Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Giao thông nông thôn là nỗi ưu tư hàng ngày của tôi”

(PLO) -Đó là những trăn trở của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong buổi trò chuyện cởi mở với Phóng viên Pháp luật Việt Nam.
Trong ba khâu đột phá chiến lược của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2016 về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng thì xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được kết quả hết sức rõ nét, phần nào được khẳng định qua đợt bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói:
Trước hết, tôi xin cảm ơn về sự tin tưởng của nhân dân - thông qua những đại diện ưu tú của mình ở Quốc hội - đã cho tôi một cơ hội để kiểm chứng những nỗ lực của bản thân cùng các cộng sự. Xin cảm ơn giới truyền thông đã trung thực và công bằng, làm cầu nối giữa xã hội với ngành giao thông để người dân không những biết chúng tôi đang làm gì, làm như thế nào mà còn có phương tiện giám sát mọi hoạt động của ngành Giao thông vận tải (GTVT).
Điều đó giúp chúng tôi phát hiện ra những năng lực cũng như hạn chế của mình, đồng thời cũng giúp chúng tôi kịp thời điều chỉnh những hoạt động để nó không đi chệch mục tiêu. Về phần mình, qua sự ghi nhận đó của Quốc hội, tôi biết mình sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì mọi thứ mới chỉ là bước đầu. 
Thời gian qua, chúng tôi đã đồng tâm hiệp lực, trong một cố gắng tập thể rất cao, trước hết để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong triển khai công việc. Bởi vì, nói đến nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng là nói đến hàng loạt công trình, là hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân, là năng lực quản lý bộ máy, phẩm chất cán bộ thể hiện trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng 
Ngoài ra, kết quả còn được phản ánh căn cứ trên số vụ tai nạn giao thông, khối lượng hành khách và hàng hóa được vận chuyển. Nếu hạ tầng tốt lên, số lượng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng nhiều lên, hiện đại hơn mà tai nạn giao thông không giảm, hàng hóa ách tắc thì cần phải xem lại chiến lược đầu tư, hoặc chất lượng thực tế của các công trình đó. 
Chúng tôi đã bắt đầu từ những suy nghĩ như vậy khi tháo gỡ từng nút thắt khó khăn. 
Khắc phục hiện tượng "nợ mặt bằng"
- Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về những công việc rất quan trọng và gây tò mò ấy? 
- Trước hết là vấn đề vốn đầu tư cho công trình. Thiếu vốn thì không thể đúng tiến độ được. Chúng tôi khắc phục tình trạng nan giải này bằng các giải pháp tổng hợp, đó là: tìm thêm các nguồn lực ngoài ngân sách, đa dạng hình thức đầu tư, khai thác thu hồi vốn để quay vòng và tới đây là chuyển nhượng một số công trình cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
Ngoài ra, việc xóa bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư theo kiểu xí phần để dồn lực ưu tiên những công trình trọng điểm cũng là một lối thoát.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến tiến độ là khâu giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ có cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng linh hoạt, đảm bảo thích đáng và công bằng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất, đảm bảo đời sống cho họ ở nơi tái định cư. Vì thế, hiện tượng “nợ mặt bằng” không kỳ hạn đang dần được khắc phục có hiệu quả tốt.
Yếu tố thứ ba liên quan đến chất lượng bộ máy và năng lực cán bộ. Chúng tôi đã làm một cuộc tổng rà soát các ban quản lý dự án, các tổng công ty, các đơn vị sản xuất, đào tạo, nghiên cứu… trực thuộc Bộ. Từ đó đưa ra những phân loại rồi căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng chủ thể để có những biện pháp khác nhau nhằm khởi động lại bộ máy.
Cụ thể là sắp xếp, thay thế, bố trí cán bộ vào những vị trí hợp lý cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức để mỗi người đều có khả năng phát huy tối đa sự cống hiến của mình; phá bỏ những khu vực nhập nhèm vốn là môi trường của tham nhũng, bắt tay ngầm; minh bạch hóa mọi hoạt động…
Để tạo đột phá và kích thích tài năng, chúng tôi lần đầu thi tuyển công chức ở những chức danh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới toàn diện ở những lĩnh vực trọng yếu. 
Sẽ có nhiều cầu dân sinh
- Năm qua, nhiều công trình đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51 đoạn TP.Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu... Và tới đây sẽ thông xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng và huyết mạch quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cần Thơ... Song, ở nhiều địa phương, người dân vẫn phải sử dụng các vật dụng thô sơ để qua sông. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ GTVT sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
- Đó đang là một thực tế ở đất nước ta, cũng là thực tế chung của những nước đang phát triển và trước hết, nó đặt ra cho chúng tôi những nỗi niềm không dễ chia sẻ. Bởi có rất nhiều việc gắn với hạ tầng giao thông, một mình Bộ GTVT không thể nào làm được.
Trong khi ngân sách nhà nước luôn có hạn, luôn ít hơn rất nhiều so với nhu cầu để hiện đại hóa hạ tầng giao thông thì trong một thời gian dài nữa, chúng ta vẫn phải thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm, tức là đầu tư tập trung vào những công trình có khả năng tạo ra thay đổi lớn và nhanh cho đất nước, làm nền tảng, tiền đề cho những ngành kinh tế khác. 
Chẳng hạn, số tiền đầu tư cho đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đủ để xây lại hầu hết số cầu dân sinh trên cả nước. Sự lựa chọn thế nào là hiệu quả hơn, tôi tin rằng bất cứ ai cũng hiểu. Nghĩa là luôn luôn cần một sự thông cảm rất lớn của một bộ phận dân cư trong bất cứ việc triển khai xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia nào.
Tuy nhiên, nếu ai đó, chẳng hạn với người ở cương vị như tôi, tìm cách dựa vào lập luận trên để rũ bỏ trách nhiệm với những đồng bào nghèo khổ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vốn phải chịu rất nhiều thiệt thòi về mặt kinh tế, xã hội, giáo dục... thì không thể tha thứ được.
Vẫn luôn có những lối thoát ngay cả khi mọi thứ tưởng là hết cách. Trước hết, Bộ GTVT đã kịp thời nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số, thực hiện trên phạm vi 50 tỉnh, thành có vùng dân tộc miền núi theo Quyết định 447/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc, với số cầu dự kiến xây dựng là 4145 cầu, trong đó có 481 cầu treo dân sinh. 
Trong khi mới chỉ đáp ứng được một phần kinh phí, Bộ GTVT vẫn quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, xây dựng khẩn cấp 186 cầu treo dân sinh ở những địa bàn đặc biệt khó khăn tại 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, bằng cách vận động một số doanh nghiệp ứng vốn trước.
Để có thêm nguồn kinh phí, Bộ vừa phát động chương trình “Nhịp cầu yêu thương” và bước đầu đã huy động được số tiền đủ để xây hàng trăm cây cầu. Phong trào này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới đây, trước hết để đưa ra thông điệp rằng, cả xã hội phải có trách nhiệm với những người dân ở vùng đặc biệt khó khăn của chúng ta còn chưa có cầu, có đường để đi lại.
Khái quát như vậy để nhà báo hiểu, vấn đề xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, với thực trạng khó khăn mà bạn vừa nêu ra, luôn là nỗi ưu tư hàng ngày của chúng tôi.
- Những cải cách mạnh mẽ trong ngành Giao thông như quyết liệt lập kỷ cương trong vận tải đường bộ, vận tải hành khách và hàng hóa, tăng cường năng lực vận tải và cạnh tranh trong vận tải đường sắt, đường hàng không… đã tạo được những tác động sâu sắc về đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề mà ngành Giao thông phải giải quyết để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và nhu cầu của nền kinh tế. Bộ trưởng có thể chia sẻ những mục tiêu và giải pháp mà ngành Giao thông đang nỗ lực thực hiện?
- Rất khó để tôi có thể làm thỏa mãn quan tâm của nhà báo, bởi không thể chỉ bằng vài nét vẽ có thể phác họa được bức tranh tổng thể. 
Những mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 13-NQ/TW  về “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” chính là nhiệm vụ lâu dài, liên tục mà chúng tôi phải nỗ lực thực hiện. 
Có thể dẫn ra một số công việc lớn trước mắt. Đó là cuộc “đua nước rút“ để hoàn thành Dự án cải tạo quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Việt Trì, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên, Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, mở rộng Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với cái đích cơ bản hoàn thành là năm 2015.
Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ các dự án: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng cửa ngõ Hải Phòng (Lạch Huyện), đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... và khởi công các dự án quan trọng như đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, Biên Hòa - Vũng Tàu, Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Hưng Hà...
Song song với công việc trên các công trường, chúng tôi phải tập trung triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020. 
Chúng tôi sẽ hoàn thành việc bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã thực hiện IPO trong năm 2014. Sẽ tiến hành tiếp việc cổ phần hóa toàn diện những doanh nghiệp lớn như các Tổng Cty: Hàng hải Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và Công nghiệp tàu thủy… 
Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn phải tập trung nỗ lực để kéo giảm tai nạn giao thông. Ngoài ra, vẫn phải quyết liệt trong việc kiểm soát tải trọng xe, tìm đối tác và nguồn vốn cho hàng loạt dự án quan trọng không dùng tiền ngân sách. Những nhiệm vụ này trong năm qua có bước khởi đầu khá tốt, nhưng vẫn rất xa mục tiêu mà chúng tôi đề ra.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.