Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư này hướng dẫn thực hiện nội dung phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, bao gồm Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.
Trong dự thảo Thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất áp dụng cho 4 nhóm đối tượng. Thứ nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về... thuộc hộ nghèo được tham gia dự án theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg. Thứ hai là hộ mới thoát nghèo là hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa 3 năm được quy định theo Quyết định số 28/2015/QĐ0TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo.
Nhóm đối tượng thứ ba là nhóm hộ, tổ hợp tác, cộng đồng dân cư (bao gồm cả nhóm hộ do các tổ chức chính trị - xã hội làm đại diện) được UBND xã chứng nhận (trong đó tỷ lệ hộ không nghèo tham gia nhóm hộ, tổ, nhóm hợp tác không quá 30%). Người đại diện nhóm hộ, tổ hợp tác, cộng đồng dân cư là tổ trưởng, trưởng nhóm do các thành viên bầu ra.
Nhóm đối tượng thứ tư là tổ chức và cá nhân có liên quan là doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Theo dự thảo, tùy theo mục đích, nội dung của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương, các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư. Cụ thể: Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, có giá trị kinh tế nằm trong danh mục giống được phép sản xuất và kinh doanh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phù hợp với quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành và điều kiện của địa phương; Phân bón, vật tư theo định mức kỹ thuật áp dụng cho từng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; Thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin tiêm phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y; Máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư, nguyên liệu sản xuất theo thiết kế của dự án; Chi xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản, mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của địa phương.