Những con số “ma thuật”?
Kết quả cho thấy mức thu trong 10 ngày (ngày 10-20/7) Tổng cục đường bộ (TCĐB) kiểm tra, kết quả thu phí bình quân đạt 1,97 tỷ đồng/ngày. Nếu so với mức thu trung bình hàng ngày theo báo cáo của doanh nghiệp, con số này lớn hơn 582 triệu đồng/ngày.
Lý giải con số chênh lệch này, lãnh đạo Công ty CP BOT cho rằng những ngày bị giám sát, lưu lượng phương tiện tăng cao trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì và cầu vượt Ngọc Hồi đang sửa chữa.
Phản bác lý giải trên, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1- đơn vị thành viên dự án nâng cấp, mở rộng đoạn Pháp Vân- Cầu Giẽ theo hình thức BOT) cho biết kết quả doanh thu dự án trong 10 ngày TCĐB kiểm tra là đúng thực tế.
Đơn vị này nhận xét biện pháp giám sát của TCĐB đưa ra là chặt chẽ và cùng thời gian này, Cienco 1 cũng kiểm tra độc lập và so sánh từng ngày.
Trao đổi với XLPL, ông Đinh Ngọc Đàn, Phó TGĐ công ty Cienco 1 phân tích: Theo kết quả kiểm tra, mức thu phí trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ bình quân mỗi ngày 1,97 tỷ đồng.
Trong 10 ngày TCĐB kiểm tra chỉ có 1 ngày cuối tuần (thông thường thì ngày thu cuối tuần tăng cao hơn ngày bình thường 10 - 15%). Còn trước đó trong tháng 7 có đến 5 ngày cuối tuần, nên dự tính doanh thu tháng 7/2016 ước đạt khoảng 61,3 tỷ đồng.
Theo ông Đàn, con số 61,3 tỷ đồng trong tháng 7 có ý nghĩa quan trọng về việc tạo ra ngưỡng kiểm soát doanh thu cho các tháng và trong các năm tiếp theo, theo hướng số tiền thu được chỉ có tăng lên chứ không bao giờ giảm hay “lừng khừng”. “Trừ trường hợp hệ thống quy hoạch mạng lưới giao thông trong khu vực thay đổi”, ông Đàn nói.
Trước đó, theo báo cáo của công ty BOT về công tác thu phí sau khi tuyến cao tốc đi vào hoạt động đến tháng 1/2016, doanh thu chỉ đạt 41 tỷ đồng/tháng (1,4 tỷ đồng/ngày).
Nhưng đến tháng 2/2016 là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân, doanh thu lại giảm xuống chỉ còn 35,9 tỷ đồng (bình quân 1,2 tỷ đồng/ngày). Rồi trong tháng 4,5/2016 vừa qua, trạm thu phí lại công bố thu được hơn 50 tỷ đồng/tháng (1,8 tỷ đồng/ngày).
Cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ |
Cổ đông tố bị công ty “chèn ép”
Cienco 1 là đơn vị đã đưa nghi vấn thất thoát phí tại công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Đây cũng là một trong ba cổ đông sáng lập công ty, sở hữu 18% vốn điều lệ (148 tỷ đồng góp vốn).
Giải thích những việc làm trên, ông Đàn cho rằng họ bị công ty BOT “chèn ép” quá mức. Cách đây hơn nửa năm, sau khi nhận thấy những dấu hiệu bất minh trong doanh thu của công ty BOT, Cienco 1 đã có những đề nghị nội bộ như:
Đề xuất nhân sự công ty Cienco 1 tham gia quản trị theo tỷ lệ góp vốn nhằm nắm rõ tình hình kinh doanh. Đề nghị trên là chính đáng bởi theo Luật Doanh nghiệp thì cổ đông lớn hay nhỏ (dù chỉ góp vốn 1% vốn) cũng được quyền biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyên tắc chung trong kinh doanh là minh bạch, công khai doanh thu để các cổ đông được quyền biết. Thế nhưng yêu cầu này đã không được chấp nhận.
Trước đó một thành viên Cienco 1 giữ chức kế toán trưởng tại công ty BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ nhưng đã bị cho thôi việc. Hiện còn một số nhân sự Cienco 1 tham gia công ty BOT nhưng không có vai trò trong quản trị.
Đồng thời với đề xuất nhân sự, Cienco 1 cũng đề xuất công ty BOT báo cáo chi tiết về thu chi. Trước đó công ty có nhận được báo cáo nhưng chung chung, không đúng biểu mẫu và quy trình.
Khi những đề xuất trên không được chấp thuận, Cienco 1 tiếp tục đề nghị phối hợp kiểm tra nội bộ cũng không được chấp thuận.
Sau đó để đảm bảo số liệu đối chứng, Cienco 1 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Frontier Solution lắp đặt thiết bị hệ thống giám sát lưu lượng trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với giá trị 7,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư BOT thường cử người cản trở, dùng biển báo hoặc xe tải che chắn camera. “Qua đó, chúng tôi đánh giá công ty BOT không minh bạch trong việc thu phí. Hiện số camera này phải xếp kho”, ông Đàn nói.
“Chúng tôi đủ năng lực kiểm tra nội bộ chứ không nhất thiết phải hợp tác với bên thứ ba, nhưng vì đảm bảo minh bạch, mặc dù tốn kém chúng tôi vẫn làm”, vẫn lời ông Đàn.
Sau khi những đề xuất trên không được công ty BOT không chấp thuận, Cienco 1 đã phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước. TCĐB đã vào cuộc và có báo cáo 10 ngày kiểm tra như đã nêu.
Sau khi TCĐB công bố kết quả kiểm tra, Cienco 1 có công văn đề nghị công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tổ chức cuộc họp nội bộ nhằm đánh giá lại kết quả thu phí , xác định rõ nguyên nhân và tìm phương án khắc phục. Đề xuất này tiếp tục không được chấp nhận.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, khởi công cải tạo nâng cấp vào ngày 20/7/2015 và hoàn thành giai đoạn I, bắt đầu triển khai thu phí từ ngày 6/10/2015.
Cienco1 là một trong ba cổ đông sáng lập của MPC với số vốn góp là 148 tỷ đồng, chiếm 18% vốn điều lệ.
Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ lên tới 823 tỷ đồng này là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng giám đốc), cổ đông nữa là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%.