Hiện nay, theo ông Nguyễn Hạc Thúy (Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPBVN) ̣̣̣̣(ảnh nhỏ) ), để 60 triệu nông dân Việt Nam phải dùng phân bón giả cho sản xuất nông nghiệp là tội ác thực sự của những kẻ làm ra phân bón giả.
Còn “nới tay” trong xử lý
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ “lũng đoạn” của phân bón giả trên thị trường hiện nay?
- HHPBVN cùng với Văn phòng thường trực 389 quốc gia, UBND TP HCM tổ chức cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón điểm tại địa bàn quận Bình Chánh và 24 quận, huyện. Kết quả cho thấy con số rất bất ngờ nhưng hoàn toàn đúng như dự báo của HHPBVN.
Mới kiểm tra 56 cơ sở sản xuất phân bón thì chỉ có 36 cơ sở có giấy phép, 20 cơ sở còn lại không có giấy phép hoạt động nhiều năm liền. Điều này vô cùng nguy hiểm. Các cơ sở này đang được UBND TP HCM lập hồ sơ, nếu đủ các điều kiện sẽ bị đề nghị xử lý hình sự. Về môi trường, trong tổng số 44 cơ sở chỉ có 26 cơ sở có hồ sơ pháp lý, 18 cơ sở còn lại không có và cũng vi phạm về hợp quy, nhãn mác. Trước đó, UBND TP HCM phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khởi tố 3 cơ sở với 17 bị can, 13 vụ xử phạt hành chính.
Đây mới chỉ là kết quả phát hiện trên địa bàn TP HCM, nếu kiểm tra cả 63 tỉnh, thành thì kết quả sẽ như thế nào? Nhiều năm qua, biết bao cơ sở gây thiệt hại cho hàng chục triệu hộ nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam... Chính vì vậy, HHPBVN đã có Công văn số 190/CV-2017 gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề xuất những giải pháp xử lý cấp thiết tình trạng phân bón giả tràn lan hiện nay. Hiệp hội cũng cho rằng, cần có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát trên cả nước, cần có sự phối hợp liên ngành, liên địa phương để có đánh giá toàn diện nhất về thị trường phân bón tại Việt Nam hiện nay.
Nhưng theo ông, “mức độ xử lý đối với hành vi sản xuất phân bón giả hiện nay chỉ bị xử phạt hành chính là quá nhẹ, thậm chí nhiều vụ việc còn có dấu hiệu chìm xuồng dù việc vi phạm đã quá rõ ràng”?
- Trước hết, phân bón là loại hàng hóa mà người nông dân bắt buộc phải sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại là loại hàng hóa mà dễ sản xuất giả nhất. Có khi chỉ cần trộn đất, đóng vào bao bì rồi đem bán, thu lại nguồn lợi lớn. Người nông dân, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn, trình độ dân trí chưa cao thì việc nhận biết phân bón giả không hề đơn giản. Nhưng hậu quả mà phân bón giả đối với hàng triệu nông dân Việt Nam lại vô cùng lớn.
Mới đây nhất khi TP HCM tiến hành kiểm tra, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 114/250 đơn vị phân phối phân bón giả và chỉ có thể xử phạt hành chính. Đây chính là một trong những bất cập hiện nay trong công tác quản lý thị trường phân bón Việt Nam. Việc chỉ xử phạt hành chính đối với việc sản xuất phân bón giả chưa đủ sức răn đe, chưa đủ mạnh, thậm chí nhiều vụ còn có dấu hiệu “chìm xuồng” dù việc vi phạm đã quá rõ ràng.
Như vụ việc của Công ty Cổ phần Thuận Phong (tỉnh Đồng Nai), vi phạm kéo dài gần 2 năm chưa bị xử lý. Địa phương họp 2-3 lần, Văn phòng Chính phủ họp 2 lần, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình điều hành phiên họp ngày 11/11/2016 mới kết luận được là công ty này có dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả và giao cho Bộ Công an xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 1/3/2017.
Đến nay vụ việc vẫn chưa có gì mới, thậm chí vẫn “phớt lờ chỉ đạo”, cho thấy tình trạng lợi ích nhóm, bảo kê cho việc vi phạm của Công ty này. Tôi nói rõ là HHPBVN theo dõi rất sát sao vụ việc tại Công ty Thuận Phong. Những vi phạm rõ ràng mà không bị xử lý như vậy thì người nông dân biết kêu ai bây giờ?
Vì vậy, chúng ta cần một pháp lệnh về phân bón rồi tiến tới luật phân bón mới có thể hoàn thiện cơ chế và văn bản pháp quy đầy đủ thì mới có thể đẩy lùi phần nào tình trạng sản xuất phân bón giả.
Tổng kiểm tra, rà soát thị trường
Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
- Trước hết, việc quản lý thị trường phân bón ở Việt Nam còn nhiều lỏng lẻo và bất cập. Việc cấp phép cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón còn chưa có cam kết đi kèm về chất lượng. Nếu có cũng bị lợi nhuận làm cho mờ mắt mà làm phân bón giả, kém chất lượng. Hơn nữa, việc giao cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý thị trường phân bón tại Việt Nam là chưa thực sự hợp lý. Có chăng, Cục Trồng trọt mới là đơn vị quản lý cấp Nhà nước thì mới sát sao được.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có nhìn nhận đúng, chính xác về thị trường phân bón Việt Nam qua một cuộc tổng rà soát, kiểm tra. Các bộ, ngành cần làm việc nghiêm túc và quyết liệt. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi nghĩ tới 60 triệu nông dân Việt Nam hiện nay phải dùng phân bón cho sản xuất nông nghiệp nhưng phải dùng phân bón giả. Đó thực sự là một tội ác của những kẻ làm ra phân bón giả.
Vậy ông cho rằng vai trò của chính quyền địa phương cũng như các đại lý, cơ sở bán trực tiếp phân bón cho người nông dân sẽ có trách nhiệm như thế nào đối với tình trạng này?
- Trong kiến nghị mới đây của HHPBVN, chúng tôi cho rằng, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị tại cơ sở phải có trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát các cơ sở bán phân bón cho người nông dân tại đó. Việc này cần có quy định cụ thể gắn với trách nhiệm khi phát hiện có sự lưu hành của phân bón giả tại đó. Nếu chính quyền địa phương không làm tốt sẽ có quy định xử lý cụ thể.
Đối với các đại lý, thường bao giờ họ cũng có chiết khấu về lợi nhuận đối với đơn vị phân phối, công ty sản xuất phân bón. Phải có cam kết cụ thể với người nông dân, nếu bán phân bón giả thì sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chặt đứt “vòi” phân phối, các cơ sở sản xuất phân bón giả sẽ không thể nào tiêu thụ được sản phẩm kém chất lượng được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!