Đoàn người lao xe thương binh vào trụ sở VFF, ăn vạ, nói tục tĩu, coi mình là thương binh nên xã hội phải có quyền ưu tiên mua vé, gây xôn xao dư luận và phần nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình.
Chuyện thương binh lao vào trụ sở VFF bất chấp ngăn cản của lực lượng bảo vệ, cơ động, không loại trừ việc có đối tượng đứng sau xúi dục họ. Nhiều cư dân mạng cho rằng, chiếc vé trận chung kết Việt Nam - Malaysia đang "được giá", rất có thể "đầu nậu", phe vé, đang "mượn" những thương binh, cả giả và thật, lao vào trụ sở VFF "yêu sách" để có được vé.
Theo "kịch bản" "đầu nậu", phe vé, những người này không cần xếp hàng hay làm những thủ tục cần thiết theo quy định mà VFF phải bán vé cho họ theo diện ưu tiên là thương binh, nếu không họ sẽ ặn vạ tại trụ sở của VFF?. Sẽ có những kẻ cung cấp thức ăn, bia, nước uống... cho đoàn người "ăn vạ" này?.
Những "thương binh" trên có hành vi côn đồ, hung hăng, trở nên bạc nhược trong mắt công chúng.
Thương binh lao cả xe vô trụ sở VFF, một hành động đáng lên án - ảnh Zing |
Đáng tiếc, hình ảnh đáng xấu hổ kiểu ấy không chỉ xuất hiện ở trụ sở VFF mà nó có thể thấy không ít ngoài xã hội, khi những người thương binh đã bị lợi dụng để làm những chuyện trái luật pháp.
Cảnh thương binh đi đòi nợ, cưỡng chế, ăn vạ nằm vật trước cổng công ty hay nhà riêng ai đó, giăng biểu ngữ chạy khắp phố phường… đã tạo nên nỗi khiếp đảm cho gia đình hay công ty nào đó còn có nhiều vấn đề mà chưa được giải quyết bằng luật pháp. Họ đi đứng, ăn nói nghênh ngang, thách thức cả lực lượng chức năng.
Một số người "lấy mác" thương binh đã hành động bất chấp luật pháp, có thể họ nghĩ mình là tầng lớp “kiêu binh” không ai dám đụng chạm nên cứ "việc mình, mình làm". Suy nghĩ đó có thể vì cơm áo gạo tiền đã khiến họ tha hóa, khác xa với phẩm chất người lính.
Thương binh "làm càn" chỉ là số ít, đối lập hẳn với hầu hết người lính trở về sau cuộc chiến - những người dù thương tật nặng nề vẫn lao động hăng say, làm nhiều việc có ích. Nhiều người vượt qua chính mình, nỗ lực sáng tạo và trở thành những ông chủ doanh nghiệp, thầy giáo, bác sĩ hay nhà khoa học...
Thực tế, ở dải đất hình chữ S từng liên tục chìm trong khói lửa chiến tranh này, hầu như gia đình nào, dòng họ nào cũng có mất mát, hy sinh... Thiết nghĩ những người thương binh sống trong thời hậu chiến đang hành động vô pháp cần tĩnh tâm nhìn lại mình. Sự cống hiến của các chú, các anh vì Tổ quốc luôn đáng trân trọng, nhà nước đã và đang có nhiều chính sách để bù đắp phần nào, hậu thế luôn ghi ơn... Xin đừng để người đời có cách nhìn khác về những giá trị cao cả mà các chú, các anh đã tạo dựng.