19ha rừng cháy trong đêm
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 1h30 sáng ngày 15/2 tại khoảnh IV, khu Bãi Bằng, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) khiến 19ha bạch đàn chồi, keo, thông bị thiêu rụi hoàn toàn, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho chủ rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống của nhiều người dân. Nguyên nhân ban đầu được cho là có dấu hiệu phá hoại của con người. Nhưng đến nay thủ phạm vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc làm rõ.
Được biết, đây là khu rừng trồng đã được giao cho người dân quản lý. Chủ rừng là gia đình bà Nguyễn Thị Biên (trú tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Hải, bà Nguyễn Thị Thư (cùng trú tại Xuân Mai, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên).
Ngay sau khi phát hiện đám cháy, kiểm lâm địa bàn xã Ngọc Thanh cùng chủ rừng đã huy động gần 40 người tổ chức cứu chữa. Khu vực xảy ra cháy cao hơn 300 mét, có độ dốc lớn nên xe chữa cháy, phương tiện chữa cháy hiện đại không tiếp cận được hiện trường. Điều đáng nói, mặc dù nguồn nước khá gần nhưng từ nhiều năm qua, đường dân sinh đã bị chặn lại, cản trở lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ chữa cháy.
Sau khoảng 4 giờ tích cực triển khai các biện pháp chữa cháy, đến 5h30’ ngày 15/2 đám cháy mới được khống chế. Vụ cháy khiến 19ha rừng bị thiêu rụi, cháy toàn bộ thực bì gồm tế guột, lau, cây bụi… Còn các loại cây trồng như bạch đàn, thông, keo… bị cháy và táp lá, khó có khả năng phục hồi.
Vụ cháy này xảy ra giữa đêm khuya (1h30 sáng) nên nguyên nhân cháy do tự nhiên hay do lỗi vô ý của người dân gần như không có. Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, nguyên nhân cơ bản được xác định là do con người cố ý đốt rừng. Nhưng ai đốt, đốt vì mục đích gì thì vẫn là một câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng.
“Nguyên nhân ban đầu được xác định là do con người chủ ý gây ra chứ không phải do thiên nhiên. Với nhiều lý do khác nhau nên có người đã đốt rừng để phá hoại tài nguyên môi trường, xâm hại tài sản của chủ rừng”, ông Lê Văn Nhã - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Phúc Yên nhận định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Biên (chủ rừng) cho rằng: “Nguyên nhân cháy rừng có thể do bị kẻ xấu đốt để tận thu khai thác hoặc nhằm mục đích phá hoại”.
Ai đốt và đốt vì mục đích gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vụ 19ha rừng bị cháy vào đêm khuya. Lúc này, những người làm rừng đều đã về nhà nên khả năng vô ý gây hỏa hoạn đã bị loại trừ. Hơn nữa, thời tiết hôm đó không có mưa cũng như sấm sét. Cơ quan chức năng không khỏi nghi vấn nguyên nhân của vụ cháy là do chủ ý của con người. Nhưng người đó là ai thì trách nhiệm của cơ quan điều tra phải làm rõ.
Cũng theo ông Hùng, đây là rừng sản xuất, trồng chủ yếu các loại cây bạch đàn, keo và thông. Hiện tại lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm đếm xác định chính xác cụ thể các loại cây bị thiệt hại.
Liên quan đến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn do đường dân sinh bị chặn lại, gây cản trở cho lực lượng, phương tiện chữa cháy, ông Hùng cho biết đã có báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.
Còn ông Bùi Minh Hồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định nguyên nhân vụ cháy rừng tại xã Ngọc Thanh ngày 15/2 không loại trừ có bàn tay phá hoại của con người. “Do con người chứ không ai khác, có thể do thù hằn cá nhân”, ông Hồng nói
Cũng theo ông Hồng, sau khi vụ cháy rừng xảy ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Công an tỉnh điều tra, xác minh nguyên nhân, làm rõ thủ phạm.
Như Báo PLVN đã phản ánh, diện tích đất rừng của gia đình bà Nguyễn Thị Biên tại lô 36, khoảnh IV, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên bị người khác đến chiếm dụng và chặt cây. Ngoài ra, khi mở đường dân sinh thì chính quyền lại không đền bù cho bà Biên, người sử dụng hợp pháp khu đất…
Cụ thể, khu đất rừng thuộc lô 36 – khoảnh IV tại xã Ngọc Thanh được UBND huyện Mê Linh giao gia đình bà Biên sử dụng và khai thác từ năm 1995. Đến năm 1998, bà Biên làm tờ trình dự án xin chuyển đổi khu đất S6 phục vụ cho việc trồng cây ăn quả nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên khi cho máy móc, nhân công vào làm thì ông Tạ Văn Tuấn (công nhân của Xí nghiệp Mê Linh) cản trở. Mặc dù bà Biên đã nhiều lần gửi đơn lên xã, huyện tố cáo ông Tuấn chiếm đoạt trái phép đất của bà nhưng đều không được giải quyết dứt điểm.
Sự việc càng nóng và phức tạp hơn khi Xí nghiệp Mê Linh giải thể (năm 2003) và tổ chức họp bàn phân chia vật liệu của nông trường cho công nhân. Được sự đồng ý của bà Biên, Hội đồng giải thể của xí nghiệp quyết định: Bán vật liệu thanh lý nhà trung tâm Đội 2 Lập Đinh và chuồng bò Lập Đinh số 1 của xí nghiệp cho ông Tuấn và ông Tuấn phải dỡ bỏ nhà trung tâm đội 2 để trả lại mặt bằng cho bà Biên.
Nhưng theo bà Biên, ông Tuấn không những không thu dọn đồ đạc, trả lại đất mà còn chặt cây cũ, trồng cây mới trên mảnh đất của gia đình bà.
Năm 2009 tỉnh Vĩnh phúc có chủ trương xây dựng hồ tích trữ nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Một phần đất lô S6 của nhà bà Biên nằm trong diện tích quy hoạch của dự án, nhưng lạ lùng thay, Ban giải phóng mặt bằng không đền bù cho chủ đất mà lại lên kế hoạch đền bù cho người chiếm giữ trái phép.
“Khi biết Nhà nước có chủ trương làm hồ Lập Đinh, lô đất nhà tôi có một phần trong dự án. Tôi lên UBND xã hỏi thì được biết Ban giải phóng mặt bằng đã kê khai đền bù cho nhà ông Tuấn chứ không phải nhà tôi, mặc dù chủ sử dụng, người được pháp luật công nhận là tôi, còn ông Tuấn chỉ là người chiếm dụng trái phép. Đến giờ, tiền đền bù nhà tôi không được nhận, đất thì bị chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật, mặc dù tôi nhiều lần làm đơn gửi đến các cấp chính quyền nhưng cứ như “đá ném ao bèo”, bà Biên cho biết.