Thiết lập đường dây
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Cty Phúc Gia Bảo có Chi nhánh số 1 đóng tại đường Nguyễn Đức Cảnh; Chi nhánh số 2 đóng tại đường Mai Xuân Thưởng (cùng tại TP.Buôn Ma Thuột). Đánh vào tâm lý của người dân mong muốn nhanh chóng thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, Cty Phúc Gia Bảo đã “vẽ” ra những chiêu thức huy động vốn của người dân. Họ hứa hẹn một viễn cảnh tương lai mang lại nhiều ưu đãi lớn, lãi suất cao cho người dân.
Cụ thể, công ty đưa ra 3 gói hợp đồng cho người dân lựa chọn là 12 triệu, 32 triệu và 72 triệu đồng. Người dân càng chọn gói hợp đồng giá trị cao thì mức ưu đãi, lợi nhuận càng lớn. Ví như, đối với gói hợp đồng 72 triệu đồng, phía Cty Phúc Gia Bảo đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng: Tháng thứ nhất: 9 triệu đồng; tháng thứ hai 12 triệu đồng; tháng thứ ba 24 triệu đồng; tháng thứ bốn đến tháng thứ chín nhận đều 27 triệu đồng. Đặc biệt, đến tháng thứ mười sẽ nhận được 500 triệu đồng.
Theo thông tin ban đầu, số tiền Giám đốc Thế Anh đã lừa đảo của người dân khắp các tỉnh thành trên cả nước lên đến hơn 100 tỷ đồng. Ngoài phương thức huy động vốn, hứa hẹn trả tiền lãi suất và ưu đãi cao hàng tháng, công ty còn ràng buộc và khuyến khích người dân góp thêm vốn, lôi kéo thêm người thân, bạn bè, anh em cùng tham gia để được hưởng hoa hồng. Bằng hình thức này, công ty đã thiết lập được một hệ thống đầu mối đa cấp đông đảo các thành viên ở nhiều nơi.
Thiệt hại nặng nề
Theo tìm hiểu, tính riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, có khoảng 3.200 người trở thành nạn nhân dưới hình thức lừa đảo này của Cty Phúc Gia Bảo. Một trong số những nơi có thiệt hại nhiều nhất đó là xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột).
Trao đổi với chúng tôi, ông Y’Trui Bkrông (Phó công an xã Ea Kao) xác nhận: “Người dân trên địa bàn xã chúng tôi biết đến Cty Phúc Gia Bảo từ năm 2014. Cho đến nay, con số chúng tôi nắm được là có gần 30 hộ đã tham gia với tổng số tiền sấp xỉ 2 tỷ đồng”.
Cũng theo vị phó công an xã, khoảng tháng 9/2016, ông đã nắm được thông tin và trực tiếp xuống từng hộ dân xác minh. Tuy nhiên, lúc này người dân đều cho rằng mình không tham gia vào Cty Phúc Gia Bảo. Cho đến khoảng tháng 12/2016, khi biết mình đã bị lừa thì họ mới nhận và nhờ đến cơ quan chức năng khiếu kiện công ty.
Những người tham gia vào công ty, đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn. Thấy công ty đưa ra mức lãi suất và ưu đãi hàng tháng cao, cộng thêm khoản hoa hồng khi mời thêm nhiều người thân cùng tham gia là quá “hời”. Do đó, nhiều người dân đã mê muội tin, theo; có nhiều gia đình đã bán cả tài sản vào “đầu tư” để giờ đây ngậm trái đắng.
Chị H’O Knul (SN 1980, một người tham gia góp vốn) cho biết: “Nghe hàng xóm nói cứ góp tiền vào công ty, đến cuối tháng đi lấy lãi một lần tôi thích lắm. Vào tháng 1/2016, tôi đã quyết định bán bò để theo một mã 12 triệu. Nhưng từ đó đến nay tôi vẫn chưa lấy lại được đồng nào”.
Được biết, con bò cũng chính là tài sản duy nhất có giá trị cao trong nhà chị H’O. Bấm bụng bán đi lấy tiền, chị hy vọng chớp cơ hội được làm đối tác với công ty để có tiền nuôi 7 đứa con ăn học. Ấy thế nhưng giờ đây số tiền ấy lại có nguy cơ mất trắng.
Giờ đây, mỗi lần nhắc đến tiền bạc, hai vợ chồng chị H’O lại nảy sinh cãi vã trong nỗi khó nhọc. “Nghe tin giám đốc công ty bị bắt giam, tôi không biết nên mừng hay nên lo. Mừng vì kẻ đứng đầu lừa đảo người dân chúng tôi đã bị bắt, nhưng cũng vô cùng lo lắng vì có nhiều người bị lừa như vậy thì khó mà lấy lại tiền” – Chị H’O buồn bã chia sẻ thêm.
Đơn khiếu kiện của một số hộ dân gửi đến cơ quan chức năng |
Không riêng gì chị H’O, bà H’Chơi Knul (SN 1942, một trong số những người tham gia lớn tuổi nhất trong xã) cũng ngao ngán chia sẻ: “Tiền tiết kiệm bao nhiêu năm tôi để dành được không dám tiêu, cộng thêm một ít là tiền các con cho, tôi gom góp cũng đủ 12 triệu. Tháng 2/2016, tôi đem nộp hết cho công ty. Vì không có hiểu biết và quá tin người nên tôi và người thân cũng như nhiều bà con trong xóm đã bị lừa một cách trắng trợn. Chỉ mong sao các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ cho người dân lấy lại tiền để làm ăn”.
Còn ông Y’Lep Niê - một trong số những người chơi nhiều nhất trong xã và cũng là người lôi kéo được rất nhiều bạn bè, người thân cùng tham gia thì hiện nay đã trốn khỏi địa phương. Được biết, ông Y’Lep tham gia tổng cộng 8 mã, bao gồm 6 mã 36 triệu, 1 mã 72 triệu và 1 mã 12 triệu đồng. Đầu tiên, khi gia 2 mã 36 triệu, ông đã nhận lại được 83 triệu. Tuy nhiên, sau khi đã tin tưởng và đầu tư mạnh tay hơn thì “mất trắng”.
Xót xa nhất là trường hợp ông Y K’liêc Adrơng. Hoàn cảnh gia đình ông đặc biệt khó khăn, già cả đã đành, ông còn phải nuôi 4 đứa cháu mồ côi cha mẹ. Sau khi nghe người thân giới thiệu, ông Y K’liêc cũng đã gom góp, vay mượn đủ số tiền 36 triệu đồng để tham gia ký một mã với Cty Phúc Gia Bảo. Giờ đây, tiền mất tật mang, ông không biết làm sao để vượt qua khó khăn này.
Cả dòng họ bị “lừa”
Rời khỏi địa bàn xã Ea Kao, theo chỉ dẫn của người dân, PV tìm đến xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nơi đây cũng có hàng chục hộ dân là nạn nhân của công ty đa cấp Phúc Gia Bảo.
Ông Y Sen Kbuôr (Chủ tịch xã Ea Bar) cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có gần 20 hộ dân có đơn tố cáo Cty Phúc Gia Bảo lừa đảo với số tiền trên 500 triệu đồng. Đa số các nạn nhân đều là nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số... Khi sự việc được phát hiện thì đã quá muộn, các đối tượng liên quan tới đường dây của Cty Phúc Gia Bảo đã “cao chạy xa bay”.
PV cũng tìm đến gia đình anh Y Thuen A’Drơng (SN 1989, ngụ Buôn Knia 1) để tìm hiểu thêm thông tin. Với khuôn mặt buồn bã, anh Y Thuen kể: “Tháng 11/2016, tôi biết đến Cty Phúc Gia Bảo qua một người quen ở xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột). Người này là chỗ quen biết của gia đình tôi. Chỉ sau vài tháng không gặp, nhưng lần đó, tôi thấy anh thay đổi hẳn cả về ngoại hình lẫn cách ăn nói. Hỏi ra thì được biết anh đang tham gia làm quản lý cho một công ty lớn.
Ngạc nhiên hơn khi nghe anh nói tôi cũng có thể tham gia là thành viên cho công ty. Hỏi kỹ hơn thì được biết, mỗi người phải bỏ ra một số tiền nhất định để góp vốn, ký mã khách hàng để trở thành thành viên trong công ty. Nghe qua thì tôi được biết anh cũng đã đăng ký chơi nhiều mã và nhận lại được lợi nhuận cao từ công ty. Do đó, vợ chồng tôi không nghi ngờ gì, liền cùng bàn bạc gom hết số tiền dành dụm được từ việc bán cà phê, bán tiêu để tham gia”.
Nghe nói tham gia gói 72 triệu thì lãi suất cao, sau một năm sẽ thu lại được tiền tỷ, vợ chồng anh Y Thuen liền chọn đăng ký gói này. Tuy nhiên, hết tháng đầu cho đến tháng thứ 2 cũng không thấy tiền lãi đâu, anh liên hệ với người công ty hỏi thăm thì chỉ nhận được chữ chờ. Tình hình này kéo dài nhiều tháng sau anh mới biết mình đã bị lừa, người đứng ra mời gọi gia đình anh tham gia cũng đã mất liên lạc từ lâu.
Tương tự, anh Y Hoàng B’Krông (SN 1973, hàng xóm anh Y Thuen) ngậm ngùi: “Chỉ vì thiếu hiểu biết, cái lợi nhuận làm mình mờ mắt nên mới ra nông nỗi này. Giờ đây, bao nhiêu tiền của mất hết, nợ nần bao vây tôi mới nhận ra mình đã bị lừa. Cả dòng họ nhà tôi hết thảy 17 người cùng tham gia, mất gần 500 triệu đồng. Tính riêng anh em ruột đã là 4 người, thiệt hại khoảng 200 triệu”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.