Cuộc mưu sinh “hành xác”
Đó là cách gọi vui mà các anh Hồ Quang Đạt (SN 1996), Võ Thanh Tú (SN 1996), Hồ Xuân Cường (SN 1987) và Phạm Bá Hợp (SN 1999) cùng ngụ ở Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) khi kể lại quá trình những ngày vào Đà Lạt “nhận việc” bị Cty tuyển dụng lừa đảo, khiến mọi người rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù đã phải trải qua những ngày kinh hoàng ở Lâm Đồng nhưng với họ thì bản thân vẫn còn may mắn hơn nhiều trường hợp khác khi bị sập bẫy các Cty lừa đảo xin việc mà chẳng thể cầu cứu ai.
Tiếp chyện với phóng viên, Đạt cho hay, bản thân đang là sinh viên năm nhất Đại học Luật – Đại học Huế nhưng vì thích theo học bên quân đội nên đã bảo lưu kết quả và thi lại vào Trường Sỹ quan chính trị. Buồn chán bởi điểm thi nên khi nghe anh Cường rủ vào Đà Lạt làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống vì có Cty đề tên là Hoa Việt (địa chỉ số 4, đường Trần Hưng Đạo, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang tuyển dụng 40 lao động nam - nữ cho công việc làm vườn, chăm sóc hoa và tạp vụ văn phòng với mức lương từ 5 - 6 triệu/tháng (bao ăn ở), Đạt, Tú và Hợp quyết định khăn gói xách ba lô đi cùng. Liên lạc qua số điện thoại 0987193884 của người tên Tuấn ghi trên tờ rơi, nghe Tuấn hứa đảm bảo sắp xếp công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng, lương cơ bản tháng 6 triệu, nếu làm tốt sẽ có thêm tiền thưởng… nên cả nhóm càng tin tưởng.
Khoảng 15h chiều ngày 22/7, 4 người lên xe khách Dũng Yến do Tuấn thuê vào Lâm Đồng. Đến 9h sáng ngày 23/7, 4 họ cùng một nam thanh niên ở Thanh Hóa được chở tới Cty TNHH Giới thiệu việc làm và Cung ứng lao động Tâm Đức Lộc, tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách TP Đà Lạt 30km. Tới Cty, Ông Mai Văn Quang (người giới thiệu là giám đốc Cty) nói công việc làm vườn và chăm sóc hoa rất vất vả, yêu cầu làm việc ở nhà kín, môi trường lao động lại độc hại và mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng nên muốn tư vấn, sắp xếp cho nhóm của Đạt các công việc khác phù hợp hơn.
Biết đã bị lừa nên tất cả mọi người đều tỏ thái độ không đồng tình, lúc này ông Quang bèn lớn giọng “Các anh xác định vào đây đi làm hay là đi chơi? Nếu là vào để làm việc thì phải tỏ thiện chí vui vẻ. Cty chi tiền đưa các anh vào đây không phải để đi du lịch. Giờ nếu muốn ở lại làm thì ký hợp đồng với các các chủ thuê. Nếu không thích, Cty sẽ cho về. Tuy nhiên, trước khi về phải đóng đủ 1,7 triệu đồng (gồm 500 nghìn đồng tiền xe và 1,2 triệu đồng tiền môi giới)” – Đạt kể.
Vì nghĩ vào đây công việc có sẵn, lại bao ăn ở nên mỗi người chỉ mang theo vài trăm nghìn đến khoảng triệu đồng để phòng thân. Đạt cho hay lúc đó nếu còn đôi co sẽ bất lợi cho mình nên nhanh chóng ký hợp đồng để sau khi về chổ làm việc sẽ tìm cách bỏ trốn.
Và rồi mỗi người làm một nơi, với các chủ khác nhau. Hợp thì phụ ở quán phở, Tú thì ở cơ sở sản xuất nước đá, Cường thì nuôi tằm. Riêng Đạt thì ký hợp đồng với ông Dương Huy Vũ (hay còn có tên gọi là Đa; ngụ tại Tổ 20, thôn 4, xã Tà Nung, TP. Đà Lạt) với công việc làm vườn (gồm 2 nhiệm vụ chính là phun thuốc trừ sâu và thu hoạch cà tím) với mức lương là 2,4 triệu đồng (làm tốt thưởng 600 nghìn đồng) nhưng tháng đầu không được nhận tiền, tháng tiếp theo mới nhận và phải trả đủ số tiền 1,9 triệu đồng mà trước đó ông Đa đã nộp phí cho Cty để sử dụng lao động.
Ngay sau đó các người chủ này thu giữ điện thoại, ví tiền cùng giấy tờ tùy thân của mỗi người với lý do “để lấy lòng tin”.
Vì công việc quá sức, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng và giờ giấc lao động bất ổn, hơn nữa đến 21h đêm lại bị ông Đa khóa cửa, không cho ra ngoài nên Đạt xin nghỉ. Ông Đa nói, đang giữ của Đạt 570 nghìn đồng, muốn nghỉ việc thì phải nộp thêm 1,9 triệu đồng mới cho về, nhưng vì không có tiền nên Đạt đành tiếp tục ở lại chờ cơ hội trốn thoát.
Cũng tình cảnh tương tự, sau khi ký hợp đồng với cơ sở nước đá Thành Nam (ở Phường 3, TP. Đà Lạt), ngay trong đầu giờ chiều 23/7, dù rất mệt mỏi vì mới đi đường xa nhưng Tú đã phải bắt tay vào làm việc. Do công việc nặng nhọc nên Tú trốn ra ngoài tìm tới chổ Hợp làm. Tuy nhiên chưa đến được nơi thì bị bắt được, chủ cơ sở này nói nếu nghỉ việc thì phải trả đủ số tiền 2,6 triệu đồng (bao gồm tiền xe ôm) để ông chở về Cty Tâm Đức Lộc. Về lại Cty Tâm Đức Lộc, biết phía gia đình Tú ở ngoài Quảng Trị đã trình báo vụ việc lên công an nên ông Quang liền đe dọa “Mày làm Cty tao mất uy tín thì tao đưa mày về công an phạt hành chính hơn cả số tiền mày đóng vào” và yêu cầu Tú phải đóng đủ 2,4 triệu thì mới cho về nhà. Không có tiền để nộp, nhân lúc ông Đa gọi đến Cty tìm thêm lao động nên Tú liền xin về chổ ông Đa để làm cùng Đạt. Theo đó, Tú tự bỏ 500 nghìn đồng tiền túi và ông Đa bỏ thêm 1,9 triệu đồng để đưa Tú về làm việc.
Vì sức khỏe yếu kém, không chịu nỗi công việc phun thuốc trừ sâu nên sáng 25/7, sau 2 giờ làm việc, Tú đã kiệt sức đành xin về phòng nằm nghỉ.
Còn về phần anh Cường thì tuy gặp chủ thuê tốt, điều kiện ăn uống đảm bảo hơn so với các bạn trong nhóm nhưng vì thời gian lao động rất nhiều, thường bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc hơn 21h đêm, thêm nữa vết thương ở chân do tai nạn vẫn chưa lành nên không đủ sức để kham công việc. Và chủ nơi làm việc cũng yêu cầu Cường phải nộp đủ tiền mới được cho về quê.
Riêng Phạm Bá Hợp, sau gần 2 ngày giúp việc ở quán phở đã không chịu được cực nhọc liền mượn điện thoại người làm cùng gọi điện “cầu cứu” gia đình và được người thân gửi tiền vào “chuộc” nên trở về nhà vào sáng ngày 26/7.
“Cứ tưởng chuyến đi vào Đà Lạt làm thuê là cơ hội kiếm tiền về phụ giúp gia đình và tự lo cho bản thân thế nhưng lại trở thành cuộc “hành xác” đúng nghĩa, khi mà chưa đầy một tuần ở đất khách mọi người đã trải qua nhiều chuyện kinh hoàng, tâm trí luôn thấp thỏm lo sợ không được quay về nhà khiến người gầy ốm hẳn” – Đạt tâm sự.
Thoát khỏi “động lao”
Khoảng 6h30 sáng 26/7, nhân lúc ông Đa đi vắng, Đạt và Tú đã quyết định bỏ trốn. Sợ chủ phát hiện, cả hai vội vã băng đường rừng cắm đầu chạy miết. Suốt quảng đường đi, vừa đói, vừa khát nên cả 2 chỉ uống nước ở các hồ để cầm hơi. Đến gần 12h trưa thì lên TP. Đà Lạt. Lúc này, Đạt liền tháo chiếc lắc bạc ở tay bán cho một quầy bạc ở gần đó được 315 nghìn đồng rồi cả hai vào quán internet tìm cách liên lạc với gia đình.
Được sự giúp đỡ của nhóm phóng viên thường trú ở Lâm Đồng, thì đến sáng 27/7, Hồ Quang Đạt và Võ Thanh Tú đã tới rụ sở Công an TP. Đà Lạt và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng trình báo vụ việc và nhờ can thiệp. Sau đó, cả 2 được lực lượng chức năng đưa về thị trấn Nam Ban để làm việc với Công ty TNHH Giới thiệu việc làm và Cung ứng lao động Tâm Đức Lộc và chủ sử dụng lao động là ông Đa.
Tại buổi làm việc, vị giám đốc Cty và chủ sử dụng lao động cho rằng những thông tin mà các lao động này phản ánh nhiều điều không đúng sự thật, đã hạ bệ uy tín của Cty và “làm khổ” các ông – những người vốn coi các lao động như con của mình.
Sau đó, phía ông Đa cũng đã trả lại giấy tờ tùy thân, điện thoại cùng 2 ba lô đựng tư trang cá nhân cho Đạt và Tú.
Và cũng trong tối cùng ngày (27/7), Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp liên lạc với hãng xe đi tuyến Lâm Hà - Quảng Trị và hỗ trợ tiền đưa 3 lao động này về nhà.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thì bước đầu có thể nhận định 4 thanh niên này không có kỹ năng kiểm chứng thông tin tuyển dụng nên bị “cò” Tuấn lừa.
Hiện Công an Lâm Đồng đang phối hợp điều tra xác định danh tính “cò” Tuấn và làm rõ mối quan hệ của Tuấn với Cty Tâm Đức Lộc trong việc tuyển dụng và môi giới lao động, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Mặt khác, Cảnh sát hình sự Công an TP. Đà Lạt đang phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng điều tra làm rõ công ty “ma” lấy địa chỉ số 4, Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (thực chất là địa chỉ trụ sở UBND tỉnh Lâm Đồng) để lừa đảo người lao động.