Hiện nay, tại các trường đại học có rất nhiều câu lạc bộ (CLB) sinh viên được thành lập, không chỉ tạo cơ hội học tập, sân chơi bổ ích cho những người có cùng sở thích, đam mê, mà còn ghi nhận bước tiến mới trong tư duy giới trẻ hiện đại. Điều thú vị là thủ lĩnh các CLB là những bạn tuổi đôi mươi, non nớt cả kiến thức lẫn vốn sống…
Nỗi buồn thủ lĩnh “nhí”
Ở tuổi 21, Nguyễn Thị Thanh Hoa (sinh viên năm 3, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở thành Tổng Biên tập kênh truyền hình sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Mặc dù được đánh giá là một người tài năng, có khả năng sắp xếp công việc một cách chi tiết và hợp lý cho tất cả mọi người nhưng khi ở vị trí lãnh đạo, nữ “thủ lĩnh” vẫn gặp không ít khó khăn.
Thanh Hoa chia sẻ: “Khi được đề cử vào vị trí lãnh đạo tôi rất quyết tâm. Nhưng sau thời gian đầu hoạt động, tôi lại cảm thấy tự ti và nghi ngờ vào khả năng bản thân bởi cái bóng của những người đi trước quá lớn. Hơn nữa, tôi gần như là thành viên trẻ tuổi nhất trong CLB nên khi lãnh đạo mất đi cái “uy”. Suốt một thời gian dài, ý kiến chỉ đạo của tôi không được tôn trọng, luôn vấp phải sự phản đối của mọi người. Đã có lúc quá căng thẳng và mệt mỏi, tôi muốn xin từ chức”.
Lê Đình Vượng (sinh năm 1994, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương) – Chủ tịch CLB bất động sản gặp những khó khăn tương tự. Vượng được mọi người đánh giá là ngoài “cái đầu” khoa học và sự nhiệt huyết thì mọi thứ khác đều không đáp ứng được yêu cầu của một “thủ lĩnh”, đơn giản bởi dáng vẻ của cậu quá trẻ, quá “nhí”.
“Bản thân ngành bất động sản đã khô khan, nên khi đứng ở vị trí lãnh đạo, tôi muốn tạo ra một không khí thật sôi động cho CLB. Nhưng không ngờ mọi nỗ lực đều không đạt hiệu quả chỉ bởi thân hình tôi quá nhỏ bé, khuôn mặt non nớt không đủ tiêu chuẩn lãnh đạo các thành viên. Mọi nỗ lực kết nối của tôi đều thất bại, kéo theo đó là sự trì trệ của CLB. Cho đến ngày tôi tìm được cách khắc phục thì mọi chuyện mới khác” - Vượng tâm sự.
Dù từng ở vị trí lãnh đạo cao nhất trong Tổ chức sinh viên quốc tế (AIESEC) tại Hà Nội, là sinh viên Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào ban điều hành của Tổ chức sinh viên toàn cầu, hoạt động tại Hà Lan, nhưng chị Nguyễn Thùy Dương (sinh năm 1990, cựu sinh viên Đại học Hà Nội) vẫn không tránh khỏi những vấp ngã trên con đường lãnh đạo của mình. Theo Thùy Dương, dù là “thủ lĩnh” nhưng vì không dám đưa ra ý kiến cá nhân do sợ bị đánh giá nên vai trò người “thủ lĩnh” nhạt dần và trở thành “người ngoài” trong chính tổ chức mình đang lãnh đạo.
3 bước đi trong đôi giày của người khác
Bởi thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên trên con đường lãnh đạo, các thủ lĩnh trẻ gặp rất nhiều khó khăn từ khâu tổ chức nhân sự, kết nối các thành viên, đề xuất, tập hợp ý tưởng đến việc triển khai… Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia cho rằng, chính các bạn trẻ mới là những người có tố chất và xứng đáng với vị trí lãnh đạo nhất bởi họ có một trái tim nóng và bầu nhiệt huyết căng tràn.
Chị Nguyễn Hoài Thương - Trợ lý Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, người đã nhiều năm đóng vai trò “thủ lĩnh” trong các CLB sinh viên, chia sẻ: “Vốn liếng lớn nhất của các “thủ lĩnh” sinh viên chính là sự nhiệt tình, năng nổ và tư duy tốt. Họ luôn giải quyết những khó khăn bằng cách tự hoàn thiện mình chứ không phải bằng cách tìm ra lỗi của người khác. Hơn nữa, với riêng các CLB sinh viên, nếu không phải là chính các bạn sinh viên lãnh đạo thì không ai làm được”.
Lý giải những khó khăn chung mà các “thủ lĩnh” trẻ gặp phải, chị Thương cho rằng, các bạn sinh viên đều là những người nhiệt huyết, tài giỏi và đặc biệt là có cái “tôi” rất lớn nên đôi khi họ bảo vệ ý kiến của mình đến mức bảo thủ. Hơn nữa, nhiều thành viên cho rằng, người “thủ lĩnh” cũng như mình, đôi khi ý kiến và sự chỉ đạo của họ chưa phải là đúng đắn nên luôn tìm cách phủ nhận và bác bỏ. Theo chị Thương, để trở thành một “thủ lĩnh” tốt, ngoài những tố chất bẩm sinh như năng nổ, kiên định, các nhà lãnh đạo trẻ luôn phải trau dồi, tích lũy kiến thức chuyên môn cũng như khả năng “cầm đầu” của mình. Trong đó, 4 kĩ năng cần thiết là: kết nối con người, mở rộng quan hệ, giải quyết xung đột và xác định trọng tâm.
Trong suốt quá trình lãnh đạo của mình, chị Nguyễn Thùy Dương, Quản lý phát triển đối tác toàn cầu – AIESEC luôn tâm niệm: “Hãy đặt mình vào vị trí của người khác. Nó cũng giống như 3 bước đi một đôi giày của người khác. Bước thứ nhất là phải cởi giày ra – nghĩa là từ bỏ tất cả những suy nghĩ chủ quan, bảo thủ của mình. Bước thứ hai là đi đôi giày kia vào – nghĩa là phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác một cách thiện chí. Và bước thứ ba là đi và cảm nhận - nghĩa là lúc này mới đánh giá xem ý kiến của người khác có đúng không rồi đưa ra ý kiến của riêng mình. Khi người “thủ lĩnh” có nhiều mối quan hệ mới thì tổ chức của họ sẽ hoạt động tốt”.