Đùn đẩy
Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam liên tiếp nhận được phản ánh từ bạn đọc về bến đò Vân Nam chạy bằng chiếc phà quá cũ từ bờ phía huyện Phúc Thọ (Hà Nội) sang huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) luôn rình rập nguy cơ tai nạn vì phải gồng mình “cõng” xe tải, xe máy, người và hàng hóa.
Một người dân xã Vân Nam cho biết, bến đò này hoạt động liên tục suốt nhiều năm qua vì từ huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đi qua bến đò sang các xã của huyện Phúc Thọ hoặc về trung tâm Thủ đô sẽ rất gần. Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, bến đò dù có được cấp phép cũng chỉ chở người, xe máy, xe thô sơ; tuyệt nhiên không được phép chở ô tô, nhất là với ô tô tải chở hàng hóa cồng kềnh. Nhưng do đây là đoạn đường tắt, giảm được chi phí xăng dầu nên hàng ngày ô tô vẫn nối đuôi nhau qua sông.
Vụ tai nạn xảy ra ngày 8/10/2012 người dân nơi đây vẫn chưa thể quên. Khi đó, lái xe Phan Văn Đắc (ngụ xã Liên Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cho xe qua phà đã rơi xuống sông, anh Đắc tử vong. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện bến đò hoạt động “chui”. Bến đò từng bị đình chỉ từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động dù chỉ cách trụ sở UBND xã Vân Nam mấy trăm mét.
Một tài xế xe tải cho biết, mỗi lần qua phà phải trả 80 nghìn đồng/lượt, xe tải nhỏ, xe du lịch 60 nghìn/lượt, xe máy 10 nghìn/lượt và chỉ khi nào phà không còn chỗ chứa mới qua sông. Trên phà không hề có phao cứu hộ, chỉ cần sơ suất hoặc xảy ra sự cố nhỏ thì hàng chục mạng người, chưa nói gì đến tài sản, sẽ thành mồi cho hà bá là đương nhiên.
Ông Đặng Duy Sen, Chủ tịch xã Hồng Châu cho biết, gọi là bến đò nhưng thực chất phần bờ phía xã Hồng Châu vẫn là đất của xã Vân Nam. Do vậy, xã Hồng Châu không có thẩm quyền kiểm tra?
Ông Hoàng Văn Long - Phó Chủ tịch xã Vân Nam thừa nhận bến đò Vân Nam hoạt động không phép từ năm 2000, và vì hoạt động “chui” nên khi kiểm tra họ lại cho đò chạy ra giữa sông, xã không có phương tiện để truy đuổi. Xã cũng đã báo cáo huyện nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa dẹp được.
Theo chúng tôi, cách trả lời của ông Sen, ông Long rõ ràng thể hiện sự đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm ngơ của chính quyền hai xã, nên bến đò mới ngang nhiên hoạt động như vậy.
Được biết, mới đây Công ty CPTM Vân Phúc mới có giấy phép hoạt động bến khách ngang sông do Sở GTVT Hà Nội cấp có thời hạn từ 23/9/2014 đến 31/12/2014. Và chỉ được phép chở không quá 35 hành khách và 10 tấn hàng, loại phương tiện đường bộ lớn nhất được chở là xe mô tô. Tuy thế, bất chấp quy định, hàng ngày bến đò vẫn chở ô tô, kể cả ô tô tải chở hàng hóa.
Tai nạn chết người sao không khởi tố?
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra năm 2012 khiến tài xế Phan Văn Đắc tử vong, nhưng sự việc lại được chủ bến đò giải quyết êm thấm ngay trong buổi chiều cùng ngày và đến nay dường như rơi vào quên lãng.
Theo chị Trần Thị Thạch, vợ nạn nhân Phan Văn Đắc, nếu hôm xảy ra tai nạn chị không có việc bận ở nhà chắc chị cũng đã “đi” theo chồng vì hàng ngày hai vợ chồng đều đi cùng trên xe để chở hàng.
Nói về tai nạn, anh Trần Văn Ngọc (anh vợ anh Đắc) cho biết, nhận được tin gia đình đến ngay và đưa thi thể Đắc về chiều hôm đó để lo mai táng. Trong lúc tang gia bối rối, gia đình không tìm hiểu nạn nhân chết như thế nào, mọi chi phí mai táng đều do phía chủ đò bỏ tiền và họ giải quyết tình cảm cho gia đình 100 triệu đồng. Đến giờ gia đình cũng không biết ai là chủ đò và chỉ nghe nói tên là Xuân. Cũng từ đó, không thấy họ liên lạc gì với gia đình nữa.
“Sau khi xe được trục vớt, Công an huyện Phúc Thọ đã đưa xe về trụ sở. Sau khoảng một tuần họ gọi gia đình sang đưa xe về. Tôi là người đi lấy xe và phải nộp cho công an 2,5 triệu đồng. Vụ việc sau đó được giải quyết như thế nào, chủ đò bị xử lý ra sao, gia đình chúng tôi không được biết. Chỉ biết rằng từ đó đến nay không thấy công an đến làm việc nữa”, anh Ngọc cho biết.
Theo ông Bùi Xuân Trường, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ, vụ việc chìm đò cách đây 2 năm ông không trực tiếp điều tra mà do lãnh đạo trước điều tra, vì thế ông không cung cấp được tài liệu gì...