Nguyên nhân được Trung tá Robert McKnight và các chuyên gia chỉ rõ trong tài liệu nội bộ của SOG.
Nhận ra hệ thống “hai mang”
Càng xem hồ sơ, Kingston kết luận gần như chắc chắn là, phần lớn các toán biệt kích hoặc là bị bắt hoặc bị khống chế ngay sau khi có mặt ở miền Bắc. Kingston phân tích: Thứ nhất, các toán bị mất đều có chung một dạng và trùng hợp quá nhiều lần.
Trung bình một năm chỉ có một toán hoạt động thành công, còn các toán khác hoặc là không liên lạc được hoặc nhanh chóng mất liên lạc. Tỷ lệ thành công từ các toán tăng cường quá ít.
Thứ hai, là liên lạc điện đài với các toán biệt kích. Theo Kingston, trong thông tin liên lạc, nhân viên điện đài có tín hiệu riêng, nếu người nhận thấy tín hiệu không phù hợp, họ biết ngay là có vấn đề. Đồng thời, trong thông tin, nếu họ khống chế được nhân viên điện đài, có thể đưa thêm vào những chữ sai chính tả hoặc chữ lạ mà anh ta thường không dùng nhằm mật báo cho SOG biết là mình đã bị bắt.
Cuối cùng, bằng việc qua sóng điện đài, nhân viên SOG sẽ tìm ra vị trí của đài phát, xác định độ tin cậy. Những yếu tố này đã bị các sĩ quan chỉ huy bỏ qua SOG bỏ qua vì họ “chẳng biết đang đọc cái gì".
Thứ ba, đôi khi Hà Nội đã phát các bức điện của toán bị khống chế từ địa điểm không nằm trong địa bàn mà toán đó được cử đến hoạt động. "Chúng tôi có một toán được xâm nhập để hoạt động tại một địa bàn; tuy nhiên, khi kiểm tra vị trí đài phát, thì là từ Hà Nội".
Nhảy dù, xâm nhập miền Bắc. |
Thứ tư, việc SOG không hề đưa về được một người nào, là một yếu tố rõ ràng nữa. Đã hai lần Kingston yêu cầu toán Easy di chuyển đến vị trí tập kết, nhưng cả hai lần toán này đều điện về cho biết, họ không thể đến đó được. Kingston tin rằng sai sót trong an ninh cũng góp phần đưa đến thất bại: Một số biệt kích đang được đào tạo tại trại Long Thành thì đi đâu đó một thời gian rồi quay trở lại xin được tiếp tục chương trình; SOG và đối tác Nam Việt Nam không biết họ đã làm gì trong thời gian đó.
Từ những phân tích này, Kingston xem xét lại toàn bộ chương trình và kết luận chắc chắn, các nhóm và điệp viên thả về miền Bắc Việt Nam dù đang hoạt động nhưng lại chịu sự kiểm soát của Bộ Nội vụ Hà Nội; một số đã được sử dụng để chống CIA và sau đó là SOG. Hà Nội đã áp dụng "hệ thống hai mang" trong chiến tranh thế giới thứ hai để đánh lại SOG và CIA.
Dù các toán của biệt kích hoạt động tốt đã được SOG tăng cường lực lượng, ví dụ, toán Tourbillon nhận bổ sung người một lần năm 1962, hai lần năm 1964 và sau đó là các năm 1965, 1966 và 1967; toán Remus được tăng cường 4 lần và toán Easy là 5 lần nhưng lực lượng bổ sung này đều bị bắt hoặc tiêu diệt. Cuối cùng, hệ thống hai mang cung cấp cơ hội tung tin giả cho đối phương. Nhóm CIA-DIA phát hiện rất nhiều thông tin như vậy trong các điện báo cáo, trong đó có một số tin rất khôn khéo.
Sai lầm ở lý luận
SOG đi tìm nguyên nhân. Một câu hỏi đặt ra là, các toán biệt kích sẽ làm gì sau khi đã xâm nhập vào miền Bắc? Câu trả lời của Washington thường là không nhất quán hoặc rõ ràng. Nhiệm vụ của các toán biệt kích luôn luôn ở trong tình trạng bị đánh giá xem xét lại.
OPLAN 34 đề ra việc phát triển một phong trào chống đối trong lòng miền Bắc là trọng tâm, là thành tố chủ yếu. Nhà Trắng muốn hoạt động ngầm có được tác động như mong muốn lên giới lãnh đạo Hà Nội và chính sách của họ đối với miền Nam. Họ mong muốn, thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc là chìa khoá cho sự thành công, đây cũng là ý định Tổng thống Kenedy muốn làm từ năm 1961.
Tuy nhiên, Washington chưa bao giờ sẵn sàng cho phép SOG thực hiện nhiệm vụ này. Theo một tài liệu tuyệt mật trước đó, Nhà Trắng mong hoạt động oanh tạc nhằm giúp xây dựng phong trào chống đối ở miền Bắc, để gây sức ép lên chính phủ Hà Nội, buộc họ phải san sẻ nguồn lực và làm giảm nỗ lực ở miền Nam. Tuy nhiên, tài liệu này nói rằng "việc tạo ra một phong trào chống đối chưa bao giờ được Washington chuẩn y và do đó hoạt động không vận được tiến hành theo nhiệm vụ rất mù mờ".
Washington chỉ đạo thực hiện biện pháp "thả tù mù”, mặc dù có nhiều đối tượng phản đối. Các chuyên gia của SOG đề xuất tập trung vào số dân tộc ít người dọc theo biên giới miền Bắc. Vùng núi cao phía tây bắc và đông bắc của miền Bắc là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số có nhiều khác biệt so với đời sống của người Kinh.
Phù hiệu và các phần thưởng dành tặng biệt kích, lực lượng đặc biệt |
Phần lớn các dân tộc ít người có quan hệ với nhân dân ở Lào và Trung Quốc nhiều hơn với người Kinh, trong đó nhiều dân tộc không coi người Kinh là bạn bè. Họ đề nghị gây dựng phong trào chống đối trong chính những dân tộc thiểu số. Hà Nội không thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với họ và họ không thích người Kinh. Russell đã chọn “con bài” dân tộc, nhưng đó không phải là con bài duy nhất có trong tay.
Cộng đồng người công giáo tập trung ở hai tỉnh đồng bằng ven biển Nam Hà và Ninh Bình và hai tỉnh khác dịch về phía nam là Nghệ An và Hà Tĩnh cũng được chú ý đến. Cuối cùng có một cộng đồng người Hoa nhỏ ở miền Bắc và đây cũng có thể là một con bài. Các chuyên gia của SOG mong muốn khơi dậy sự thù nghịch của người Việt đối với người Hoa.
Ở miền Bắc, số này có thể chia làm hai nhóm, một sống dọc theo biên giới Việt - Trung và một sống ở các thành phố mà tập trung là ở Hải Phòng; tuy nhiên, Washington đã bác bỏ đề xuất này.
Từ đây, các nhân viên SOG tự hỏi, nếu không vì phong trào chống đối thì nhân viên biệt kích làm gì? Thế nên, không lạ lẫm lắm khi ngay từ đầu làm lãnh đạo SOG, Russell đã nhận được chỉ thị hướng dẫn các toán biệt kích không được tiếp xúc với công dân miền Bắc và nhiệm vụ được giới hạn trong hoạt động tâm lý, thu thập tình báo.
Sau này Russell viết: "Làm sao có thể thu thập được tin tức tình báo khi anh ẩn náu ở trên núi và cố bảo vệ tính mạng của mình?" Việc "rải tờ bướm ở trong rừng” có thể mang lại gì? Mặc dù rất lạ lùng, nhưng đó chính là nhiệm vụ được giao trong OPLAN 34, thực sự là những nhiệm vụ "vớ vẩn", nhưng cả Russell và Partain không thể thay đổi.
Tháng 5/1965, Don Blackburn thay Russell và phát hiện ngay điều bất hợp lý của chương trình gián điệp - biệt kích. Blackburn mở rộng bản kiến nghị của Russell, muốn lập một tổ chức bình phong nhằm thành lập cơ sở ở miền Bắc và phát triển một hệ thống móc nối người đi huấn luyện, tung trở lại đồng thời đưa những người Bắc di cư trở lại miền Bắc.
Ông ta cho rằng, những căn cứ tại các khu vực dọc theo biên giới miền Bắc sẽ rất có ích cho các hoạt động phá hoại và thu tin. Blackburn chuẩn bị báo cáo kế hoạch đưa hoạt động gián điệp - biệt kích quay lại, tập trung vào gây dựng phong trào chống đối và tự tin khẳng định trong tài liệu lịch sử SOG rằng, chắc chắn Washington sẽ nhận ra sai lầm trong phương pháp “thả tù mù” đang áp dụng mà áp dụng phương pháp do ông ta đề xuất
Tuy kiến nghị của Don Blackburn đến tay Uỷ ban 303, nhưng OPLAN 34 không được phép thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc vì đi ngược với chính sách mà Hoa Kỳ đã công bố là không tìm cách lật đổ chính phủ Hà Nội.
Phù hiệu và các phần thưởng dành tặng biệt kích, lực lượng đặc biệt |
Blackburn còn phát hiện ra là, CIA cũng phản đối đề nghị này vì nội dung động chạm tới địa bàn hoạt động của CIA ở Lào. CIA đang thực hiện chương trình du kích của người thiểu số hỗ trợ quân đội người H'Mông do Vàng Pao cầm đầu, nhằm không để Hà Nội chiếm giữ Lào, gây thiệt hại cho quân đội miền Bắc hoạt động ở Bắc Lào.
Cũng nói thêm là, tại thời điểm Washington bác bỏ đề nghị của Blackburn, nhiệm vụ của các toán biệt kích đang có sự điều chỉnh. Tháng 10/1965, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuyển tới SOG chỉ thị về nhiệm vụ mới, cho phép các toán biệt kích tiếp xúc với dân để "tuyển lựa và hỗ trợ cơ sở tại chỗ ở miền Bắc để thu thập tình báo và lẩn trốn". Tuy nhiên, đây chỉ là sự vớt vát kết quả trong chuối lý luận sai lầm mà Lầu Năm Góc đã phê chuẩn thực hiện OPLAN 34.../.