“Mối tình sắp đặt”
Dù chỉ đến với nhau theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng nhờ ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao điều độ, cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi) và cụ ông Trương Triêm (104 tuổi, ngụ khu phố 2, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) vẫn khỏe mạnh minh mẫn. Hai cụ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam.
Cụ ông từ nhỏ đã mồ côi mẹ, cha thường xuyên đau ốm, mù cả đôi mắt. Chàng trai một tay chăm lo hai đứa em thơ dại. Lớn lên, do chiến tranh, hai người em tập kết ra Bắc, cụ Triêm ở lại quê nhà phụng dưỡng cha.
Cụ bà vốn là thôn nữ xinh đẹp ở làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, cũng xuất thân trong gia đình nghèo.
Cụ ông kể: “Chuyện tình của chúng tôi bắt đầu từ những lời giới thiệu theo nếp xưa. Tuy tôi nhỏ hơn bà ấy hai tuổi nhưng đó là sự sắp đặt của cha mẹ. Khi cưới nhau tôi mới biết mặt bà ấy, lúc đó vui lắm vì biết vợ của mình rất xinh đẹp”.
Hai cụ trong lễ mừng thọ |
“Mối tình sắp đặt” ấy lại bền chặt bậc nhất Việt Nam. Tuy đường con cái muộn, 34 tuổi cụ bà mới sinh con đầu lòng nhưng họ vẫn có với nhau bảy người con, một gái, sáu trai. Đến nay hay cụ đã có 21 cháu nội ngoại, 19 chắt, 5 chít. Con cái phần lớn sống ở quê, những người còn lại người ở TP.HCM, người Nghệ An, người lập nghiệp tận Hàn Quốc.
Theo giấy chứng minh nhân dân do Công an tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cấp, cụ Trương Triêm sinh ngày 15/10/1910 và cụ Trần Thị Cháu ngày 28/10/1908. Hai cụ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn hết sức cực khổ nên sự thông cảm càng sâu sắc, luôn hiểu nhau, nhường nhịn, đồng cam cộng khổ.
Những năm chiến tranh, cụ bà có lần chạy giặc bị ngã xuống hố không đi nổi, cụ ông phải cõng vợ chạy, khi tới nơi ẩn nấp hai cụ đều ngất xỉu. Có món ngon cụ ông nhường vợ, việc nặng cụ ông giành làm. Đi tiệc tùng, kỵ giỗ, vợ chồng thường đi chung.
Bà Bùi Thị Em, con dâu thứ hai của hai cụ, bày tỏ: “Bao nhiêu năm về làm dâu, tôi học được rất nhiều từ tính cần cù, chăm chỉ và đạo đức khiêm nhường của cha mẹ chồng. Ông bà rất thương con cháu, ít nặng lời. Trong nhà có hai người lớn tuổi nhất nước là niềm vui, là niềm hạnh phúc lớn. Con cháu luôn tự hào về cha mẹ, ông bà và mong hai cụ tiếp tục sống thật lâu để lập luôn cả kỷ lục của thế giới”.
Bí kíp sống lâu
Tuy rất ít bệnh tật nhưng có lúc cả hai cụ đều trải qua những thời khắc nguy hiểm. Lúc cụ bà 90 tuổi, một lần bị ngã ở thềm nhà gãy chân, nằm từ đó tới bây giờ. Cụ được con cháu chăm sóc tận tình, cộng với thuốc men và dinh dưỡng tốt nên bây giờ mới tạm ổn, nay đã có thể đứng dậy tuy khó khăn. Cụ ông thì cách đây 5 năm lại phải chịu liên tiếp hai cơn bạo bệnh, chảy máu mũi rất nhiều, không nói được, rồi khỏi bệnh một cách thần kỳ.
Dù đã 104 tuổi nhưng cụ Triêm vẫn rất minh mẫn |
Ông Trương Ngọc Hiệp (60 tuổi, con thứ 3 của hai cụ) phân tích: “Chắc cha mẹ tôi ngày xưa lao động chăm chỉ nên cơ thể được vận động thường xuyên, sức đề kháng mới cao như vậy. Lúc tuổi già, hai cụ vẫn làm việc xung quanh vườn nhà và dậy sớm tập thể dục thể thao.
Mẹ tôi trước đây bị gai cột sống nhưng bà chịu khó vận động nên bệnh khỏi mà không tốn một đồng tiền thuốc. Cha mẹ còn dặn dò anh chị em chúng tôi, việc phòng the phải điều độ, tùy thuộc vào độ tuổi, không nên quá sức, sống phải chung thủy”.
Cụ Triêm cho biết: “Vợ chồng tôi ăn nhiều lắm, còn luôn dặn nhau không bao giờ được bỏ bữa. Tuy trước đây đói nhưng chúng tôi cũng kiếm được cái để lót dạ, dù là bo bo, củ sắn hay củ khoai. Trong các bữa ăn cũng phải biết phối hợp các loại thức ăn với nhau.
Tôi thì không bao giờ hút thuốc lá, dù cái thời của tôi đa phần ai cũng hút, tôi cũng ít uống rượu, khi vui thì chỉ uống 1 ly thôi. Ngược lại, tôi lại uống nhiều nước lá trên rừng, làm cho mình ăn được, ngủ ngon.
Ngoài ra, khi còn là thanh niên tôi hay lên rừng đốn củi, chăn trâu nên thường lấy tổ ong để ăn cũng như lấy mật ong để uống, do đó sức khỏe rất tốt. Hiện tại tôi vẫn duy trì sở thích này bằng cách mua mật ong về để ở nhà, thi thoảng lại uống”.
Một người con dâu khác mỉm cười: “Đó là cha tôi nói vậy nhưng tôi nghĩ các cụ sống lâu được như vậy một phần lớn là do ông trời thương, phúc phận của tổ tiên để lại chứ bí kíp thì không có nhiều đâu. Cái thời cực khổ, ăn cơm độn sắn, đêm ngủ không bỏ màn sốt rét thì liên tục, rồi phải đốt mái tranh làm muối thì thời gian đâu các cụ chăm lo sức khỏe?”./.
Cặp vợ chồng cao tuổi nhất được công bố trước đây là cụ Cao Viễn (106 tuổi) và cụ Vũ Thị Hai (100 tuổi, ngụ thôn Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Do cụ Viễn lớn tuổi hơn cụ Triêm, nhưng cụ Hai nhỏ tuổi hơn cụ Cháu nên Tổ chức Kỷ lục Việt Nam quyết định xác lập thêm kỷ lục cặp vợ chồng cao tuổi nhất, có vợ cao tuổi hơn chồng cho cặp vợ chồng cụ Triêm - cụ Cháu song song với kỷ lục của cặp vợ chồng cụ Viễn - cụ Hai.
Sự kiện tôn vinh cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam lần này nằm trong Hành trình Bách niên trường thọ S100 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi các tỉnh thành nhằm tìm kiếm, chọn lọc, giới thiệu và tôn vinh tất cả các cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi ở khắp mọi miền đất nước.