“Thầy”bảnh bao, chửi trò cộc cằn
Theo đó, đoạn video đầu tiên do một nam học viên quay lại bằng điện thoại di động. Người mà nam học viên gọi là “thầy” ăn mặc khá bảnh bao, tuy nhiên người “thầy” này đã có hành động đứng hẳn chân lên bàn khi cãi nhau với học viên. Không chỉ thế, người “thầy” này lại có những lời lẽ, phát ngôn “hàng tôm, hàng cá” với chính học viên của mình. Người “thầy” ấy còn văng tục, chửi bậy, thách thức học viên với những từ ngữ gây sốc: “Bây giờ tao giúp, mày có hiểu không?… mày, tao khẳng định rằng mày… lấy lại đấy. Mày hiểu chưa, bởi vì sao, tao… ký cho mày nữa. Thái độ của mày là một thằng mất dạy, việc… gì tao phải giúp”.
Mỗi khi nam học viên lên tiếng, ông “thầy” lại tiếp tục chửi bậy, đặc biệt trước việc ông “thầy” đứng phắt lên bàn chửi đổng và bị nam học viên nói thì “thầy” bật lại: “Ơ cái… mày, nhà tao tao chả đứng lên thì sao, mày sống cho tao à?”. Khi nam học viên nói “Thầy học bằng thạc sỹ, bằng cấp cao mà không lịch sự, tôn trọng người khác” thì lập tức “thầy” chửi: “Ờ mày vào nhà tao mà không được sự đồng ý của tao là mất… tao… nợ mày” (những từ trong dấu... là từ nói tục).
Người “thầy” không chỉ chửi bới, thách thức mà còn có hành động khá cộc cằn. Những hành động, lời nói đó đã khiến cư dân mạng vô cùng giận dữ, họ lùng sục trang facebook cá nhân của người “thầy” này để chửi mắng, công khai số điện thoại cá nhân của người này, thậm chí lập team để trị thầy giáo “cung bọ cạp” này.
Theo chia sẻ, người mà nam học viên kia gọi là “thầy” có tên là H, giám đốc một trung tâm du học Hàn Quốc đóng tại Hà Nội. Nam học viên quay video từng là học viên của trung tâm du học này. Trước khi làm thủ tục sang Hàn Quốc, phía trung tâm đã yêu cầu đóng trước hơn 100 triệu đồng để hoàn thiện hồ sơ, sau khi phỏng vấn nếu đậu sẽ thu nốt số tiền còn lại.
Tuy nhiên, hồ sơ của nam học viên này bị từ chối, nam học viên đã lên trung tâm yêu cầu hoàn lại số tiền đã nộp hơn 100 triệu đồng trước kia vì trong hợp đồng có điều khoản học viên được trả lại tiền nếu không đậu visa. Sau đó, “thầy” H. đã hẹn nam học viên 1 tháng sau sẽ hoàn lại tiền. Đúng 1 tháng sau thông báo, nam học viên đã đến gặp và yêu cầu “thầy” H. hoàn lại số tiền đã đặt cọc trước đó. Tuy nhiên, thay vì đáp ứng theo yêu cầu hợp đồng thì 2 bên đã xảy ra mâu thuẫn.
Và GS.TS tự “xưng”?
Sau khi đoạn clip được đăng tải, vì không tưởng tượng được một người tự nhận mình là Giáo sư, Tiến sĩ lại có thể ăn nói “khó tin” như vậy nên nhiều người đã truy tìm và liên tục cập nhật lý lịch khoa học của vị Giáo sư, Tiến sĩ chửi bậy này. Nhiều thông tin cho rằng ông Phan Văn Hưng từng xuất hiện trên một tờ báo trong bài viết “Chàng trai học tới lớp 3... trở thành tiến sĩ”.
Được biết, đoạn clip trên được quay tại trung tâm du học Học Viện Kinh tế sáng tạo. Người áo hồng trong clip chửi học viên thậm tệ này chính là GS.TS Phan Văn Hưng sinh năm 1986 (chức danh ghi trên website của Trung tâm du học Học Viện Kinh tế sáng tạo). Điều này đã khiến dư luận càng tỏ ra băn khoăn hơn nhất là khi một người quá trẻ tuổi như ông Phan Văn Hưng mà lại có chức danh giáo sư, tiến sĩ.
Cụ thể, trên website của Học Viện Kinh tế sáng tạo có giới thiệu ông Phan Văn Hưng có trình độ học vấn: Tiến sĩ Kinh doanh, cử nhân Hàn Quốc học. Lĩnh vực nghiên cứu: Kinh tế học, Kinh tế thị trường, Kinh doanh học, Phát triển sản phẩm mới, Ngôn ngữ, Văn hóa, Lịch sử Hàn Quốc... Nơi đăng các công trình nghiên cứu: Hiệp hội thương mại Hàn Quốc, Phòng nghiên cứu kinh doanh đại học (ĐH) Soongsil, Seoul, Hàn Quốc. Nơi công tác hiện tại: Hiệu trưởng Học Viện Kinh tế sáng tạo, Giáo sư danh dự ĐH Southwest America (Hoa Kỳ), Chuyên viên nghiên cứu kinh tế thuộc ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.
Với hàng chức danh xưng, học hàm khoa học của ông Hưng, theo một chuyên gia trong Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước chia sẻ thì, ở nước ta có Giáo sư trẻ nhất là GS Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, ĐH Quốc gia TP.HCM vừa được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước trao chứng nhận đầu tháng 11/2016. Theo quy định ở Việt Nam, người có chức danh giáo sư phải được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn và sau đó được một trường đại học bổ nhiệm.
Được biết, Học viện Kinh tế sáng tạo thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần Kinh tế sáng tạo hoạt động với mã số thuế 0106932612 trụ sở số 1, N7A, đường Nguyễn Thị Thập, phường Nhân Chính, TP.Hà Nội. Như vậy rõ ràng đây chỉ là một công ty chứ không phải trường đào tạo hay học viện đào tạo như danh xưng “Học viện” gây nhầm lẫn kia.
Và điều đáng nói, với danh xưng GS.TS ĐH Southwest America, từ nhiều năm qua, đây là một trong số những trường ĐH đã bị liệt vào danh sách 21 trường đại học “ma” tại Mỹ. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận, thường được giới kiểm định chất lượng gọi tên bằng “trường đại học ma”.
Trường Đại học Southwest America từ lâu đã có tên trong danh mục 21 trường không được Chính phủ Mỹ công nhận là trường đại học, từng được Chính phủ Mỹ khuyến cáo các nước trên toàn thế giới tránh bị lừa vì có tình trạng mua bán bằng cấp bằng tràn lan.Với người Việt Nam, tên trường Đại học Southwest America (Hoa Kỳ) không có gì mới, trước đây một số quan chức đã dính nghi án mua bằng tiến sĩ “ma” tại trường đại học này.
Với chức danh GS, ông Hưng giải thích: “Khi ở Hàn Quốc, tôi thường xuyên được mời giảng dạy và từng dạy ở một số trường Đại học. Bên Hàn Quốc, tôi là giảng viên thì đương nhiên các sinh viên gọi tôi là Giáo sư. Do đó, khi về Việt Nam tôi nhận mình là Giáo sư hoàn toàn không sai cả về quy định pháp luật và không sai về mặt đạo đức nghề nghiệp. Thực tế, chức danh Giáo sư mà tôi nhận nó phải được hiểu theo ngôn ngữ của Hàn Quốc, chứ không thể hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam. Còn nếu hiểu theo ngôn ngữ tiếng Việt Nam, danh xưng Giáo sư của tôi thực chất là giảng viên Đại học. Còn chức danh Hiệu trưởng của tôi không do cá nhân hay tổ chức nào bổ nhiệm. Chức danh Hiệu trưởng của tôi do các học viên trong Học viện Kinh tế Sáng tạo vẫn thường gọi tôi như vậy” (?!).
Quay trở lại đoạn clip, trong câu chuyện tại trường Học viện Kinh tế Sáng tạo, dễ thấy, cả thầy và trò cùng tiếp cận với tâm thế của người bán-kẻ mua. Điều này cũng không quá lạ lẫm với môi trường giáo dục hiện tại. Và ít ra, cũng không phải là khía cạnh đáng để dư luận tranh cãi quá nhiều trong trường hợp này. Tuy nhiên, điều đáng nói, đây là môi trường giáo dục, ở đó chỉ có một con đường, mà những ai làm thầy đều phải biết gìn giữ, đó là “thầy ra thầy, trò ra trò” và đã làm thầy không ai được phép đi chệch khỏi “đường ray” đó. Không thể có kiểu “thầy” văng tục và lao lên bàn hăm dọa trò. Chưa nói tới chuyện tiền bạc giữa thầy và trò đã là điều vô cùng tế nhị. Cứ cho đây một cuộc thương thuyết giữa người mua, kẻ bán thì vẫn phải là sự tôn trọng từ hai phía. Và “thầy” muốn được tôn trọng thì không phải để học viên “đòi trả lại tiền” và có hành xử “kinh ngạc” tới vậy…