Đối phó với kẻ giật điện thoại và thoát hiểm từ nhà cao tầng
Đang “nóng” nhất trên mạng xã hội thời điểm này là clip hướng dẫn cách xử lý khi bị giật điện thoại di động. Clip được chia sẻ trên website của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM do võ sư Lê Hoàng Mai - Trưởng Bộ môn Aikido của Cung Văn hoá Lao động hướng dẫn.
Theo võ sư Lê Hoàng Mai, tốt nhất là không nên sử dụng điện thoại ngoài đường, nhưng có những trường hợp bất đắc dĩ phải nghe thì nên tấp vào lề đường, và kĩ năng mà mỗi người sử dụng điện thoại ngoài đường cần lưu ý như sau: cố định điện thoại bằng ngón tay đặt phía trên để “chốt” điện thoại lại; khi bị giật điện thoại thì không nên gồng, giằng điện thoại lại mà nên xuôi tay hạ theo chiều bị giật để kẻ cướp mất thế và tiện đà khoá tay kẻ cướp.
Với cách hướng dẫn dễ hiểu cùng với những tình huống được đóng giả định khá trực quan sinh động, clip khiến người xem có thể hình dung ngay cách ứng phó với tình huống bất ngờ bị giật điện thoại.
Những năm gần đây, cướp giật đã trở thành một “vấn nạn” ở nhiều đô thị lớn. Trong đó, điện thoại di động, vật dụng được sử dụng thường xuyên và có giá trị rất dễ vào “tầm ngắm” của những kẻ cướp ngoài đường phố.
Chính vì thế, clip nói trên với những “chiêu” có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả cao, không cần người có võ vẫn sử dụng được đã thu hút đông đảo người xem, đến nay, con số đã lên đến trên 5 triệu lượt view, một con số mà nhiều người làm phim ngắn, clip giải trí mơ ước.
Một clip hướng dẫn kĩ năng khác cũng được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội thời gian qua là đoạn phim chiến sĩ công an dạy người dân cách thoát hiểm bằng dây thừng khi gặp sự cố tại toà nhà cao tầng. Đoạn clip dài 5 phút, trong đó một anh cảnh sát khu vực đang hướng dẫn người dân chung quanh cách sử dụng dây thừng để thoát hiểm khỏi toà nhà cao tầng.
Chỉ dùng một đoạn dây thừng dài, anh cảnh sát đã giúp người dân nắm được kĩ năng đơn giản và an toàn để bảo về tính mạng khi gặp sự cố. Hơn thế nữa, cách hướng dẫn dễ hiểu, hài hước và gần gũi của anh cảnh sát khiến người xem tiếp thu rất dễ dàng.
Đoạn clip nói trên được khen ngợi nhiều trên mạng xã hội, không chỉ bởi tính hiệu quả trong tuyên truyền kĩ năng thoát hiểm mà còn bởi thái độ, cách hướng dẫn gần gũi, đáng mến của người cảnh sát đã gây ấn tượng về hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng người dân.
Một hướng làm hiệu quả
Ngoài hai clip hướng dẫn kĩ năng ứng phó sự cố nói trên, rải rác trong vài năm gần đây cũng có vài clip hướng dẫn kĩ năng như hướng dẫn tự vệ khi bất ngờ bị tấn công; kĩ năng lái xe an toàn, thay bánh xe khi bể lốp, xử lý tai nạn đuối nước… nhưng số này còn quá ít ỏi và chưa có sự đầu tư kĩ càng so với nhu cầu của người dân.
Hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà các phương thức tuyên truyền khác chưa đạt hiệu quả cao, đồng thời nhiều kĩ năng sống cho trẻ em, thanh niên, người lớn vẫn còn bỏ ngỏ như: dạy con cách ứng phó với người lạ, hướng dẫn cách đối phó với kẻ lừa đảo, cấp cứu người gặp nạn…
Ở thời điểm này, clip đang là loại hình được ưa chuộng và dễ tiếp cận nhất. Chính vì thế, nên chăng các hội đoàn thể, các nhà quản lý cân nhắc đến một hướng tuyên truyền mới thiết thực, hiệu quả hơn? Hiện nay, phần lớn các clip đang lưu hành rộng rãi trên mạng là những clip ngắn có nội dung sến sẩm từ các bộ phim ngôn tình, clip hài chế, hay tấu hài.
Phổ biến nhất là clip ghi lại các tình huống ngây ngô, gây cười hay những trò hù doạ người khác. Rất nhiều trong số này là thú giải trí rẻ tiền, câu view, phản cảm, khiến người xem vì tò mò mà click vào chứ không mang lại giá trị hữu ích nào.
Chính vì thế, việc sử dụng một hình thức giải trí được ưa chuộng để làm phương tiện tuyên truyền mới chắc chắn sẽ tạo được những hiệu ứng tốt, mang lại lợi ích nhiều cho cộng đồng hơn là lấy tiếng cười hay nước mắt một cách dễ dãi…