Buồn vui làng phu mộ

Đội phu mộ Yên Bồ bên những nấm huyệt đang xây dở dang.
Đội phu mộ Yên Bồ bên những nấm huyệt đang xây dở dang.
(PLO) - Thôn Yên Bồ, xã Vật Lai, huyện Ba Vì, Hà Nội hiện có gần 200 người mưu sinh bằng nghề phu mộ ở Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng. Có nhiều gia đình cả cha con, vợ chồng, chú cháu… đều đi phu mộ.

Đổ mồ hôi, nước mắt bên huyệt mộ

Đang nhăn nhó mặt mũi, thở hổn hển khiêng bao gạch, anh Lê Văn Thoan và chị Nguyễn Thị Hựu dừng lại tiếp chuyện chúng tôi vài câu: “Ruộng ở vùng này ít lắm, quanh năm không có nghề phụ gì nên phải  vào đây làm kiếm thêm vài đồng để có cái tiêu. Đã làm ở đây được hơn 2 năm rồi nhưng bọn mình không có tay nghề nên đành phải nhận chân gánh gạch, gánh nước”.

Chị Hựu mới 32 tuổi nhưng đã có 3 đứa con đến tuổi ăn tuổi học, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi. Chồng chị ở nhà làm ruộng, không có nghề phụ gì nên cuộc sống rất khó khăn. Chính vì thế ngày mưa gió, giá lạnh hay nắng như đổ lửa chị đều đạp xe vào Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng làm những công việc nặng nhọc bê gạch, gánh nước phụ giúp cho cánh thợ xây. Những hôm nào ốm đau nằm liệt gường chị mới chịu ở nhà. Chị buồn bã cho biết: “ Nếu mình mà không đi phụ hồ kiếm được đồng ra, đồng vào thì bọn trẻ ở nhà phải bỏ học mất”.

Công việc bê gạch, gánh nước lên đỉnh đồi để xây huyệt mộ với quãng đường 200-300m vô cùng nhọc nhằn, vất vả. Chúng tôi thấy tất cả sự khó nhọc đó dường như hiện hết trên khuôn mặt khắc khổ của chị Hựu, anh Thoan. Họ cho biết do không có loại phương tiện nào lên được trên đỉnh đồi, chính vì thế việc vận chuyển gạch, nước, xi măng… để xây những huyệt mộ trên cao đều phải dùng sức người.

Vất vả là vậy nhưng làm suốt một ngày anh Thoan, chị Hựu chỉ nhận được 120.000đ tiền công, thậm chí ăn uống và tiền đi lại người lao động đều phải tự bỏ ra. Mặc dù đồng tiền công rất thấp so sức phải bỏ ra, nhưng anh Thoan, chị Hưu bảo nếu mình không làm, họ cũng có nhiều người khác để thuê.

Những người như anh Thoan, chị Hựu thuộc đội chuyên vận chuyển nguyên vật liệu. Ngoài ra ở đây còn có các đội chuyên trách như: đội đi đào đất, đội chuyên đi lau chùi mộ, đội chuyên xây mộ, đội làm đá… 

Công việc đào huyệt mộ ngốn nhiều sức lực của người lao động nhất. Chính vì thế đội đào đất hầu hết là đàn ông khỏe mạnh. Do để an táng vĩnh viễn , nên những huyệt mộ ở đây được các chủ lô đất yêu cầu đào sâu 1,8m đến 2m rộng 1,3-1,5m và dài 2,6-2,7m. 

Anh Nguyễn Văn Đức, xóm 2, thôn Yên Bồ đã có thâm niên hơn 8 năm trong nghề đào đất ngán ngẩm tâm sự: “ Khu đất đồi này rất rắn, cứng nên khó đào lắm. Chúng tôi phải dùng mọi phương tiện thô sơ như xà beng, cuốc, cuốc chim, xẻng, mai để đào từng lớp đất”. Anh không thể nào quên những ngày mới vào nghề.

Mỗi ngày đi đào đất về anh bị đau ê ẩm khắp toàn thân. Mọi cơ bắp trên người đều bị căng cứng, rệu rã, có khi đau mấy ngày mới khỏi. Từ lâu anh đã trở thành lao động chính trong nhà để nuôi người cha già 78 tuổi hay ốm đau và đàn con nhỏ. Đất ruộng ở vùng xã Vật Lai ngày càng bị thu hẹp do sự mở rộng của các nghĩa trang, nghề phụ thì không có. Vì thế những người không có chuyên môn, học vấn như anh Đức chỉ có biết mưu sinh bằng nghề bán sức khỏe đi lao động tự do như đào đất ở nghĩa trang mà thôi.

Em Lâm (14 tuổi) ngày ngày vào nghĩa trang mưu sinh bằng nghề phụ hồ.
Em Lâm (14 tuổi) ngày ngày vào nghĩa trang mưu sinh bằng nghề phụ hồ.

Chứng kiến cảnh đào đất của đội anh Đức tôi mới hiểu hết được những lời anh nói. Người thợ phải hì hục bẩy từng cục đá, vớt từng lớp đất khô cằn. Khi lưỡi cuốc vừa đo đến độ sâu hơn 1m, nhóm đào đất tỏ ra ngao ngán, lắc đầu. Lớp đá ở tầng đất này rất khó phá bỏ. Bóng 2 gã đàn ông đào đất đang lom khom dưới huyệt mộ, mồ hôi vã như tắm trong cái rét nàng Bân tháng 3. Anh Đức vừa đào đất, vừa thở và nói đùa khá chua xót: “ Giờ mà đống đất vừa vét, vứt lên bờ có đổ xuống thì chôn luôn mình mấy anh em bọn tôi mất thôi.” 

Công việc vắt kiệt sức lao động, nhưng đội quân đào đất lại được trả tiền công ở mức rất thấp. Hai người đàn ông khỏe mạnh được khoán đào xong một cái huyệt trong ngày thì được trả 300.000đ. Như vậy mỗi người chỉ nhận được tiền công 150.000đ/ngày. Những đồng tiền công đó có lẽ phải nói chính xác là được tắm trong mồ hôi, nước mắt. Huyệt được đào xong đúng kích cỡ đội anh Đức bắt đầu chuyển giao cho nhóm thợ xây để tiến hành công đoạn tiếp theo. 

Anh Trần Văn Sơn, sinh năm 1981 đã có 7 năm thâm niên đi xây mộ ở công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Trước đây Sơn vốn là thợ xây nhà, đã từng đi nhiều nơi hành nghề, nhưng chẳng bao giờ để được đồng bạc mang về cho gia đình. Cái nghề thợ xây tha hương tứ xứ giang hồ cứ vừa ráo mồ hôi cái là đã hết tiền. Từ ngày có Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng,  anh về quê đi xây huyệt mộ cho gần nhà.  

Hơn 13h chiều, bữa cơm ăn gấp còn chưa xuống đến dạ, Sơn đã vội vã lên xe phi vào nghĩa trang để làm cho kịp tiến độ đã hợp đồng với đội cai. Những người thuộc đội thợ xây mộ như Sơn có tay nghề cao nhất sẽ được đám cai trả công 300.000đ/ngày. Một tháng thường có việc khoảng 20 ngày. Cái nghề xây mộ cũng đã làm hao mòn sức khỏe, nét trẻ trung tuổi xuân của con người đi rất nhanh. Chính vì vậy,  Anh Sơn tuy mới 36 tuổi, nhưng nhìn bề ngoài có lẽ người ta sẽ đoán anh năm nay đến 50 tuổi .

Mưu sinh ở Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng hiện nay có khoảng 15 đội chuyên trách một công việc, với con số tổng dao động từ 300-350 nhân công. Những ngày công việc nhiều, người dân vào nghĩa trang mưu sinh có thể tăng lên. Theo thống kê của một cai phu mộ ở đây thì có đến 70% đội xây dựng, phụ hồ là người thôn Yên Bồ, xã Vật Lại.

Trẻ bỏ học vào nghĩa trang mưu sinh

Hỏi về chuyện học hành, đỗ đạt đại học của con em ở Yên Bồ, ông Bí thư chi bộ của thôn là Chu Hữu Khu chua xót nói: “Đến phổ thông cơ sơ, phổ thông trung học nhiều đứa phải bỏ giữa chừng thì lấy đâu ra đỗ đại học mà các chú hỏi. Thường đến tuổi 15-16 là gia đình không có tiền cho con ăn học, chúng phải bỏ để về đi lao động, phụ giúp bố mẹ rồi”. 

Đi quanh khu Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, đâu đó chúng tôi lại thấy hình ảnh những cô bé, cậu bé mới 14-15 tuổi đã phải bê đất, xách vữa trông rất cực nhọc. Nguyễn Văn Lâm, mới 15 tuổi đã phải làm chân xách vữa, phụ giúp cho các anh, các chú xây mộ. Trời khá lạnh, mà Lâm chỉ mặc một manh áo sơ mi, chân đi đôi tông đã cũ rách. Xách hai xô vữa trên tay, thân hình gầy gò, bước đi xiêu vẹo mà tôi có cảm giác em có thể ngã bất cứ lúc nào. Nhiều người trong đội phụ việc ở đây nói cho tôi biết về hoàn cảnh nhà cậu bé Lâm: “Nhà nó khổ lắm, hoàn cảnh lắm”... 

Phải đợi đến gần trưa khi mọi người nghỉ giải lao hết, Lâm mới dám ra tâm sự với chúng tôi đôi chút. Em kể mình phải bỏ học từ năm lớp 6 vì nhà quá nghèo, và bố mẹ lại hay ốm đau. Mỗi ngày vào đây phụ giúp việc xây mộ, Lâm nhận được số tiền công là 120.000đ, có ngày đi làm nửa buổi thì chỉ được 60.000đ. Công việc vất vả, nắng gió nên Lâm đen sạm đi, gương mặt buồn khổ mất đi hoàn toàn nét hồn nhiên của một đứa trẻ.

Thậm chí ở đội đi phụ việc tại Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng còn có cô bé Nguyễn Thị Hương mới 13 tuổi. Hương chỉ được học hết lớp 4 đã phải bỏ, vào Công viên nghĩa trang làm mấy việc lặt vặt như xếp gạch, lau mộ để kiếm tiền phụ với bố mẹ. 

Những phụ nữ kiếm sống ở nghĩa trang với công việc phụ như gánh gạch, gánh nước, gánh đất.
Những phụ nữ kiếm sống ở nghĩa trang với công việc phụ như gánh gạch, gánh nước, gánh đất.

Còn cô gái Lê Thi Lan, 17 tuổi nhưng đã vào làm ở Công viên nghĩa trang được 2 năm. Do có chút năng khiếu, khéo tay nên Lan được làm công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi kĩ thuật đó là ốp đá cho các nấm mộ. So với công việc gánh gạch, đất, nước và xách vữa mà phụ nữ, trẻ em hay làm thì công việc của em Lan là ít tốn sức hơn cả.

Tiền công mà Lan nhận được cũng cao hơn vào khoảng 180.000-200.000 đồng/ngày, còn đi nửa ngày sẽ nhận 100.000 đồng. Do trình độ dân trí, nhận thức của người dân ở vùng đất tận cùng của Hà Nội này vẫn còn rất thấp, cộng với khó khăn trong đời sống kinh tế nên những cô bé cậu bé như Lâm, Hương, Lan… mới phải bỏ học sớm để đi mưu sinh ở nghĩa trang.

Đặc biệt những câu việc phụ phu mộ ở đây đều rất nặng nhọc, không phù hợp với lứa tuổi của các em. Tuổi thơ của những đứa trẻ ở đây đã mất đi vì công việc mưu sinh đồng thời chúng có thể sẽ bị mắc một số bệnh nghề nghiệp khi phải lao động nặng từ quá sớm. Còn tương lai của lũ trẻ ở đây thật là mù mịt khi chẳng đứa nào có đứa học vấn, tri thức…

Ông Khu nhẩm tính: “Cả thôn Yên Bồ hiện nay phải có khoảng gần 200 người đang mưu sinh bằng nghề đào, xây huyệt mộ ở Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, đó chỉ là số lao động làm thường xuyên. Trong đó phụ nữ và trẻ em cũng phải chiếm tới 1/3. Làng tôi chẳng có nghề phụ nào, chỉ trông chờ vào sào ruộng. Ngày nhàn rỗi, không có việc làm, con cái khổ sở, nghèo khổ quá nên họ mới phải đi làm cái nghề cực nhọc, buồn chán đó.”.

Rồi đây công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng sẽ được mở rộng thêm 10ha. Người Yên Bồ sẽ không lo hết việc, nhưng thấy cảnh lầm lũi mưu sinh của họ, đặc biệt là một số đứa trẻ mà không khỏi chạnh lòng, xót xa… 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.