Đi tìm dấu tích lá cờ đá trong Lăng Bác Hồ
Ngược theo quốc lộ 217, chúng tôi tìm về bản Duồng của xã Điền Hạ, huyện miền núi Bá Thước, nơi vẫn còn lưu giữ dấu tích của những viên đá xây cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo như tìm hiểu, hiện ông Trương Phúc Chủ vẫn còn giữ lại một hòn đá quý - loại đá dùng để làm cờ trong Lăng Bác Hồ. Năm xưa, ông Chủ đã lấy viên đá này ở dãy núi Chợ Phét (đồi cây đa) về để làm kỷ niệm.
Gia đình ông Trương Phúc Chủ nằm ngay ở đầu con đường rẽ vào làng. Nơi đây chủ yếu là người Mường sinh sống nên gia đình ông Chủ vẫn còn giữ y nguyên lối kiến trúc nhà sàn cổ xưa. Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn tìm hiểu dấu tích của những viên đá cờ, ông Chủ liền mời chúng tôi lên nhà.
Khi được hỏi chuyện về việc lấy đá để làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc gắn ở Lăng Bác, ông Chủ tỏ ra vô cùng phấn khởi và cho biết: “Hồi đó phương tiện rất thô sơ nên để lấy được đá, chúng tôi phải vận dụng sức lực và trí tuệ. Việc tìm được đá rất là khó, khi vận chuyển nó lên ô tô lại càng khó hơn”.
Theo ông Chủ, thời kỳ này ông giữ rất nhiều chức vụ trong huyện Bá Thước như: Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng phòng Giao thông… Sau ông được giao luôn nhiệm vụ chỉ huy đôn đốc bà con trong việc lấy đá làm cờ.
Ông Chủ bảo: “Lúc đó tìm đá để làm cờ là một điều cực kỳ khó khăn. Nước ta đã phải nhờ các đoàn địa chất ở Liên Xô tìm các loại đá quý để nhuộm cờ nhưng không được. Đồng chí Đỗ Mười (khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng) đã phải tổ chức họp Tổng cục Địa chất để giao nhiệm vụ nhưng bên Tổng cục Địa chất phát biểu rằng không tìm ra được loại đá này”.
Cũng theo ông Chủ, phía Tổng cục Địa chất chưa phát biểu xong thì tổ địa chất (Thanh Hóa) họ đã khẳng định trên dãy đồi Chợ Phét có một loại đá màu đỏ hiếm nơi nào có được. Chính vì lý do đó nên đoàn địa chất đã tìm về bản Duồng để khảo sát thực tế.
Sau khi khảo sát xong, tổ địa chất đã phát hiện ra một loại đá mang tên “Hồng Ngọc”. Màu đá này tựa như màu máu và nó có độ tuổi trên một nghìn năm. Lúc đó ông Chủ là người địa phương, thông thổ địa bàn nên được tỉnh giao nhiệm vụ trong việc chỉ huy, khai thác đá “Hồng Ngọc” để đưa ra Hà Nội.
Ông Chủ khẳng định: “Khắp đất nước Việt Nam không nơi nào lại có đá đỏ và đẹp như ở đây. Hiện loại đá này được tôi giữ lại một viên để làm kỷ niệm, ở UBND xã Điền Hạ hiện còn giữ lại mấy viên”.
Theo ông Chủ, xưa kia lấy đá “Hồng Ngọc” là cực kỳ khó khăn, bởi những tảng hình khối chủ yếu nằm trong lòng núi, đường vận chuyển lại phải vượt qua đầm lầy và ao hồ. Tuy nhiên, với lòng kính yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con địa phương đã dùng sức khỏe của mình, giữ vững quyết tâm là phải đưa bằng được các khối đá nặng 9 -10 tấn ra Lăng Bác.
Bản Duồng là những cánh đồng và các dãy núi ẩn chứa các loại đá quý hiếm. |
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Có lẽ sức mạnh của dân tộc Việt Nam đã khiến cho “sông cũng phải cạn, núi cũng phải mòn”. Ông Chủ phải túc trực đôn đốc bà con quyết lấy bằng được đá này.
Lúc đầu việc khai thác đá đỏ không hề đơn giản, ô tô không vào được, do chân núi toàn là đầm lầy và ao hồ. Trong khi đó tổ địa chất của ông Chủ cũng chỉ có khoảng ba mươi người nên phải huy động bà con nhân dân cùng góp sức mới hoàn thành xong nhiệm vụ.
Ông Chủ trầm ngâm nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi khoét sâu vào trong lòng núi thì mới phát hiện ra đá đẹp. Mà độ nghiêng của mái đá lúc nào cũng 40/30, chỉ cần sơ sẩy là thiệt mạng rồi. Lúc đó chúng tôi phát hiện ra một tảng đá lớn nhưng không tài nào lấy được. Nếu có lấy được thì việc vận chuyển cũng không hề đơn giản vì ô tô sẽ phải vượt qua ba cái ao sâu lút đầu người”.
Theo lời ông Chủ, sau khi biết thông tin phát hiện ra một tảng đá lớn, đồng chí Lê Thế Sơn, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã trực tiếp vào công trường để chỉ đạo. Ông Sơn đã cho người lấy một chậu nước rồi nhúng khăn mùi xoa của mình lau vào hòn đá thì nó bóng loáng một cách lạ thường. Ông Sơn dặn rằng bằng mọi cách phải lấy được hòn đá này.
Theo nhận định của ông Chủ, hòn đá này phải nặng trên 10 tấn nên bà con phải dùng gậy gỗ và lấy sức người để bẩy, cách làm này chính là sự thông minh sáng suốt. Đầu tiên bà con trói hòn đá vào một dây song, sau đó dùng cây bóc vỏ trơn để bẩy ra.
Sau khi bẩy hòn đá tiến sát bờ ao nhưng lại không thể đi qua được đầm lầy vì hòn đá quá nặng. Lúc này người dân lại phải đóng bè mảng cho ô tô vượt qua đầm lầy. Người thì đào cống thoát nước, thoát bùn, người thì chặt gỗ, chỉ sau hai tuần lễ thì ô tô đã lùi vào được đến nơi.
Việc đưa ô tô vào đã khó, bây giờ để đưa hòn đá lên thùng xe lại càng khó hơn. Ông Chủ phải cử người về núi Nhồi (Đông Sơn) mượn 3 chân tó. Khi móc hòn đá lên bằng bụng người thì tó đã gãy cả ba chân.
Tiếp tục phương pháp cũ, ông Chủ cùng bà con lại chuyển sang đào hầm, chặt cây rồi bóc da trơn, ghép chúng lại với nhau, nối thẳng vào thùng xe. Lúc này bà con dùng sức người nới hòn đá từ từ, cuối cùng cũng đưa được 10 tấn đá vào thùng.
Sau khi đưa được khối đá lên thùng xe, ông Chủ lại theo ô tô ra Nhà máy đá An Dương cạnh hồ Tây để xẻ.
Ông Chủ nhớ lại: “Lúc đó tôi và sáu đồng chí phải mất hơn ba tháng trời mới ghép xong lá cờ. Công nhận với các anh là khi mới xẻ đá ra thì nó bóng loáng, rực lên một màu đỏ chót. Sau đó tôi đem mẫu đá này cho các anh chuyên gia bên Liên Xô thì họ khẳng định đây là “Thạch anh tái kết tinh”, nặng gấp 3 lần đá, tuổi thọ của nó lên đến hàng ngàn năm”.
Từ những khối đá được bà con vận chuyển này, bỗng chốc nó lại trở thành một tác phẩm vĩ đại, đó là Đảng kỳ và Quốc kỳ ở Lăng Bác.
Nhắc lại chuyện năm xưa, ông Trương Phúc Chủ luôn tự hào vì mình đã trực tiếp được chứng kiếm việc ghép lá cờ ở Lăng Bác. Cứ mỗi lần ông Chủ cùng bà con dân bản ra thăm Lăng Bác, ông lại ngắm nhìn lá cờ và ông luôn hãnh diện vì việc làm bình dị mà rất đỗi thiêng liêng của mình đã góp phần bày tỏ tình yêu với Đảng, với Tổ quốc, với Bác Hồ kính yêu./.