Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tuy nhiên, trước đây do pháp luật chưa quy định rạch ròi về thẩm quyền giải quyết dẫn đến việc các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến người dân cứ “ngác ngơ” đi lại để tìm cha, tìm mẹ, nhận con.
Dân bảo không tranh chấp, cơ quan công quyền bảo có
Vụ án người đàn ông Việt kiều sinh sống tại Canada tên S. đệ đơn kiện để đòi con tại Tòa án nhân dân TP.HCM năm 2009 là một trong những ví dụ rất tiêu biểu về chuyện người dân hoang mang trước các cơ quan thẩm quyền trong việc rạch ròi thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ, con.
Trong một chuyến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long năm 2003, anh S và người phụ nữ - mẹ đứa con của anh - quen, cảm mến và quyết định chung sống với nhau. Hai người quyết định kết hôn và khi mọi thủ tục giấy tờ đã gần hoàn thành thì anh S. đột ngột đổi ý, bỏ lại người tình với cái thai trong bụng và bay về Canada.
Người tình của anh S, sau quyết định đột ngột này của anh đã vượt qua mọi đau khổ, gièm pha vẫn quyết định sinh và nuôi con một mình. Như nhiều người phụ nữ khác, chị cũng mong một ngày nào đó anh S. sẽ nghĩ lại và quay về nhận con, cho đứa trẻ một cái tên cha trong giấy khai sinh. Thậm chí chị đã cùng con lặn lội sang tận Canada để thuyết phục, nhưng anh S. vẫn một mực từ chối.
Bỗng dưng tháng 2/2009, chị nhận được điện thoại của anh S. báo rằng anh chuẩn bị kiện chị ra tòa để đòi con vì chị có biểu hiện gây khó khăn cho anh trong việc gặp gỡ, chăm sóc và thực hiện nghĩa vụ làm cha, có hành vi cản trở việc xác định cha cho con.
Chị những tưởng anh nói đùa vì chính chị mới là người tha thiết mong anh S. nhận con thì cớ gì mà chị cấm đoán đến mức anh phải kiện đòi con. Nào ngờ 3 tháng sau, chị nhận được giấy triệu tập của TAND TP.HCM với tư cách là bị đơn trong vụ án xác định cha cho con.
Khỏi nói cũng biết chị ngạc nhiên đến mức nào và tiếp sau đó là tức giận. Cũng phải thôi, khi đã từ lâu chị vẫn muốn con trai mình chính thức mang họ cha. Bằng chứng là chị đã bỏ nhiều tiền bạc, công sức sang tận Canada để yêu cầu anh S. nhận con.
Vì thế, trước tòa chị khẳng định không hề cản trở anh S. nhận con, ngược lại hoàn toàn đồng ý việc xác nhận cha cho con trai. Chị yêu cầu tòa đình chỉ vụ án này để chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp giải quyết. Vì theo quy định của pháp luật, nếu hai bên không có tranh chấp trong việc xác nhận cha, mẹ, con thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, phía anh S. không đồng tình và tiếp tục yêu cầu tòa giám định ADN. Tháng 10/2009, tòa ra quyết định trưng cầu giám định ADN của đứa con trai khiến mẹ đứa trẻ rất tức giận và cho rằng mình là nạn nhân của việc cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Vì luật chưa quy định rạch ròi
Cuộc sống là thiên biến vạn hóa và những câu chuyện liên quan đến hôn nhân gia đình cũng vậy. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp những đứa trẻ sinh ra, vì một lý do nào đó đã được đăng ký khai sinh không đúng cha đẻ, mẹ đẻ. Nguyên nhân có thể do người mẹ giận người cha ruồng rẫy, vô trách nhiệm nên đã nhờ người đàn ông khác đứng ra nhận con để khai sinh con có họ tên cha; người phụ nữ lỡ lầm, sinh con ngoài giá thú nên nhờ anh chị hoặc bạn bè đứng ra nhận con làm khai sinh; cô gái lỡ có thai với người mình yêu nhưng anh này “quất ngựa truy phong” bỏ lại người tình và đứa con trong bụng...
Luật sư Huỳnh Minh Vũ cho biết, thực tiễn hành nghề luật sư ông đã gặp nhiều trường hợp giữa cơ quan hộ tịch và tòa án có sự đùn đẩy qua lại về thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ cho con do pháp luật chưa quy định rạch ròi về thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ cho con. Quan điểm của cơ quan hộ tịch là cứ đủ điều kiện các bên còn sống, tự nguyện và không có tranh chấp, thì thuộc thẩm quyền của ủy ban, còn nếu có yếu tố tranh chấp thì thuộc thẩm quyền của tòa án.
Điều đáng nói là “yếu tố tranh chấp” được cơ quan hộ tịch xác định rất rộng: ngay cả khi các bên không có tranh chấp, nhưng vì khai sinh con đã có họ tên cha, mẹ rồi thì cũng được xem như là có tranh chấp để yêu cầu người dân sang tòa.
Trong khi đó, tòa án lại căn cứ vào quy định của pháp luật về tố tụng dân sự “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con” mới thuộc thẩm quyền của tòa. Nếu trong đơn trình bày mà tòa án thấy không có yếu tố tranh chấp, tòa sẽ từ chối nhận đơn và chỉ ngược lại về ủy ban.
Quay trở lại với vụ án của anh S. kiện đòi con, việc tòa án thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện là đúng thẩm quyền. Vì, dù người mẹ cho rằng mình không cản trở, không tranh chấp về con cái nhưng hai bên vẫn không thống nhất được việc làm thủ tục. Do đó, tòa vẫn phải tiếp tục xử lý vụ án, cho trưng cầu giám định ADN.
Sở Tư pháp chỉ có thể giải quyết trong trường hợp người mẹ và anh S. cùng thống nhất với nhau là nộp hồ sơ qua Sở để làm thủ tục xác nhận cha cho con. Nhưng không phải trường hợp nào cũng có căn cứ rõ ràng để giải quyết được như vậy.
“Thực tế như vậy, đã phát sinh chuyện nực cười là để được tòa án thụ lý giải quyết, trong nhiều vụ việc các luật sư “khó ló khôn” nghĩ cách hướng dẫn đương sự làm đơn theo hướng giả tranh chấp” – Luật sư Huỳnh Minh Vũ cho biết.
Ngày 1/1/2015, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực. Liên quan đến quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con, Điều 101 của Luật quy định: “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp có tranh chấp…”.
Thế nào là "có tranh chấp", đó vẫn là vấn đề sẽ khiến nhiều người dân “ngác ngơ” trước sự đùn đẩy qua lại của cơ quan có thẩm quyền./.