện tích khoảng 2 ha, thuộc Cty TNHH Bột mì Đại Phong.
Người dân địa phương cho biết, khu đất này trước kia có một mương thoát nước, thế nhưng khi công ty về san lắp mặt bằng và biến khu đất này thành “bãi tập kết rác” của Cty Đại Phong. Cứ cách hai ngày Cty này lại cho xe chở hàng tấn phế phẩm công nghiệp là lúa mì không còn sử dụng từ Cần Thơ về bỏ tại khu vực này khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn vì ô nhiễm. Các hộ dân ở đây còn cho biết đã nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương nhưng vẫn không động tĩnh gì.
Anh Minh - chủ tiệm sửa xe cạnh khu xử lý rác theo kiểu “trồng chuối” búc xúc nói: “Ngày cũng như đêm, mùi hôi thối nồng nặc không chịu được. Khách đến sửa xe, chịu không nổi mùi hôi thối nên khách ngày càng thưa dần, thậm chí chỉ còn vỏn vẹn vài khách quen. Cả nhà sống nhờ việc sửa xe mà tình trạng này cứ tiếp diễn thì có nước chết đói”.
Anh Minh còn cho biết, rác tập kết về được chôn xuống đất, do rác tích tụ lâu ngày càng nhiều, không phân hủy được nên phát sinh mùi hôi thối. Không những thế việc tích tụ rác còn gây nên tình trạng ứ động nước, phát sinh ruồi muỗi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là đối với trẻ con. Nhiều người dân tại đây bức xúc, những khi trời mưa nước bẩn đen ngòm kèm theo ruồi nhặng tràn ra quốc lộ gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Nghiêm trọng hơn, nước bẩn còn tràn vào tận nhà dân, có nơi nước ngập đến 0,5 mét. Một số hộ vì không chịu được cảnh “ngập trong nước dơ bẩn” này nên phải dọn nhà đi nơi khác sinh sống. Riêng nhà anh Minh cũng bị ngập nước liên tục khiến cho cuộc sống gia đình bị xáo trộn, có lúc gia đình anh phải ngủ trên xe máy vì nước bẩn tràn vào nhà ướt cả mùng chiếu.
Cùng bức xúc này, anh Tý sống cạnh đó cho biết, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ “bãi rác” trên. Nước bẩn tràn qua ao cá của gia đình anh khiến cá bị ngộ độc chết hết, gây thiệt hại lớn, hoa màu cạnh đó cũng không sống được…
Có mặt tại hiện trường ô nhiễm, khu đất được bao bọc bởi bức tường cao, phóng viên rất khó mới ghi hình được toàn cảnh khu vực chứa rác thải gây bức xúc này. Cạnh quốc lộ, vô số những bao tải lớn được chất thành đống cao. Một vài người đang cắm cúi vận chuyển những phế phẩm này vào sâu trong khu đất.
Hàng tấn rác thải được Cty Đại Phong ngang nhiên tập kết với lý do là người dân mua? |
Ông Hòa (người quản lý) khu đất này nói bên trong những bao tải này là lúa mì không còn sử dụng của Cty Đại Phong vận chuyển đến đây để làm phân bón cho cây, cụ thể là trồng chuối. Nhưng quan sát thực tế tại thời điểm này thì lúa mì rải rác khắp nơi trên nền đất. Một số khác được công ty dùng “phương pháp xử lý rác” đốt thiêu hủy gây nên khói bụi và mùi hôi rất khó chịu.
Khi được hỏi về tình trạng nước bẩn ứ động gây ô nhiễm môi trường thì người này lại đổ lỗi cho đơn vị thi công quốc lộ không lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Nhưng theo người dân thì từ ngày công ty mang rác về tập kết tại đây đã án ngữ tất cả các đường thoát nước và sản sinh thêm nước độc
Dọc theo bức tường của khu đất là mương nước đen, kèm theo mùi hôi thối khó chịu. Chúng tôi đi sâu vào nơi giáp ranh giữa khu đất và kênh thủy lợi Ngọn Ba Nhện, phát hiện nơi đây có một đường ống lớn được đặt cố định dưới mặt đất, có đường kính hơn 0,3m miệng ống liên tục xả nước thải màu đen trực tiếp ra kênh.
Lần theo dòng nước đen chúng tôi phát hiện nguồn nước đen này xuất phát từ những đống lúa mì mà Công ty Đại Phong đã được chôn cất tại đây. Một phần nước thải men theo các khe rãnh đến miệng ống rồi thoát ra kênh. Những khi trời mưa nước thải ứ động tràn lan, tanh hôi cực độ. Khi nước ứ động lại vườn chuối, người quản lý ở đây đem máy bơm, ngang nhiên bơm nước thải ra quốc lộ khiến một đoạn đường trở nên lầy lội. Người điều khiển xe lưu thông trên đoạn đường này rất khó chịu trước sự bẩn thỉu đó.
Theo quan sát, phần nhiều thước thải còn lại được bơm trực tiếp ra kênh thông qua đường ống ngầm. Điều đáng nói xung quanh khu vực này có khá nhiều hộ dân đang sinh sống. Khi người dân lên tiếng bức xúc thì người quản lý còn tỏ ra hống hách thách người dân đi thưa kiện.
Khi tiến hành điều tra theo đơn thư bạn đọc, PLVN đã liên hệ với người đại diện của Cty Đại Phong, trả lời qua điện thoại ông Nguyễn Hùng Giang nói lý do bận việc nên không thể gặp chúng tôi, còn về phần chất thải thì ông này cho biết là người dân mua về để trồng trọt chứ Cty không biết và không thể kiểm soát(?).
Khi PV đem những bức xúc của người dân trao đổi với chính quyền thị trấn, ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc cho biết: “Nhận được phản ánh của người dân địa phương, UBND thị trấn đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thành lập đoàn kiểm tra và lập biên bản. Tại khu đất, chúng tôi ghi nhận có 10 tấn bột mì được tập kết tại đây, chắn hết đường thoát nước nên gây ngập úng kéo theo hệ lụy ô nhiễm môi trường xung quanh”.
Thế nhưng theo ghi nhận mới nhất của PLVN, cách khắc phục của công ty chỉ mới dừng lại ở việc di dời rác vào sâu bên trong khu đất và môi trường. Tuy nhiên, không biết công ty xử lý như thế nào nhưng nhiều hộ dân phát hiện ra có rất nhiều vòi được sản sinh từ ống xả thải của bãi rác trên. Dư luận vô cùng bức xúc trước việc doanh nghiệp ngang nhiên “xử lý rác thải” bằng cách trá hình như thế này. Hơn nữa, đây là chất thải công nghiệp, không chỉ gây ô nhiễm nguồn không khí, nguồn nước mà còn thể hiện sự xem thường pháp luật của Cty Đại Phong.
PLVN sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc