Ước mơ giản đơn
Vũ Xuân Việt là một chuyên viên Cứu trợ về Nước sạch – Vệ sinh của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF). Trong hành trình công tác, anh có dịp đi thực địa tại 3 huyện: Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trong chuyến đi này, anh đã thăm hộ anh Nguyễn Văn Linh, 40 tuổi, ấp Tân Phong 2, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre. Thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng anh Linh phải gồng mình khắc phục những ảnh hưởng của hạn, của mặn.
Đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử năm 2015-2016 đã khiến anh chị gần như trắng tay trên một công đất trồng lúa của ông bà để lại. Thất bát vụ mùa do hạn mặn, anh phải chăm chỉ đánh lưới, giăng câu nhiều hơn. Công việc đánh bắt cá trên dòng sông Hậu mỗi ngày mỗi khó. Thuyền thường xuyên mắc cạn do mực nước thấp hơn cùng thời điểm này những năm trước. Lũ không về, nguồn sinh kế chính của vợ chồng anh và 2 con nhỏ trở nên bấp bênh hơn…
Tháng 12/2016, lần đầu tiên diễn ra hội nghị quốc gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm để thảo luận về cách thức để cộng đồng có thể chuẩn bị và trang bị tốt hơn trong việc bảo vệ và đáp ứng các yêu cầu của trẻ em khi có thiên tai. Thông điệp tại hội nghị cho thấy, trẻ em Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ bị tổn thương nhiều mặt cũng như sự bất bình đẳng các em đang phải gánh chịu. Thiên tai kéo dài như hạn hán và xâm nhập mặn đã để lại hậu quả lâu dài cho phúc lợi trẻ em trong các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội.
Năm 2020, tại các tỉnh miền Trung, các cơn bão liên tiếp đã gây thiệt hại lớn cho mạng lưới nước sinh hoạt, các công trình vệ sinh, trường học, trạm y tế, nhà ở và cơ sở hạ tầng cấp xã. Hơn 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh do không được tiếp cận với nước uống và môi trường không hợp vệ sinh. Nhiều trung tâm y tế đã bị phá hủy khiến phụ nữ và trẻ em không được chăm sóc sức khỏe cơ bản và phòng bệnh trong thời điểm nguy cơ bệnh truyền nhiễm gia tăng. Việc chăm sóc sức khỏe định kỳ như tiêm chủng và tư vấn dinh dưỡng trẻ em cũng bị gián đoạn. Nhiều trường học trên toàn bộ khu vực miền Trung đã bị thiệt hại nặng nề và phải đóng cửa khiến học sinh không được đến trường…
Sức khỏe môi trường cho sức khỏe trẻ em
Luật Trẻ em năm 2016 của Việt Nam quy định quyền thứ 20 của các công dân tương lai là “quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang”, theo đó, trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng UNICEF Việt Nam đồng thực hiện báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em để phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chính sách khác liên quan tới biến đối khí hậu với một phương thức tiếp cận thân thiện hơn với trẻ em.
Theo bản báo cáo, có 6 nhân tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe môi trường mà dù riêng lẻ hay kết hợp thì đều có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe và sự phát triển của mọi trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nặng nề nhất trên thế giới từ tình trạng biến đổi khí hậu. Một số khu vực ở Việt Nam chịu tác động từ sự biến đổi khí hậu nhiều hơn các khu vực khác, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, khu vực hay xảy ra hạn hán và khu vực thành thị. Do đó, trẻ em bị tác động mạnh bởi tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNICEF Việt Nam cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề môi trường nhằm hạn chế tối đa sự tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.
Đáng chú ý là đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam đã công nhận tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước biến đổi khí hậu. Các mục tiêu phát triển bền vững mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang phấn đấu thực hiện, có liên quan đến Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, liên quan tới các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, sức khỏe và giáo dục. Việc đạt được các mục tiêu sẽ là một đóng góp lớn hướng tới việc thực hiện các quyền trẻ em.
Kể từ khi ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002, Việt Nam đã có những hành động tích cực về vấn đề biến đổi khí hậu với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tiên về biến đổi khí hậu vào năm 2008. Kể từ đó, hai chiến lược - Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (NSCC) và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (NSGG) - đã được xây dựng; ba bộ luật đã được ban hành, nhiều chương trình và văn bản chính sách đã được thực hiện…
Từ năm 2020 đến nay, trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đại dịch, chủ đề của Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 trên toàn thế giới được lựa chọn là “Một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em” nhằm kêu gọi xã hội ủng hộ, tôn vinh và thúc đẩy quyền trẻ em để đảm bảo tương lai của mọi trẻ em.
Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay cũng được Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” (Only One Earth) nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn cho tất cả mọi người, trong đó có trẻ em.
Đưa tuổi thơ của trẻ em trở lại đúng quỹ đạo
Đó là thông điệp mà bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF Việt Nam đưa ra tại Lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em năm 2022 mới đây. Theo bà Rana Flowers, UNICEF ước tính cứ 5 trẻ em ở Việt Nam thì có 1 em có nguy cơ nghèo đa chiều. Điều này càng nghiêm trọng hơn ở vùng nông thôn và ở trẻ em thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số. Do đó, chúng ta phải cùng nhau hành động để giải quyết tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến trẻ em: sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, biến đổi khí hậu, bạo lực, lạm dụng… bởi vì mọi khía cạnh cuộc sống của các em đều đang bị ảnh hưởng. Điều cấp bách trước hết là chúng ta phải tập trung đầu tư cho những trẻ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Điều này sẽ đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của nỗ lực tập thể và cá nhân: từ Chính phủ, cộng đồng, gia đình, khu vực tư nhân, các đối tác quốc tế và từ mỗi người.