Kĩu kịt vai gầy trong sương sớm
Một giờ đêm, con đường đê liên huyện qua xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) thơm nức mùi đậu phụ nóng hổi. Gió lạnh từ ngoài bờ sông Hồng thổi vào, cuốn theo mùi đậu béo ngậy lan tỏa đến cả những xã lân cận. Trời về đêm mà vẫn sáng trưng, các con ngõ nhỏ trong xóm Đồng Tâm, xóm Đồng Tiến, xóm Cây Gạo cũng sáng rực đèn. Ánh sáng đó không phải hắt ra từ đèn đường mà từ những ngôi nhà làm đậu đêm.
Thường thì tùy vào lượng đậu bán ra mà mỗi gia đình chọn cho mình khung giờ dậy hợp lí. Nhà nào làm nhiều từ 20kg đậu tương trở lên thì phải dậy từ 12h đêm, nhà nào làm ít hơn thì dậy vào lúc 1h sáng, hoặc 2h sáng. Những ngày nào gió mùa đổ về lạnh quá, người dân trong làng lại chuyển từ làm đậu đêm sang làm đậu tối.
Đậu làm xong ngâm vào nước lạnh rồi cứ thế sáng dậy sớm sẵn xếp vào thùng thiếc chở đi bán. Những chiếc thùng thiếc dầy dặn, xách không còn thấy nặng huống hồ lại được xếp đậu và đổ nước đầy đến mặt thùng. Rồi trên chiếc xe đạp phượng hoàng, xe đạp dã chiến, người ta lấy một cái cáng dài buộc vào yên xe phía sau rồi chằng hai thùng đậu đầy ở hai đầu cáng phía sau xe.
Cứ thế, họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở các huyện bên cạnh, xuôi ra trung tâm Hà Nội hoặc theo đò sang Vĩnh Phúc bán hàng rong.
Bác Phạm Thị Tâm (ở xóm Đồng Tâm), người có thân niên hơn 20 năm làm đậu phụ hồi tưởng về khoảng thời gian khó khăn: “Cách đây hơn 10 năm, người dân Hồng Hà làm đậu còn đông lắm. Ngày ấy, cuộc sống khó khăn vô cùng, cả làng mới có một, hai cái máy nghiền đậu.
Cứ đến tầm một giờ đêm, hai vợ chồng lại cọc cạch đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng chở hai thùng đỗ đã đãi sạch đi nghiền đậu. Máy nghiền thì hiếm mà người cần nghiền đậu lại đông nên hôm nào cũng phải xếp hàng chờ đến lượt. Khi ấy, máy nghiền chạy bằng dầu chứ đâu phải bằng điện như bây giờ. Mỗi lần nghiền tùy theo lượng đỗ mà họ lấy 2 nghìn, hoặc 3 nghìn”.
Ngày nay, khi xã hội đã ngày càng phát triển, kinh tế người dân ngày càng được cải thiện thì người dân cũng chịu khó đầu tư cho mình một cái máy nghiền để đỡ mất công đi lại đêm hôm. Nhà nào khá giả thì đầu tư cả máy nghiền, máy vắt đậu, nhà nào khó khăn hơn thì chỉ đầu tư máy nghiền, còn đâu chịu khó vắt bằng tay.
Họ vắt một sợi dây qua xà bếp rồi luồn dây xuống, kế đó đến mẻ vắt nào họ lại buộc treo cái túi đậu lên sợi dây chạc đó rồi ngồi trên chiếc ghế gỗ con mà dùng tay vắt cho đến khi nào hết sạch nước, chỉ còn lại bã đậu thì thôi.
Nước đậu “sống” (chưa qua đun nấu) thơm mùi nhựa đỗ, người nào ngửi không quen thì cảm thấy hơi ngai ngái như khi cắn vào bắp ngô non mới bẻ. Nước đậu vốn rất bổ vì nhiều chất dinh dưỡng, có lẽ vì thế mà đôi bàn tay nào vắt đậu nhiều năm cũng nuột nà, trắng trẻo.
Nhiều kỹ sư, bác sỹ đã được nuôi lớn ước mơ từ nghề đậu đêm. (Ảnh: M.H) |
Làm giàu từ nghề truyền thống
Không ai nhớ nghề làm đậu phụ đã có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi các cụ, các bà còn nhỏ nghề đã có rồi. Và cũng chỉ biết từ đôi gánh hàng rong bán đậu phụ này đã nuôi sống cả làng với biết bao thế hệ, đã chắp cánh ước mơ cho bao nhiêu người kĩ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà báo, phiên dịch, doanh nhân…
Cũng từ cái nghề này mà bộ mặt cơ sở hạ tầng của xã Hồng Hà đã thay đổi một cách nhanh chóng. Những ngôi nhà tầng khang trang cứ thế mọc lên san sát. Đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng cao mạnh mẽ.
Còn nhớ cách đây 10 năm, xã Hồng Hà phải có đến 80% người dân trong xã làm nghề sản xuất đậu phụ. Đến nay, khi cuộc sống khấm khá hơn, đã dành dụm được chút vốn liếng thì họ chuyển sang làm nghề khác an nhàn hơn, không phải thức khuya dậy sớm hay oằn lưng gánh đậu bán rong. Vì vậy mà có lẽ giờ chỉ còn khoảng 50% người dân là còn bám trụ với nghề.
Song song với nghề làm đậu, nghề làm rượu cũng từ đó mà phát triển. Có lẽ vì tiếc một công đi bán đậu rong nên người Hồng Hà tranh thủ nấu thêm rượu để đi bán. Nhờ vậy mà Hồng Hà còn được biết đến với cái tên “Làng nghề truyền thống đậu, rượu”.
Bã đậu với bỗng rượu, là nguồn thực phẩm dư thừa rất tốt trong chăn nuôi lợn, nên người Hồng Hà lại tranh thủ nuôi lợn kiếm thêm. Công việc bộn bề mà quỹ thời gian thì hạn hẹp nhưng chưa lúc nào người dân nơi đây có ý nghĩ bắt con cái nghỉ học để ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Ngược lại, họ tạo mọi điều kiện để con cái có môi trường học tập tốt nhất. Nhờ vậy mà tỉ lệ học sinh đỗ đại học ở Hồng Hà cao hơn nhiều so với các xã lân cận.