Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Quỹ kết dư lớn mà chưa mừng
Lần đầu tiên từ chỗ bội chi, đến năm 2012 Quỹ BHYT đã có kết dư lũy kế gần 13.000 tỷ đồng, nhưng lại chưa được phân bổ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng, gây khó khăn cho địa phương, nhất là khi số kết dư của Quỹ BHYT chủ yếu là ở các tỉnh miền núi, còn các TP lớn thì đa số là bội chi quỹ. Vì thế, Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: “Việc sử dụng phần kết dư này đang có một nghịch lý không thể chấp nhận được khi người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám bệnh cho người giàu”.
Cùng nhận xét trên, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị sau khi cân đối, thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT thì số kết dư này cần đầu tư trở lại cho các tỉnh có kết dư để tổ chức cung ứng dịch vụ và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.
Một yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của Quỹ BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) “điểm mặt” là tình trạng quá tải ở các bệnh viện do khám trái tuyến, vượt tuyến ngày càng tăng (từ 3 triệu lượt năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở y tế tuyến dưới bị vượt quỹ định suất hàng năm vì phải sử dụng 50 - 70% quỹ khám, chữa bệnh BHYT để chi trả cho khám trái tuyến, vượt tuyến trong khi không thể kiểm soát được phần chi phí này.
Tăng đầu tư cho y tế để bảo vệ chính sách BHYT
Dù tình hình Quỹ BHYT có nhiều khả quan song một vấn đề cũng khiến các ĐBQH không hài lòng vì BHYT vẫn chưa đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT. “Một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, thuốc đặc trị chưa được đưa vào danh mục thanh toán của BHYT nên người bệnh dù có thẻ BHYT vẫn phải thanh toán khoản chênh lệch này” như phản ánh của ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc). Vì thế, BHYT chưa “giảm chi từ tiền túi người bệnh và gói quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT”, chưa tạo được sức thu hút để người dân chủ động và tự nguyện tham gia BHYT.
Do đó, một số ĐBQH đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên vốn ngân sách đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng điều trị, tăng cường xã hội hóa y tế, đa dạng các hình thức khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, đẩy mạnh việc nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở, đặc biệt quan tâm miền núi, vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện đảm bảo đối tượng tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã, phường thuận tiện, có chất lượng nhằm giảm tải cho tuyến trên và cũng là giải pháp để đảm bảo sự an toàn của Quỹ BHYT...