Giật mình trước những con số thống kê
Từ trước đến nay, nói đến Quảng Ninh người ta thường nghĩ đến điểm du lịch nổi tiếng là vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên thế giới 2 lần được UNESCO công nhận, nhưng cũng ít ai biết được rằng bên cạnh đó là một vùng mỏ than ngày đêm hoạt động không ngừng nghỉ, dẫn đến môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng, trong đó vịnh Hạ Long là nơi hứng chịu lớn nhất.
Hiện tại, theo thống kê khu vực TP Hạ Long và TP Cẩm Phả chạy dọc theo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có 12 mỏ khai thác than lộ thiên, 17 mỏ khai thác than hầm lò, 15 cảng và 4 nhà máy tuyển than đang hoạt động, với sản lượng khai thác than tại khu vực này đạt khoảng 35 triệu tấn/năm. Đây là hoạt động tạo ra nguồn thải lớn nhất, tác động mạnh mẽ nhất và uy uy hiếp nghiêm trọng nhất đến môi trường vùng vịnh Hạ Long.
Đến thời điểm này, nhiều mỏ lộ thiên đã âm quá giới hạn cho phép là -300m (so với mặt biển), nhưng vẫn tiếp tục khoan thăm dò khai thác, bất chấp những tác hại về cấu tạo địa chất, làm tiền đề cho những thảm họa khác như lở đất, nhiễm mặn và biến đổi sinh thái.
Hoạt động khai thác than lộ thiên đi kèm với hoạt động đổ thải (đất, đá, xít), theo tính toán của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cứ sản xuất được 1 tấn than lộ thiên thì phải đổ thải từ 10 đến 13 tấn thải và khoảng 3m3 nước thải từ khai trường. Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng nước thải mỏ mỗi năm khoảng 58,9 triệu m3, song chỉ xử lý được khoảng 25,9 triệu m3, còn lại đổ thẳng ra các sông suối rồi ra vịnh.
Bãi thải than trôi xuống biển ở khu Hòn 1, bãi Cọc 6, TP Cẩm Phả |
Báo cáo của TKV cho thấy, những năm gần đây, số lượng đổ thải của các đơn vị sản xuất than trung bình 210 triệu m3/năm (vùng than Cẩm Phả chiếm khoảng 150 triệu m3/năm, vùng than Hạ Long chiếm 45 triệu m3/năm). Đặc biệt nguy hại là các bãi thải ven bờ vịnh Hạ Long hiện nay, đó là bãi thải nam Đèo Nai rộng 230ha, bãi thải tuyển than Cửa Ông rộng 125 ha lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
Việc đổ thải được tích tụ sau nhiều năm đã thành những núi thải khổng lồ cao hơn +300m (so với mực nước biển), tập trung chủ yếu tại 4 bãi thải ngoài là Đông Cao Sơn, Bàng Nâu, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim (TP Cẩm Phả) và bãi thải Chính Bắc (TP Hạ Long). Tính đến 31/12/2012, tổng khối lượng đất đá thải tính riêng vùng Cẩm Phả là 3,7 tỷ m3, đến năm 2020 khối lượng đất đá thải của vùng này sẽ tăng thêm 1,9 tỷ m3. Theo đánh giá của các nhà khoa học, 100% bãi thải ngoài khu vực này đều thiếu an toàn, tác động rất xấu đến môi trường.
Theo số liệu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển mới công bố, hiện nay mỗi năm vùng vịnh Hạ Long - Bái Tử Long phải tiếp nhận khoảng 43 nghìn tấn COD; 9 nghìn tấn BOD; khoảng 135 tấn kim loại nặng. Đây là những chất ô xy hóa có rất nhiều trong các nguồn chất thải và hầu hết các nguồn ô nhiễm chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường.
Cảnh báo từ các chứng cứ khoa học
Thông tin hiện trạng môi trường vịnh Hạ Long từ năm 2004 đã cho biết, tại các khu vực ven bờ vịnh Hạ Long đã có những biểu hiện ô nhiễm cục bộ do tăng lượng chất rắn lơ lửng (TSS), giảm lượng oxy hòa tan (DO); nitrơrit và khuẩn gây bệnh ColiForm tại các khu vực như Lán Bè, Vựng Đâng và cảng than ven bờ nam Cầu Trắng... đã vượt tiêu chuẩn cho phép.
Khung cảnh hoang tàn tại một mỏ than Mông Dương, TP Cẩm Phả |
Một nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế năm 2015 cho thấy, điều đáng lo ngại là hàm lượng sắt (Fe), dầu khoáng và dầu mỡ, ammonia và nhu cầu oxy hóa học (COD) đã tăng gấp 3 lần mức cho phép theo tiêu chuẩn QCVN, nước trong các vùng lạch chứa nồng độ các nguyên tố phóng xạ cao hơn nơi khác. Nguyên nhân chính được xác định là do hoạt động khai thác than dọc vùng ven bờ vịnh.
Mỗi trận mưa, nước tràn vào bãi thải, hầm lò và khai trường, kéo trôi cả các hóa chất, xăng dầu, các chất thải nguy hại khác được dùng trong quá trình khai mỏ, nhất là bùn than có thể khiến nguồn nước bị nhiễm các chất độc như thạch tín, chì, khí CO; các chất kim loại nặng như arsenic, boron, manganese, selenium và thallium. Tất cả nguồn thải độc hại này sẽ làm biến đổi không khí, đất, đặc biệt là nước biển, tác động tới thủy sản và sinh vật thủy sinh khác tại vịnh Hạ Long.
Theo kết quả quan trắc của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, sau đợt mưa lụt cuối tháng 7/2015, thông số độ mặn tại các khu vực chịu tác động của mưa lũ giảm mạnh từ 40-60%, gây ảnh hưởng lớn đến các loài thuỷ sinh của khu vực, độ PH giảm mạnh kèm theo bùn đất làm thay đổi môi trường sống đột ngột, làm nhuyễn thể tại các bè, bãi nuôi trồng thuỷ sản ở Vân Đồn bị chết hàng loạt. Đặc biệt là nhóm kim loại nặng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, trong đó các thông số Fe, Mn đều vượt giới hạn cho phép ở tất cả các điểm đo.
Hệ lụy xung quanh công trường khai thác than phải kể đến ô nhiễm không khí, hầu hết những ngày trong năm bụi than làm cho bầu không khí như có sương mù. Khu vực khai thác hầm lò bị ô nhiễm nặng khí thải CO và NO2 và trên toàn vùng khai thác than bị ô nhiễm khí thải CO, NO2, SO2. Tất cả đều vượt ngưỡng cho phép từ 3,5 đến 8 lần.
Theo TS Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, nguy cơ đục nước, bùn hóa và nông hóa đáy vịnh Hạ Long đang ở mức đáng báo động. Hệ sinh thái dưới nước khu vực ven bờ suy kiệt nghiêm trọng, do tất cả các luồng chảy kéo theo bùn than đều dẫn ra vịnh Hạ Long, trong khi rừng ngập mặn là hệ sinh thái giúp ngăn chặn các chất thải độc từ các khai trường đổ xuống đã bị tàn phá tới mức cạn kiệt. Tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời, tương lai không xa vùng lõi vịnh Hạ Long sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa và mất đi toàn bộ giá trị tự thiên của Di sản Thiên nhiên thế giới.