Một bị cáo ra trước vành móng ngựa vì tội lỗi gây ra trong cơn say. |
Men say tới cùng cực
Cuối tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử một vụ việc đau lòng: Con giết cha. Mà nguồn cơn tất cả cũng từ “chén chú, chén anh”. Phiên tòa xét xử bị cáo Dương Văn Dũng (32 tuổi, ngụ xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) diễn ra vào một buổi sáng. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo có đôi mắt đỏ hoe, thi thoảng quay xuống nhìn mẹ và người thân, cầu khẩn, van lơn. Nếu chỉ gương mặt khổ sở ấy, không ai ngờ đó lại là một kẻ thủ ác phạm vào đại tội. Theo cáo trạng, trước đó bị cáo Dũng và cha mình ngồi uống rượu tại phòng bếp trong nhà thì giữa cha và mẹ Dũng xảy ra cãi nhau. Do bực tức chuyện cha chửi mẹ nên Dũng đã đi xuống kệ bếp lấy con dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người cha khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, Dũng vào tắm rửa rồi đến cơ quan công an đầu thú.
Tại phiên tòa, Dũng khai nhận, trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên uống rượu, say xỉn, đánh đập vợ con. Thậm chí, trong lúc say, trong đầu Dũng luôn có tiếng nói vang lên thôi thúc Dũng phải giết những người chung quanh. Theo Dũng, đó là lý do Dũng xuống tay giết hại cha ruột mình.
Người thân của Dũng kể lại, khi mới kết hôn, có con, Dũng cũng là người chồng yêu vợ, thương con, chí thú làm ăn. Nhưng rồi từ ngày dính đến rượu, Dũng trở nên ghen tuông vô cớ. Trong nhà không lúc nào được yên bởi Dũng thường xuyên chửi mắng, bạo hành vợ con. Kinh tế cũng xuống cấp bởi người chủ gia đình thường say sưa bỏ bê việc làm lụng. Vợ Dũng phải bỏ nhà đi lên thành phố làm công nhân kiếm tiền về cáng đáng gia đình. Giờ đây, nhà cửa đã tan nát, bố chồng bị giết, chồng tù tội, hai con gái nhỏ bơ vơ, người vợ quay về quê tìm việc làm nuôi dưỡng hai con và mẹ chồng già yếu. Chị nói, chị sẽ ly hôn Dũng, bởi cuộc đời chị bị đày đọa lâu quá rồi mà chưa có cơ hội thoát ra, nay chị sẽ quyết tâm làm lại, mẹ con, bà cháu nương tựa nhau mà sống.
Người quen đến dự phiên tòa ai cũng ngậm ngùi thay cho một gia đình. Nhưng cái kết ấy dường như không khiến họ quá ngạc nhiên. Rượu như một thứ bùa mê truyền đời. Nó khiến cha Dũng cũng thường xuyên chửi bới vợ con. Tuổi thơ của Dũng lớn lên trong ám ảnh đến cùng cực bởi những trận la mắng không hồi kết của người cha. Và đến Dũng cũng là một kẻ nát rượu, rồi tai họa lại đổ ngược về người cha, khiến Dũng phải trả giá bằng cả một cuộc đời. Người đến dự phiên tòa chỉ hy vọng rằng cuộc đời những người phụ nữ trong gia đình ấy, nhất là những đứa trẻ sẽ tươi sáng hơn khi không còn phải chịu những áp lực và bạo hành từ “ma men”.
Tháng 5 vừa qua, chị Trần Thị Linh Đ, 34 tuổi, ngụ Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP HCM cũng đã đệ đơn ra tòa ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân 10 năm mà trong đó, có hơn 6 năm là khổ đau và cay đắng. Chị Đ kể rằng, cả hai đều tốt nghiệp đại học, ra trường có việc làm ổn định và cưới nhau cũng nhiều kế hoạch tốt đẹp cho tương lai. Mọi chuyện sẽ ổn vì ban đầu cả hai đều chí thú làm ăn, lên kế hoạch để mua căn chung cư.
Thế nhưng, anh đổ ra mê nhậu. Ban đầu là thi thoảng đi nhậu với đồng nghiệp, đối tác, rồi dần dà tăng mật độ nhậu lên vài tuần một lần. Cũng vì nhậu say, thường xuyên bỏ bê công việc nên anh bị cấp trên phê bình, rồi bị đuổi việc, phải đi xin việc khác. Cứ như thế, anh xin việc rồi bị đuổi việc liên tục, lương thấp, một mình chị phải làm thêm nhiều việc gồng gánh nuôi con. Lấy nhau lâu rồi, có hai mặt con mà họ vẫn phải ở trọ trong căn phòng chật hẹp.
Khi chị làm đơn ly hôn, nhiều người thân, bạn bè mắng chị, bảo chị “cứng” quá. Tuy chồng chị có nhậu nhẹt thật, nhưng vẫn là người hiền, vẫn thương vợ, thương con. Nhưng chị bảo, người ngoài thì làm sao hiểu hết được cái cay đắng, khổ sở của một người vợ có chồng là “đệ tử lưu linh”? Là khi tiền bạc eo hẹp, tiền học cho con còn chưa đóng được, mà chồng lấy bạc triệu đi ăn nhậu cùng bạn bè. Khi con ốm, chị thức trắng đêm chăm con, sáng mai còn phải phờ phạc đi làm, chồng thì bận nhậu, nhậu say về ngủ một giấc đến sáng, sẵn sàng bỏ đi làm hôm sau. Là khi bất cứ khó khăn, mệt mỏi gì chị cũng phải chịu đựng một mình, bởi lúc ấy chồng đang trong một cơn say váng vất nào đó. Chị không muốn có chồng mà như không, thậm chí còn thêm gánh nặng. Chị cũng không muốn con trai mình có một tấm gương xấu là người cha sáng say, chiều xỉn ở ngay trước mặt, ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này. Thế nên chị ly hôn.
Trong những gia đình có “đệ tử lưu linh” thường không thiếu bạo hành. |
Làm sao để chấm dứt những bi kịch?
Trong những ngôi nhà có “ma men”, bi kịch có thể hiển hiện rất rõ ràng, hoặc có thể diễn ra trong âm thầm. Có khi, những người cha, người chồng bị “ma men” dẫn lối, trở thành những kẻ hung bạo, độc ác, sẵn sàng bạo hành tinh thần, thể xác vợ con mình, khiến họ sống trong sợ hãi, khổ đau nơm nớp từ ngày này sang ngày khác, không lối thoát.
Trong một vụ hai bạn nhậu đâm chết nhau diễn ra ở TP HCM, người quen của gia đình sau đó còn nhớ mãi lời của chị vợ, một nạn nhân của bạo hành gia đình suốt nhiều năm: “Ổng chết đi đột ngột tui thấy thương ổng, rất thương, nhưng tui và con cũng nhẹ nhõm. Bởi ổng mà còn sống không ngày nào tui với con không bị đập, bị lột quần áo đuổi ra khỏi nhà. Ổng không chết thì cũng có ngày mẹ con tui phải chết”. Biết bao chịu đựng, phẫn nộ và bi kịch đã dồn nén trong một câu nói ấy. Và nếu không có cái chết đột ngột trên bàn nhậu của người chồng, thì ai sẽ cứu vớt, giải thoát cuộc đời mẹ con họ?
Nhưng còn có nhiều bi kịch khác, ẩn sâu bên trong bề mặt của hạnh phúc, mà chỉ có những thành viên trong gia đình có người nát rượu mới thấm thía hết. Như trường hợp của chị Linh Đ nói trên và của rất nhiều người vợ, người con khác. Có nhà, cả gia đình vẫn rất tốt đẹp, yên vui, nhưng vẫn tồn tại một nỗi lo lắng và đớn đau âm thầm khi thấy chồng, cha mình ngày càng sa đà vào rượu, rời xa hạnh phúc gia đình, đi dần đến con đường chết vì bệnh tật hủy hoại. Không ít người nghiện lâu năm bị loạn thần, ảo giác, coi vợ con như kẻ thù. Cũng có gia đình, vì chồng ham uống rượu cùng bạn bè mà sa chân vào các tệ nạn khác, bỏ bê gia đình, để rồi gia đình tan vỡ. Có những gia đình vợ chồng “đồng sàng dị mộng”. Bởi đã lâu rồi họ có gì chung để nói với nhau đâu, khi mà một tháng thì đến 3 tuần chồng nhậu nhẹt, say sưa. Ở những gia đình ấy, cho dù người chồng có mất sức lao động hay là một doanh nhân làm ăn thành đạt, đem tiền như nước về cho vợ con thì mầm mống bi kịch cũng đã thành ung nhọt nhức nhối. Và chỉ cần “giọt nước tràn ly”, chờ ngày bùng lên, khiến một gia đình nhỏ tan nát.
Rượu là thuốc độc, nó không giết người ta tức thời mà ăn mòn, hủy hoại từ từ từng con người, từng gia đình. Đáng tiếc là trong cuộc sống hằng ngày, vẫn rất nhiều người không nhận ra điều đó. Họ vẫn chìm đắm trong bia rượu như một chất kích thích để cuộc đời thêm màu sắc, thêm ồn ã, vui tươi. Mà không biết rằng, đằng sau sự phấn khích sẽ luôn là cay đắng và bi kịch.
Tại các nước phát triển, nghiện rượu cũng được cảnh báo nguy hiểm như nghiện ma túy. Nhiều người muốn làm lại cuộc đời, với sự động viên của gia đình đã sẵn sàng tham gia cai nghiện rượu, rời xa “ma men” để trở thành một con người lành mạnh. Tại Việt Nam, nhiều thanh, thiếu niên đã biết đến rượu, bia từ rất trẻ, đặc biệt là ở nhiều làng quê. Có những người hơn 40 tuổi nhưng đã không thể sống thiếu hơi rượu dẫu chỉ một ngày. Thế nhưng, vấn đề nghiện rượu và cai nghiện rượu vẫn chưa được đặt ra đúng mức. Không ít người, dẫu rõ ràng là “nghiện”, nhưng vẫn khăng khăng mình chỉ “thích uống cho vui”.
“Nam vô tửu như kì vô phong”, cái câu thành ngữ của cánh đàn ông trên bàn nhậu ấy đã khiến nhận thức bao thế hệ đàn ông Việt bị lệch lạc, khiến bao người hùng hổ uống vì muốn trở thành “anh hùng” trên bàn nhậu. Rồi, đằng sau những cuộc nhậu ấy là những trận đánh đập, những tiếng chửi bới, những cuộc xô xát, những rạn nứt, tan vỡ, những cay đắng dành cho những thành viên con lại trong gia đình.
Khi nào còn những người đàn ông say mê với men rượu thì khi ấy, những bi kịch gia đình sẽ không bao giờ kết thúc.