Hai năm sau, Công an huyện Bình Chánh kết luận điều tra cho rằng chị có tội và Viện KSND huyện Bình Chánh truy tố chị. 5 lần đưa ra xét xử và 2 lần Tòa án trả hồ sơ vì không đủ chứng cứ nhưng Viện KSND vẫn bảo lưu ý kiến và truy tố đến cùng. Cho đến cuối năm 2018, Công an Bình Chánh mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can vì “đã hết thời hạn mà không chứng minh được hành vi phạm tội”.
Rất đáng lưu ý trong vụ án này là nữ công nhân kêu oan ngay từ đầu và trong cả quá trình điều tra nhưng không ai nghe cả. Sự vào cuộc quyết liệt của báo chí cùng với sự tận tâm của các luật sư đồng hành cùng người bị oan trái mới có kết quả như ngày hôm nay.
Được minh oan nhưng nữ công nhân này đã trải qua những tháng ngày vô cùng khổ sở và ba cô đã mất trước khi con gái mình được trả lại danh dự, đó là điều đau khổ nhất đối với cô. Còn những người gây ra sự oan trái đó thì dửng dưng: “Tôi chỉ biết làm theo pháp luật thôi!”.
Đó là vụ án đã khép lại, mới đây xuất hiện một vụ án khác tại Tân Uyên (Bình Dương), Công an đã điều tra bổ sung và đề nghị truy tố 3 người “đến nhà người khác và làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt nghỉ ngơi của gia chủ 20 phút” với tội danh “Xâm phạm chỗ ở người khác”. 3 người này bị chủ nhà lừa bán cùng mảnh đất cho nhiều người và họ chỉ đến hỏi cho ra nhẽ. Bà chủ nhà gọi báo Công an và họ bị bắt giam 10 ngày và bây giờ thì bị đề nghị truy tố.
Cái sự trái khoáy không thể tin được là kẻ lừa đảo nhiều người lại được bảo vệ, coi đó là “giao dịch dân sự” còn những người trung thực, đã mất tiền đến nhà gặp gỡ một cách ôn hòa lại bị quy chụp là tội phạm hình sự.
Một vụ án oan sai đã manh nha và hình thành như thế, do sự sử dụng quyền lực bảo vệ pháp luật theo kiểu “tát cạn, bắt lấy”! Hành xử theo kiểu này liệu có phải bảo vệ pháp luật!