Cưu mang người dưng
Trong ánh nắng ấm áp của những ngày đầu hạ, men theo tuyến đường bê tông liên xã, chúng tôi tìm đến mái ấm nhỏ của vợ chồng ông Phương. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe tiếng cười nói ríu rít của gần 10 đứa trẻ. Thấy có khách, một cô bé nhanh nhảu chạy vào trong nhà gọi người lớn.
Một lát sau, một người đàn ông cụt tay trái, tay phải bế cô bé ra mở cửa đón khách. Nhìn cô bé, ông cười hiền: “Đây là thành viên nhập khẩu mới nhất của gia đình. Con bé tên Trần Phạm Hoài Thương, học lớp 2. Gia đình nuôi cháu đã hơn 2 năm rồi, xem như con cháu trong nhà”.
Rồi, lục lại trong quá khứ, ông Phương bảo, hiện vợ chồng ông đang nuôi 10 đứa trẻ mồ côi hoặc cha mẹ khó khăn không nuôi được. Đó là số trẻ hiện nuôi, còn tính gần 35 năm qua, vợ chồng ông đã cưu mang hơn 20 trẻ mồ côi, người neo đơn.
Trải lòng về cơ duyên của vợ chồng mình đối với những mảnh đời kém may mắn, bà Quy bảo, ngày xưa chiến tranh, cha bà đi tập kết, mẹ thì bị tù. Lúc đó, bà mới 5 tuổi, không có cha mẹ bên cạnh nên được bà con láng giềng quan tâm, cưu mang, người cho cơm ăn, người cho quần áo mặc, nhờ thế mới sống đến ngày hôm nay. Bởi vậy, sau khi lấy chồng, khi thấy người nào cơ cực, không nhà cửa, không ai chăm sóc, giống như mình trước đây, bà lại thấy đồng cảm, muốn được giúp đỡ.
Với suy nghĩ ấy, từ năm 1983, vợ chồng bà Quy nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên ở địa phương tên Võ Văn Lâm, khi đó cháu vừa tròn 1 tuổi. Đứa trẻ có hoàn cảnh rất đáng thương. Vì mâu thuẫn gia đình, người mẹ chém cha nhiều nhát dao, sau đó bỏ đi biệt tích. Người cha thương tật, không thể lo được cho con nên vợ chồng bà nhận đứa trẻ về nuôi.
Hàng tháng, vợ chồng bà Quy còn chu cấp gạo, tiền bạc cho người cha nghèo kia. Nuôi đứa trẻ được 3 năm thì trong một lần về thăm cha, cháu bé bị chó dại cắn, không qua khỏi. Đó là nỗi ám ảnh mà đến nay vợ chồng bà vẫn còn day dắt.
Cô bé Hoài Thương cũng có hoàn cảnh rất bất hạnh. Mẹ mất năm 2014, còn ông bà người thì đau bệnh, người đã mất vì bệnh ung thư. Thế là người cha đành gửi cho vợ chồng bà Quy nuôi để đi làm ăn phương xa. Khoảng thời gian đầu, cha Thương vẫn gọi điện và gửi tiền về cho gia đình bà Quy nuôi cháu, nhưng được một thời gian thì cha cháu cũng biệt tích. Thế là, đôi vợ chồng này lại càng thương yêu, chăm sóc cho bé Thương nhiều hơn trước, mong bù đắp những thiếu thốn về mặt tình cảm cho cháu.
Những hoàn cảnh bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi, nhà nghèo mà vợ chồng ông Phương nhận cưu mang, nuôi dưỡng đều là người dưng, không bà con, thế nhưng khi đã có “nhân duyên” gặp, ông bà đều xem như những thành viên trong gia đình, hết mực yêu thương. Cứ vậy, rất nhiều đứa trẻ lớn lên từ ngôi nhà của ông bà. Nhiều người ông bà nhận nuôi từ 1, 2 tuổi nay đã khôn lớn, người học đại học, người đã lập gia đình.
Trong số những đứa trẻ ở mái ấm này có Võ Văn Hùng (23 tuổi) được ông chồng ông Phương nuôi dưỡng từ năm 3 tuổi, hiện là sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Người thương binh tốt bụng Nguyễn Thành Phương |
“Anh chị em chúng tôi may mắn được ông bà đem về cưu mang, nuôi dưỡng, cho ăn học đến nơi đến chốn. Công ơn của ông bà chúng tôi không bao giờ quên được. Ông bà thương chúng tôi như con cháu ruột thịt của mình vậy. Tôi tự hứa với lòng sẽ cố gắng học thành tài để sau này báo đáp cho ông bà”, Hùng cho biết.
Mỗi hoàn cảnh mà vợ chồng ông Phương nhận nuôi đều có những số phận, nỗi bất hạnh riêng. Cháu thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu thì mồ côi cha, cháu thì không còn mẹ, có trường hợp còn cả cha lẫn mẹ, nhưng gia cảnh nghèo khó quá, nên đành nhờ ông bà nuôi giúp.
Mấy chục năm qua, trong nhà ông bà lúc nào cũng có thêm thành viên. Hết lượt người này lớn khôn, trưởng thành lại đến lượt đứa trẻ khác mới biết đi chập chững được ông bà nhận về. “Vợ chồng tôi ngày càng lớn tuổi, sợ lo không nổi, nhưng rồi cầm lòng không được. Cứ động viên nhau cố gắng, dù khó cũng phải giúp những đứa trẻ đến cùng”, ông Phương chia sẻ.
Truyền nghề
Rời chiến trường, ông Phương bị thương tật hơn 68%, cụt một tay, nhưng tự nhủ lòng phải cố gắng làm việc, học thêm nghề sửa xe để cải thiện kinh tế của gia đình. Rồi khi nhận nuôi những đứa trẻ, những người cơ nhỡ, ông lại truyền nghề cho họ. Nhắc về những người từng được mình cưu mang, ông Phương vui mừng khoe về ông Nguyễn Minh Hoàng, nay đã hơn 50 tuổi, hiện sinh sống ở huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Ông Hoàng quê ở xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 18 tuổi, Hoàng đã từng lầm lỗi. Sau khi trả giá cho lỗi lầm của mình, Hoàng ở với mẹ, mẹ làm nghề bán mắm, gia cảnh rất khó khăn. Biết được vợ chồng ông Phương hay giúp đỡ, cưu mang người nghèo nên mẹ Hoàng đã xin ông Phương cho con trai ở để ông uốn nắn, dạy dỗ.
Lúc đầu, khi nghe lý lịch của Hoàng, bà Quy rất lo lắng nhưng ông động viên bà rằng với cách sống chân thật, tình nghĩa trước giờ của gia đình sẽ cảm hóa được Hoàng. Sau khi bà Quy đồng ý, Hoàng khăn gói lên nhà ở với vợ chồng ông. Hàng ngày, Hoàng theo ông học nghề sửa xe.
Hơn 3 năm sống ở nhà ông Phương, Hoàng luôn chăm chỉ làm việc, sống hòa đồng với mọi người. Giờ đây, ông Hoàng đã có tổ ấm riêng và rất hạnh phúc. Ông có 5 người con thì đã có 3 người tốt nghiệp đại học, có công việc làm ổn định.
Liên lạc qua điện thoại, ông Hoàng vui vẻ cho biết: “Tôi rất biết ơn vợ chồng anh Phương. Họ là những người đã sinh ra tôi lần hai, nếu không có họ tôi sẽ không có ngày hôm nay. Mỗi lần về quê, gia đình tôi lại ghé thăm vợ chồng anh, dăm bữa nửa tháng là gọi điện hỏi thăm”.
Người đàn ông khuyết tật Nguyễn Hồng Châu, nay đã ngoài 40 tuổi, cũng được vợ chồng ông Phương cưu mang từ khi mới lên 10. Ngày ấy, Châu bị khuyết tật từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn. Rồi khi Châu lên 10, người cha lại đột ngột qua đời, mẹ đi lấy chồng khác, vợ chồng ông Phương xót thương hoàn cảnh của Châu nên nhận về cưu mang. Lớn lên, ông Phương cũng truyền nghề sửa xe đạp, rồi cưới vợ cho Châu. Đến nay, người đàn ông này đã có một mái ấm hạnh phúc, con cái đề huề.
Ngồi trò chuyện, ông Phương say sưa nhắc về những người được ông cưu mang, truyền nghề, giờ đã có công ăn việc làm ổn định. “Muốn người ta nghe mình, thì trước tiên bản thân vợ chồng tôi phải gương mẫu, sống trách nhiệm. Hơn nữa, những người chúng tôi cưu mang đều là những người vốn thiếu thốn tình thương, nên vợ chồng tôi luôn ân cần, đối xử bằng cái tâm chân thật nhất.
Ngôi nhà này đã cưu mang hàng chục đứa trẻ mồ côi |
Đặc biệt với những người từng lầm lỗi, phải biết bao dung và tin tưởng họ hơn, để giúp họ mạnh dạn làm lại cuộc đời. Thấy được những người mình cưu mang, giúp đỡ thành công, sống hạnh phúc là điều mà vợ chồng tôi vui sướng nhất”, ông Phương tâm sự.