Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật
Ngày 11/11/2020, Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 50 đại diện từ các cơ quan ban ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, chuyên gia kinh tế và cơ quan báo đài.
Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất chính sách quản lý riêng đối với đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, cùng với việc tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá qua Công văn số 4861 ngày 17/06/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Công văn số 8750 ngày 20/10/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tại đây, các đại diện đã đưa ra các ý kiến bàn luận về vấn đề xây dựng khung pháp lý cho loại hình thuốc lá thế hệ mới. Chủ trì buổi tọa đàm có ông Trần Đức Vinh, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Mở đầu buổi tọa đàm, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Đức Vinh cho biết: “Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội loại hình thuốc lá điện tử ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khung pháp lý rõ ràng cho sản phẩm này, chính vì vậy buổi tọa đàm hôm nay được tổ chức sẽ ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, để đưa ra góc nhìn khách quan hơn, là cơ sở để cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ đưa ra khung pháp lý phù hợp cho loại hình sản phẩm này”.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Đức Vinh chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư Pháp), bà Nguyễn Quỳnh Liên cho biết, sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới đang liên quan trực tiếp đến hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt đây là loại hành hóa trong sản xuất và kinh doanh, vừa là loại sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải đặt ra yêu cầu có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và trật tự quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương cho hay: “Trong 8 tháng đầu năm lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Riêng thuốc lá thế hệ mới số vụ thu giữ và số lượng thu giữ ngày càng tăng lên. Nếu trong năm 2019 Hà Nội chỉ kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 sản phẩm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thì trong 9 tháng đầu năm 2020 QLTT Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ, thu giữ hàng nghìn sản phẩm. Tại TP HCM, Hải quan TP HCM đã thu giữ 4 kiện hàng nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng thu giữ được khoảng 1 tỷ đồng”.
Ông Minh nhận định, thực tế quy định pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới, nên các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên các việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm. Vì vậy, pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng, cần có khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này để có mức hình phạt cụ thể và xác đáng.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư Pháp) chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Nêu ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, Trung tá Lê Thiện Thành, Phó phòng Hướng dẫn Điều tra tội phạm, Cục Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên Phòng cho biết: “Tại Việt Nam, toàn bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thuốc lá hiện hành đều mới chỉ được áp dụng cho thuốc lá truyền thống. Các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu. Đồng thời, cụm từ “Thuốc lá thế hệ mới” chưa hề xuất hiện trong bất cứ một văn bản pháp lý nào. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Cần có giai đoạn thí điểm khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Lê Thành Hưng – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ KH&CN cho hay, việc xúc tiến xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất cần thiết. Bởi ngay cả về định nghĩa, khái niệm nhiều người còn nhầm lẫn. Việc đưa ra khái niệm, định nghĩa cho các sản phẩm sẽ giúp thống nhất cách hiểu về bản chất kỹ thuật của sản phẩm.
Cũng theo ông Hưng, tháng 3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi Văn phòng chính phủ liên quan đến báo cáo của Bộ Công Thương về kết ủa nghiên cứu và chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Đây là sản phẩm ra đời cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu. Do đó Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Kết thúc buổi tọa đàm, chủ trì buổi tọa đàm ông Trần Đức Vinh, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các vị đại biểu đã đóng góp rất thực tế về vấn đề nóng này. Trong buổi tọa đàm, có rất nhiều ý kiến đưa ra có phản biện nhau, tuy nhiên tựu trung lại các ý kiến đề nghị phải có khung pháp lý cho sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Đặc biệt, để quy định của pháp luật đưa ra được áp dụng hiệu quả tránh các văn bản không sát thực tế. Không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà nên triển khai thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.
Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.