Một trong những nguyên nhân giảm số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) như trên là chủ trương BHYT theo hộ gia đình chưa thu hút được sự tham gia của người dân. Vì thế, một loạt biện pháp đã được đưa ra nhằm cải thiện tình trạng này.
Tại sao chưa nhiều hộ dân hưởng ứng?
Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cho biết, đến 31/3/2015, số đối tượng tham gia BHYT là 63.157.544 người, giảm 1,4 triệu người so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXHVN, nếu so với cùng kỳ quý I/2014 thì số đối tượng tham gia BHYT tăng 2.315.893 người (quý 1/2014 có 60.841.651 người tham gia).
Việc dừng tham gia BHYT của 1,4 triệu người nêu trên là một đột biến nhưng không bất thường. Theo BHXHVN, nguyên nhân chính là do số đối tượng thoát nghèo thời gian qua tăng, ngân sách nhà nước không hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này nữa nên tạo ra một “khoảng trống” trong danh sách các đối tượng tham gia BHYT. Riêng tỉnh Cao Bằng năm 2015 có 38 nghìn hộ thoát nghèo nên từ 95% dân số tham gia BHYT giảm xuống còn 91,3%. Hay như tỉnh Hà Tĩnh cũng giảm từ 70% dân số tham gia BHYT xuống còn 66% do giảm 102 nghìn hộ nghèo... Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế - xã hội vẫn khó khăn, nhiều doanh nghiệp cuối năm khi tăng tiến độ sản xuất thì sử dụng lao động nhiều, đến đầu năm 2015 khi vào mùa tết, lễ hội thì cắt giảm lao động do chưa có nhu cầu.
Một nguyên nhân khác được cả BHXHVN và Bộ Y tế nhìn nhận là khó khăn bước đầu trong triển khai BHYT theo hộ gia đình. Theo báo cáo nhanh của BHXH các tỉnh đến 31/3/2015, số đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là 7,7 triệu người, tăng 2,9% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai tham gia BHYT theo hộ gia đình, người dân vẫn còn phàn nàn, thắc mắc. Một phần do nhiều hộ gia đình chưa nắm rõ quy định mới, ngoài ra, người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT.
Trong khi đó, công tác thực hiện quy định của pháp luật về cư trú, tạm trú chưa nghiêm túc, còn nhiều hộ gia đình có thành viên đi làm ăn xa hoặc đi nước ngoài không thực hiện khai báo tạm vắng tại nơi cư trú. Do vậy, khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình khó chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT, nhất là với những trường hợp không có nhu cầu mua thẻ BHYT tại nơi cư trú nhưng không có cơ sở loại trừ khỏi diện tham gia BHYT theo hộ gia đình do cơ quan công an không xác nhận tạm vắng.
Trên thực tế, việc lập danh sách theo hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn do UBND xã, phường chưa xác định được đây là nhiệm vụ bắt buộc UBND xã, phường phải lập, đồng thời hướng dẫn chưa cụ thể cho việc bố trí được cán bộ thực hiện… Công tác tuyên truyền chưa thấm đến tận người dân, nhiều người chưa hiểu rõ về chính sách BHYT nên còn có ý kiến phản hồi, thắc mắc.
Cải cách hành chính để “hút” người tham gia
Để thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ 75% dân số tham gia BHYT năm 2015 và giải quyết vướng mắc nêu trên, trong Hội nghị giao ban 5 tháng đầu năm 2015 giữa Bộ Y tế và BHXHVN vừa diễn ra cách đây vài ngày, Bộ Y tế và BHXHVN đã đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai BHYT theo hộ gia đình. Trong đó, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn; tập trung tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng (cận nghèo, nông dân có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên). Các địa phương phải tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, nắm thông tin hàng tháng về nhóm tham gia theo hộ gia đình, hộ cận nghèo và lao động trong các khối doanh nghiệp...
Một nhiệm vụ được đặt ra là các cơ quan hữu trách nghiên cứu sửa đổi Công văn số 777/BHXH-BT ngày 22/3/2015 của BHXHVN hướng dẫn một số nội dung thu BHYT theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, bỏ quy định hộ gia đình phải xuất trình bản phô tô giấy tạm vắng, giấy ly hôn…; đồng thời sớm hoàn thiện mẫu lập danh sách và tập huấn cho đại lý, người làm công tác lập danh sách BHYT theo hộ gia đình; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đối tượng cán bộ xã phường, đại lý BHYT để thống nhất cách hiểu văn bản, thống nhất trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn chi tiết cho người dân nơi mua BHYT, các thủ tục để kê khai, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com