Từ Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định về Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách (từ ngày 17 – 18/5/2018) do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức cho đến rất nhiều diễn đàn hội, họp khác nhau và gần đây nhất là Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2018 cũng do Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì (từ ngày 20 - 22/11), các Ban Quản lý rừng đặc dụng có hạt kiểm lâm liên tục có những ý kiến phản ứng quyết liệt, gay gắt về quy định mới này.
Bị chặt “cánh tay phải”
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 11 của dự thảo Nghị định có quy định: “Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Cục Kiểm lâm đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý”.
Quy định này khi ban hành sẽ có một cuộc chuyển giao lớn về “ngôi vị” quản lý trực tiếp đối với kiểm lâm ở các Ban Quản lý rừng đặc dụng có hạt kiểm lâm. Đó là các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh (từ 15.000ha trở lên). Đặc biệt là các Ban Quản lý rừng đặc dụng do địa phương quản lý. Nếu cuộc chuyển giao này được triển khai, hầu hết các Ban Quản lý rừng đặc dụng, mà tiêu biểu là: Pù Mát, Bidoup Núi Bà, Tam Đảo, Bù Gia Mập, Phong Nha – Kẻ Bàng đều cho rằng hậu quả tất yếu là sẽ rất dễ mất rừng.
Hiện hạt kiểm lâm ở các rừng đặc dụng đang hoạt động theo Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 của Chính phủ, không quy định cụ thể lực lượng này trực thuộc tổ chức nào mà do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh quyết định căn cứ theo tình hình thực tiễn của công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Và hiện tại, hạt kiểm lâm ở các khu rừng đặc dụng đều do Ban Quản lý rừng trực tiếp quản lý.
Theo Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), Ban Quản lý rừng đặc dụng là chủ rừng (khoản 1 Điều 8) và chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ rừng (Điều 74 và Điều 75). Nhưng nếu triển khai nghị định mới, hạt kiểm lâm - lực lượng chủ yếu, quan trọng để bảo vệ rừng sẽ trực thuộc Cục Kiểm lâm hoặc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thì các Ban Quản lý rừng đặc dụng (có hạt kiểm lâm) sẽ chỉ đạo, điều hành lực lượng nào bảo vệ rừng? Câu hỏi đó chưa có lời giải.
Có thể hiểu đơn giản rằng, họ được giao nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng nhưng “công cụ”, “cánh tay phải” đắc lực nhất là kiểm lâm, lại của người khác. Hơn thế nữa, khi kiểm lâm tại các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh bị tách ra thì việc bảo vệ rừng tại gốc chắc chắn sẽ khó khăn hơn bội phần và nguy cơ mất rừng sẽ rất cao, trách nhiệm của chủ rừng tăng lên trong khi trong tay họ không có các công cụ để thực hiện nhiệm vụ.
Ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) – nơi được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới nêu ý kiến: “Vấn đề này không những chúng tôi mà các Ban Quản lý rừng đặc dụng đã nhiều lần nêu ra tại các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến tham gia, góp ý cho dự thảo Nghị định nhưng không được cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh sửa”.
Lực lượng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình trong một buổi huấn luyện nghiệp vụ |
Sợ không đến đâu và rừng sẽ mất!
Trao đổi với PLVN, rất nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên quy định hạt kiểm lâm rừng đặc dụng chịu sự quản lý nghiệp vụ, trang, thiết bị chuyên ngành của Cục Kiểm lâm hoặc và Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh là đủ. Còn thuộc ai là do Bộ NN&PTNT hoặc UBND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp.
“Tư tưởng của cán bộ Ban Quản lý Vườn cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi họ đều biết, nếu Hạt Kiểm lâm tách đi thì sẽ thuận lợi hơn cho “lâm tặc”. Ngay cả “lâm tặc” cũng biết điều này. Vì vậy, tuyệt đối không thể tách, dời Hạt, dời là mất rừng” - ông Nguyễn Đại Phú - Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.
Ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên nhận định: “Cải tổ và kiện toàn lực lượng kiểm lâm là cần thiết để tăng hiệu quả bảo vệ rừng. Nhưng nếu lời giải chỉ đơn giản là “khắc xuất, khắc nhập” như một vài lần trước đây thì sẽ không đi đến đâu. Thậm chí còn gây tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở cơ sở. Dễ thấy nhất là các Ban Quản lý rừng sẽ phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, không thể chủ động bố trí các phương án ứng phó lập tức khi có vụ việc xảy ra”.
Nêu quan quan điểm của mình, ông Nguyễn Đại Phú - Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) đã từng đưa ra bằng chứng: Năm 2010, Vườn Quốc gia này thí điểm tách Hạt Kiểm lâm ra, đưa về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý theo đề nghị của Cục Kiểm lâm. Nhưng chỉ sau 2 năm, Hạt Kiểm lâm này lại trở về mô hình cũ vì Chi cục ở xa không thể bảo vệ được rừng, trong khi Ban Quản lý Vườn ở gần nhưng không thể bảo vệ rừng vì thiếu lực lượng.
Cũng theo ông Phú, nếu tách Hạt Kiểm lâm ra thì khi mất rừng cũng không có người chịu trách nhiệm. Bởi “Hạt Kiểm lâm nói chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thôi, còn bảo vệ rừng là việc của Vườn, nhưng Vườn không có kiểm lâm, không còn lực lượng nữa thì lấy gì bảo vệ?”.