Bị “mưa đá văn hóa” dội xuống đầu
Mới đây, trong một phóng sự về văn hóa lễ hội được phát sóng trên truyền hình, việc nhà báo K.T xuất hiện trên màn hình khiến một số cư dân mạng bức xúc và “ném đá”. Những tưởng việc “trót dại” “cầm nhầm đồ” ở siêu thị các nước Thụy Điển và Anh hơn 10 năm trước của K.T rơi vào quên lãng thì nay lại “nóng hổi” trở lại. Nhiều cư dân mạng cho rằng, sau khi bị bắt khi ăn cắp đồ, K.T “trắng án”, không bị ngồi tù bởi có giấy của bác sỹ xác nhận K.T bị bệnh tâm thần từ Việt Nam gửi sang.
Vậy, người bị bệnh tâm thần tại sao vẫn được lên sóng quốc gia, nhất là hành động “cầm nhầm đồ” ở siêu thị lại càng không có tư cách để rao giảng chuyện nét đẹp văn hóa. Một số cư dân mạng đưa ra câu hỏi: “K.T bị tâm thần hay kẻ cắp?”.
“Hình ảnh cô K.T không thể bôi xóa được trong hồ sơ của cảnh sát Thụy Điển, Anh quốc, và nó đã được phơi ra cho nhân dân nước họ biết rồi. Họ sẽ nghĩ gì, khi ở Việt Nam, kẻ cắp lên mặt dạy đạo đức người lương thiện?” hay “Không hiểu VTV thiếu gì người trẻ, đẹp, giỏi hơn K.T, vì sao cứ phải để cho cô này xuất hiện trên màn ảnh?” - Đó là những bình luận của một số dân mạng, thậm chí họ còn “tặng” K.T nhiều lời cay nghiệt, miệt thị hơn.
Không chỉ riêng K.T còn có rất nhiều người khác là nạn nhân của “trào lưu ném đá” trên mạng. Còn nhớ, “trận mưa đá” khủng khiếp đang trút xuống đầu MC T.B.L vẫn không làm thỏa mãn cơn giận của công chúng, có ý kiến yêu cầu dừng “60 phút mở”.
Tương tự, chỉ vài phút sau bản tin thời sự về an toàn giao thông, cộng đồng mạng đã chia sẻ đoạn clip nam MC của một Đài Truyền hình lỡ miệng “chúc quốc tang nhiều niềm vui”. Phát ngôn “lỡ miệng” này đã nhận nhiều lời chỉ trích gay gắt của cộng đồng mạng: “Phản ánh trình độ kém của một người và kỹ năng ứng xử kém của một MC”, “bộ mặt của nhà đài” là vậy sao?”. Có một số người sau khi mạt sát với lời lẽ “rắc muối vào vết thương”, vô văn hóa, còn đòi tẩy chay, đòi nhà đài phải cho nghỉ việc anh chàng M.C “không biết trời cao, đất dày” này.
Nạn nhân của trò “ném đá tập thể” không chỉ với người Việt mà còn những người nổi tiếng ở thế giới. Họ thường nhân danh là người có văn hóa để “bạo lực tinh thần” với các nạn nhân. Chỉ cần có một đoạn clip, hình ảnh hay câu nói đáng chú ý bị tung lên mạng xã hội, nhân vật chính, trong đó sẽ phải hứng chịu “hàng tấn gạch đá”.
Bill Gates đăng tải bức ảnh chụp trụ điện dây dợ chằng chịt ở Việt Nam, hình ảnh này đã thu hút gần 40.000 lượt yêu thích và gần 6.000 bình luận. Trong đó phần lớn bình luận là của dân mạng Việt Nam. Họ cùng rủ nhau vào “ném đá”, điểm danh và cãi nhau bằng hàng ngàn bình luận khiếm nhã, có cả những câu chửi thề, nói tục… bằng tiếng Việt.
Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của hotboy người Ả Rập Omar Borkan Al Gala, nữ MC người Thái Lan Peaw Sumaporn Wandee… cũng từng bị “tấn công” bởi bình luận phản cảm, vô văn hóa của một số dân mạng Việt Nam. Không ít thành viên người nước ngoài đã “nổi đóa”, bày tỏ bức xúc trước cách hành xử vô văn hóa này của người Việt.
Mạt sát người khác có thể bị đi tù
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng facebook và mỗi người dành trung bình 2,5 giờ để lướt facebook mỗi ngày. Thế nhưng, mạng xã hội không có tội mà tội ở đây xuất phát từ văn hóa ứng xử của người dùng.
Không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình. Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận ác ý không cần biết đúng, sai.
Một người dùng lời lẽ thô tục để nói về ai đó có thể biểu thị đó là người kém văn hóa, thiếu lịch sự. Ngoài ra, khi ứng xử thiếu tôn trọng nhau thì có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đã có trường hợp vì bình phẩm nhau trên facebook dẫn đến mâu thuẫn và “giải quyết” mâu thuẫn bằng bạo lực.
PGS, TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và định hướng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ hiện nay một cách nghiêm túc. Văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, không được mạt sát, công kích đối phương bằng việc quy chụp, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ.
Tôi nghĩ, chúng ta cần nêu tên tuổi, chức danh, nơi ở người dùng mạng khi có hành vi này”. Nói về cách ứng xử trên mạng xã hội, PGS, TS Lê Quý Đức nhắn nhủ: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.