Mật ngọt “hạ gục”... người tham
Suốt mấy ngày qua, người dân xã Lại Yên, huyện Hoài Đức hoang mang, lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì thông tin Hằng lừa đảo. Sự việc vỡ lở từ ngày 24/7/2016, khi anh Vũ Đức Lâm, chủ một đại lý bán hàng tạp hóa ở đường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tìm đến nhà Hằng ở thôn 2, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội đòi nợ.
Đến nơi, anh Lâm tá hỏa khi gia đình Hằng thông báo, cô ta đã đi khỏi nhà từ mấy hôm trước và hiện không thể liên lạc được. Theo anh Lâm, Hằng đang nợ anh một khoản tiền xấp xỉ 5 tỷ đồng.
Cụ thể, Hằng nói có “ông chú làm bên Viettel” nên nhập được nhiều sim, thẻ giá rẻ và hứa, số tiền anh Lâm đầu tư sẽ sinh lời “khủng” tới 17 tỷ đồng. Để dụ dỗ anh Lâm tin vào miếng “bánh vẽ” ấy, Hằng còn “rỉ” tin nhiều đại gia cũng đăng ký ôm hàng nên công ty không cung cấp kịp. Hằng sẽ chịu trách nhiệm lấy số thẻ này khi công ty bàn giao.
Đến khi không còn tin tưởng lời hứa của Hằng, anh Lâm nhiều lần điện thoại hỏi đòi số tiền đầu tư thì Hằng lại dùng đủ kế hoãn binh. “Sao anh không tin em, em hứa là em sẽ trả chỉ là giờ em đang gom tiền, anh không phải báo công an vì anh Nam công an huyện em quen rồi…”, trích đoạn ghi âm giữa anh Lâm và Hằng.
Tương tự, tại địa phương rất nhiều người nhẹ dạ cả tin cũng sập bẫy của Hằng. Mặc dù trước khi về sinh sống tại địa phương không ai biết đến lý lịch của cô ta nhưng với vẻ bề ngoài nhanh nhẹn và tài khéo nói như “mật ngọt” khiến nhiều người đồng ý góp vốn từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng.
Sau khi sự việc vỡ lở, các các chủ nợ mới vỡ lẽ ra các chiêu trò “huy động vốn” của Hằng thực chất là hành vi lừa đảo mà nạn nhân chủ yếu là những người thân quen, họ hàng, làng xóm thì đã quá muộn.
“Sự việc đã kéo dài hơn 1 năm rồi. Trước đây, Hằng làm và thanh toán tiền sòng phẳng lắm. Chỉ đến thời gian gần đây chủ tâm hay như thế nào đó, khi số tiền cô ta nợ chúng tôi quá nhiều, đòi thì Hằng hứa hẹn ngày này trả ngày khác trả. Giờ chúng tôi chỉ biết nhờ đến pháp luật thôi, chứ không biết làm thế nào”, chị Mai - một nhà “đầu tư” lo lắng.
Chị Trang, trú tại thôn 2, xã Lại Yên hiện cũng đang lo lắng về khoản tiền gần 1 tỉ đồng mà vợ chồng chị đã đưa cho Hằng để cùng nhau làm ăn. Chị Trang từng được Hằng “rỉ tai” về một mối làm ăn, chỉ cần hai bên hợp tác, Hằng sẽ giúp gia đình chị Trang kiếm lời từ việc nhập mỳ tôm giá rẻ rồi bán lại cho đại lý với giá cao hơn. Vì tin bạn, gia đình chị Trang không chút mảy may chi tiền “đầu tư”.
“Bí kíp” của siêu lừa có tiền án
Theo người dân địa phương cho biết, Hằng là người hoạt bát, nhanh nhẹn, có tài khéo ăn nói nên từ trước đến nay chưa có điều tiếng gì. Ngoài ra, khi gặp ai có khó khăn thì cô ta đều giúp đỡ. Vì vậy, Hằng được rất nhiều người qúy mến và trao gửi niềm tin.
Quen thân được thời gian, gặp ai Hằng cũng giới thiệu trước đây cô là kế toán cho một siêu thị lớn ở Hà Nội. Trong thời gian làm việc tại siêu thị cô có mối quan hệ khá rộng với chủ sản xuất hàng tiêu dùng và nhập được giá “cực rẻ” mà lại “hàng thật, chất lượng cao”. Hàng lấy trực tiếp từ nhà sản xuất, có hóa đơn chứng từ rõ ràng.
Ban đầu Hằng thường nhập mỳ tôm, nước ngọt, bánh kẹo, bột ngọt … với số lượng lớn rồi mang về bán lại cho hàng xóm, họ hàng với giá rẻ chỉ bằng 30-50% so với giá thị trường. Tuy nhiên, thực chất Hằng không mua hàng giá rẻ mà đây chỉ là chiêu trò tạo dựng lòng tin với người mua hàng, bởi số tiền thu được Hằng chỉ trả cho chủ hàng 1 phần, còn lại cô ta ghi nợ.
Chân dung Trương Thị Hằng |
Qua vài lần như vậy, đánh trúng tâm lý lòng tham của mọi người. Khi người dân đã “sập bẫy”, Hằng bắt đầu gạ những người mua hàng “giá rẻ” với số lượng lớn hơn. Vì thấy Hằng có nguồn hàng “xịn” với giá rẻ như cho nên rất nhiều người đã vay mượn và giao tiền cho Hằng.
Kết quả, Hằng gom được nguồn tiền lớn nhưng đi mua hàng và trả nhỏ giọt cho từng người với số lượng rất ít. Nhiều người thắc mắc thì Hằng đưa ra lý do: “Cứ yên tâm, hiện đơn hàng quá nhiều nên nhà máy chưa cung ứng kịp” và “các anh chị cứ yên tâm chuẩn bị có hàng sale giá cực khủng”.
Đến khi số nợ quá lớn, lại không có nguồn hàng thực, Hằng quyết định đánh mẻ lớn, dùng chiêu có “ông chú làm ở tập đoàn viễn thông Viettel” để “huy động vốn” của nhiều người.
Theo những người bị hại, tính đến thời điểm này, chỉ riêng tại địa phương, Hằng đã lừa cả chục tỷ đồng. Thời gian gần đây, khi biết sự việc sắp vỡ lở, Hằng còn chủ động liên hệ với từng chủ nợ với mong muốn họ đừng viết đơn kiện. Thậm chí, Hằng còn đe dọa nếu ai viết đơn sẽ không trả tiền cho người đó, trước thông tin này, khiến các chủ nợ vô cùng hoang mang.
Nỗi trăn trở của 2 người mẹ
Trong tâm trạng lo lắng rối bời, bà Nguyễn Thị Cậy, mẹ chồng của Hằng cho biết. Con trai bà gần 40 tuổi mà chưa chịu yên bề gia thất. May mắn tháng 7/2012, anh Lâm (con bà Cậy) gặp Hằng rồi nhanh chóng kết hôn.
Trong thời gian sinh sống, Hằng luôn tỏ ra là người con dâu hiếu thảo, biết điều nên họ hàng, làng xóm rất quý mến. Bố chồng là cán bộ nghỉ hưu, bà Cậy ở nhà làm nông, còn chồng Hằng thì làm nghề lái xe ít ở nhà nên hầu như Hằng làm gì cũng không ai hay biết.
“Thấy con cái sống hạnh phúc nên gia đình tôi mừng lắm. Hơn nữa Hằng là đứa biết đối nhân xử thế. Về làm dâu trong nhà, ai cũng quý mến nên dù nó có đi làm gì thì chúng tôi cũng không để ý. Từ hôm xảy ra sự việc này, gia đình tôi không lúc nào được yên ổn khi các chủ nợ liên tục kéo đến đòi nợ”, bà Cậy lo lắng cho biết.
Bà Cậy cho biết thêm, chồng bà đang điều trị ở bệnh viện nên vẫn chưa hay tin. Gia đình sợ ông sốc khiến bệnh tình nặng hơn. “Nhiều khi các cháu hỏi, tôi buồn bực nên nói “mẹ mày đi trốn nợ rồi”. Bây giờ gia đình tôi không biết sống như thế nào, các cháu tôi sẽ ra sao khi không có mẹ. Giờ tôi chỉ mong Hằng về để trả nợ và nuôi con khôn lớn”, bà Cậy nghẹn ngào.
Theo tìm hiểu của phóng viên Câu chuyện Pháp Luật, cô cháu gái có “ông chú làm ở Viettel” sinh năm 1988, quê quán ở phố Tô Hiến Thành, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sau khi học hết cấp 3, năm 2009, Hằng ra Hà Nội làm giúp việc, nhưng với tính tình “tắt mắt” nên chẳng bám trụ được lâu.
Năm 2009, Trương Thị Hằng bị Công an Quận Đống Đa bắt vì tội “Trộm cắp tài sản”. Cụ thể, ngày 29/8/2009, Hằng đã giả làm khách hàng muốn mua bảo hiểm và tìm đến chi nhánh một công ty bảo hiểm nhân thọ có trụ sở ở đường Kim Mã.
Tại đây, lúc mọi người sơ ý, Hằng đã trộm cắp 12 triệu đồng và 300 USD. Cũng với chiêu bài này, Hằng tiếp tục thực hiện thành công 2 phi vụ nữa cho tới khi bị bắt. Trong tất cả các vụ việc này, Hằng đều tỏ ra là gia đình có điều kiện, nhưng thực ra lúc đó cô ta đang không có công ăn việc làm, phải thuê trọ sống vất vưởng tại Hà Nội.
Những ngày qua, ngôi nhà của bà Phạm Thị Hoa (mẹ đẻ Hằng) ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) luôn trong tình trạng đóng im ỉm. Bà xấu hổ bởi hàng xóm cứ xầm xì bán tán sau khi có mấy vị khách từ Hà Nội về tận nhà tìm con gái để đòi nợ. Người ta xôn xao cũng phải vì ở quê nghe đến vài trăm triệu đã là to lắm, huống hồ con gái bà bị tố là lừa đảo đến cả chục tỷ đồng.
Bà Hoa bị bệnh tim nhưng vẫn phải đi làm phụ hồ kiếm sống. Còn chồng bà, dù tuổi đã cao những ngày ngày vẫn phải còng lưng đạp xích lô ngoài bãi biển. Bà Hoa bảo, dù nhà nghèo, nhưng xưa nay bà chưa phải vay nợ của ai đến mức phải mang tiếng như thế này. Bây giờ nghe tin con gái lừa đảo của nhiều người rồi bỏ trốn, bà muốn quỵ ngã vì số tiền lớn quá.
Sau 2 năm ngồi tù, Hằng lập gia đình rồi theo về quê chồng ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức. Khi ấy bà Hoa cũng mừng vì nghĩ rằng con gái đã tu chí làm ăn nhưng không ngờ đứa con gái tội lỗi vẫn “chứng nào tật ấy”.