Công khai giới thiệu hàng cấm
Truy cập vào mục Chăm sóc cá nhân và hỗ trợ tình dục tại địa chỉ LAZADA.VN, khách hàng có thể thấy la liệt các loại chai xịt, gel bôi trơn “kéo dài thời gian yêu” đến các loại bao cao su “gân và hạt nổi”...
“Thị trường về các sản phẩm đồ chơi tình dục và hỗ trợ tình dục hiện nay không phổ biến ở nơi công cộng. Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng. Mua sắm trực tuyến là một cách để sở hữu đồ chơi tình dục, sản phẩm hỗ trợ tình dục một cách dễ dàng, giúp bạn có thể thư giãn và đảm bảo rằng tất cả đều được giữ kín thông tin. Mọi sản phẩm bạn mua đều được bọc trong bao bì kín đáo, do đó, bạn đừng quá lo lắng khi có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nói trên” - trang thương mại điện tử này “mách nước”.
Phía dưới lời giới thiệu mùi mẫn trên, LAZADA liệt kê các loại sản phẩm “đồ chơi tình dục” như dương vật giả, trứng rung, phích hậu môn, mông giả, búp bê người lớn… Kèm theo là bản mô tả công năng và những hình ảnh minh họa khiến người xem không khỏi đỏ mặt.
Các mặt hàng này được quảng bá trên một website điện tử phổ biến, không phân biệt lứa tuổi độc giả, ngay bên cạnh các sản phẩm đồ chơi trẻ em, hết sức phản cảm. Dưới góc độ pháp luật, theo tìm hiểu của PLVN, căn cứ vào Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 4891 liệt kê đồ chơi tình dục vào dạng không cho phép nhập khẩu.
Như vậy, theo quy định hiện hành, đồ chơi tình dục là sản phẩm bị cấm kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Việc LAZADA.VN ngang nhiên giới thiệu những sản phẩm này trên sàn giao dịch như vậy là trái quy định.
Hành vi này đối chiếu theo Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 của Quốc hội cũng có dấu hiệu vi phạm quy định cấm quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
Có thể bị đóng cửa
Trở lại bài viết “Báo động chợ thuốc tình dục trôi nổi trên LAZADA”, trao đổi với PLVN, ông Trịnh Quang Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, theo quy định, tất cả các sản phẩm được bán đều phải giao hóa đơn cho khách hàng. “Việc nhân viên LAZADA.VN giao hàng không có hóa đơn là trái quy định, có thể chứng tỏ đây là hàng chưa được phép lưu hành trên thị trường”, ông Đức nói.
Việc sàn giao dịch LAZADA.VN có trụ sở ở TP HCM nhưng giao bán hàng toàn quốc, trong đó thị phần khá lớn ở Hà Nội, ông Đức cho biết dù sản phẩm được bán ở địa bàn Hà Nội nhưng trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan chức năng TP HCM.
“Thông tin Báo PLVN phản ánh là cơ sở để các ngành chức năng ở TP HCM kiểm tra, xử lí LAZADA”, ông Đức nói. Theo vị Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tùy theo mức độ sai phạm, các sàn giao dịch điện tử có thể bị phạt hành chính hoặc rút giấy phép kinh doanh.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc bán hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu dù bằng phương tiện truyền thống hay thương mại điện tử đều bị xử lý.
Trường hợp LAZADA là đơn vị mở sàn giao dịch điện tử, sau đó cho các đơn vị khác thuê kinh doanh và các đơn vị này vi phạm quy định thì đơn vị mở sàn vẫn bị xử lí và chịu trách nhiệm. “Nếu LAZADA không quản lý được thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử, để cho người bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ thì LAZADA đã không làm đúng trách nhiệm của mình. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lí”, Luật sư Từ nhấn mạnh.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.