Độc bản, quý hiếm
Diễn ra từ ngày 6 -10/5/2024, Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO được tổ chức tại Mông Cổ. Trong phiên họp ngày 8/5, Hội nghị tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm. Việt Nam có 1 hồ sơ là những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế) được xem xét trong đợt này.
Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, sau gần 200 năm, dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian Cửu đỉnh vẫn vẹn nguyên.
Theo hồ sơ, đây là bảo vật hiếm hoi còn lại, tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông. Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.
Trong hệ thống các di sản cung đình triều Nguyễn, có thể nói Cửu đỉnh là dạng “phiên bản giới hạn”, không được chế tác hàng loạt như một số sản phẩm khác. Do đó, Cửu đỉnh là hiện vật không “trùng bản” và không thể thay thế. Các tài liệu này đều đã trải qua thời gian gần hai thế kỷ, nên đã trở thành bộ sưu tập cổ vật vô cùng phong phú và quý giá. Bên cạnh đó, đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, một bộ sưu tập thư pháp (thụy hiệu các đời vua), một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật có giá trị to lớn.
UNESCO trao chứng nhận vinh danh Cửu đỉnh vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới |
Vì những lý do trên, khiến hồ sơ “Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế” đã dễ dàng được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới với số phiếu 23/23 nước tham gia. Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế được vinh danh là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản. Đây cũng là nền tảng và là món quà để khẳng định mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc TW trên nền tảng bản sắc văn hóa Huế.
Được biết, trước đó, Thừa Thiên Huế đã có 7 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 5 di sản của riêng Huế, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016). Hai di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có gần 1.000 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh.
Bảo vật của nhân loại
Cửu Đỉnh đặt tại sân Thế Miếu trong Hoàng Thành. Chín đỉnh này được đúc từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837 thì hoàn thành. Ngày 4/3/1837, triều đình tổ chức lễ khánh thành rất lớn dưới sự chủ trì trực tiếp của Vua Minh Mạng.
Tên Đỉnh cũng chính là tên thụy của Vua sau khi mất được đưa vào thờ tại Thế Miếu: Cao Đỉnh (“Cao” miếu hiệu của vua Gia Long) được đặt ở chính giữa rồi tiếp đến hai bên trái, phải là Nhân Đỉnh (“Nhân” là miếu hiệu của Vua Minh Mạng), Chương Đỉnh (“Chương” là miếu hiệu của Vua Thiệu Trị), Anh Đỉnh (“Anh” là miếu hiệu của Vua Tự Đức), Nghị Đỉnh (“Nghị” là miếu hiệu của Vua Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (“Thuần” là miếu hiệu của Vua Đồng khánh), Tuyên Đỉnh (“Tuyên” là miếu hiệu của Vua Khải Định); còn Dũ Đỉnh và Huyền Đỉnh chưa kịp tượng trưng cho vua nào thì cách mạng tháng Tám đã xóa bỏ vĩnh viễn vương triều nhà Nguyễn.
Theo quan sát, hiện nay Chín đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, mỗi đỉnh đều được đặt trên một phiến đá lớn rất vững vàng, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Riêng Cao Đỉnh được đặt nhích về phía trước 3 mét với hàm ý để tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên của triều đại.
Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho trời, cho sự hoàn thiện tuyệt đối, cho quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.
Giá trị của Cửu Đỉnh trước hết nằm ở tầm vóc to lớn và trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công Phường Đúc, Huế. Chiếc cao nhất tới 2,5m, chiếc thấp nhất 2,3m. Chu vi vòng lưng từ 4,64m tới 4,72m. Trọng lượng chiếc nặng nhất 2061kg, chiếc nhẹ nhất 1935kg. Các cặp quai trên miệng đỉnh không hoàn toàn giống nhau, cặp đúc vuông, cặp đúc tròn, cặp xoắn theo kiểu dây thừng. Chân đỉnh cũng khác nhau, có bộ uốn theo kiểu chân quỳ, có bộ đúc thẳng...
Vẻ đẹp trường tồn của bộ Cửu đỉnh và là một tượng đài văn hóa Việt |
Về mỹ thuật, mỗi đỉnh có 17 bức hình chạm nổi chủ đề về trời biển, núi sông, chim, cá, hoa, quả và binh khí (những danh thắng, sản vật nổi tiếng của Việt Nam). Tất cả 153 mảng hình trên Cửu Đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta hồi đầu thế kỷ XIX.
Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Ngoài tính cung đình hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt ở chốn thôn trang. Bên cạnh cây gỗ lim, quế, tùng, còn có những cây lương thực và thảo mộc rất phổ biến đối với mọi người, như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây hành, cây nghệ, rau tía tô, cây đậu phụng…
Ngoài ra, Cửu đỉnh được viết bằng chữ Hán; do đó cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.