Là một tỉnh miền núi cao, biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, những năm gần đây dù kinh tế của Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Kôi thì Điện Biên vẫn còn 877 thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; thu ngân sách ít...
Riêng về công tác tư pháp, thực hiện Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2014 của Bộ Tư pháp; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch công tác tư pháp năm 2014 với 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 08 giải pháp cụ thể. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát mà công tác tư pháp đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; kiểm soát thủ tục hành chính; kiện toàn đội ngũ cán bộ...
Riêng công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm, đã thụ lý tổng số 1.679 việc, trong đó có 1.193 việc có điều kiện giải quyết và 468 việc chưa có điều kiện giải quyết; đã giải quyết xong 843 việc, đạt tỷ lệ 70,7 %. Về tiền, tổng số thụ lý là 24.743.546.000 đồng, trong đó, số tiền có điều kiện giải quyết là 12.830.607.000 đồng; số tiền chưa có điều kiện giải quyết là 11.912.939.000 đồng; đã giải quyết xong 5.091.909.000 đồng, đạt tỷ lệ 39,7%.
Dù vậy, công tác tư pháp, THA trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế khó khăn trong đó nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là do Điện Biên là tỉnh miền núi, đặc biệt khó khăn; địa bàn rộng, nhiều dân tộc; trình độ dân trí thấp; một số Sở, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo sát sao nhiệm vụ công tác tư pháp.Đặc biệt, hiện nay nguồn cán bộ cho công tác tư pháp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung hết sức khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Kôi nhấn mạnh: thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đề cao trách nhiệm của của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Tư pháp các cấp trong thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, lắng nghe ý kiến phản ánh từ cơ sở, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo giải quyết các cấn đề phát sinh trong thực tiễn triển khai hoạt động tư pháp...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia vui với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Điện Biên bởi là tỉnh còn hết sức khó khăn song những năm gần đây Điện Biên vẫn duy trì tăng trưởng tốt, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Trong những kết quả đó có sự đóng góp của Tư pháp, thi hành án dân sự. Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị địa phương tiếp tục tập trung cao độ cho việc tuyên truyền sâu rộng các quy định của Hiến pháp 2013 đến người dân và việc ban hành VBPL của địa phương phải bám sát Hiến pháp.
Bộ trưởng cũng đề nghị Điện Biên tăng cường biên chế để làm tốt công tác quản lý về xử lý vi phạm hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và tăng cường kinh phí cho hoạt động này; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, công chứng, chứng thực; giúp người dân nhập quốc tịch Việt Nam tại khu vực biên giới.
Riêng việc thực hiện Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay, tỉnh phải chỉ định một cơ sở nuôi dưỡng; tăng cường xã hội hóa về công chứng và thực hiện việc chuyển giao hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp xã về cho tổ chức hành nghề công chứng; tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu của cải cách Tư pháp; tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác thi hành án dân sự...
Ngày mai, 18/5 Bộ trưởng và Đoàn công tác sẽ làm việc tại tỉnh Lai Châu.