Ptahhotep- một Tể tướng trong triều đại thứ năm của Ai Cập đã bày tỏ quan điểm về việc người đàn ông phải tôn trọng vợ của mình thông qua một câu châm ngôn: “Bạn phải yêu vợ bằng cả trái tim... làm cho trái tim cô ấy hạnh phúc chừng nào bạn còn sống”.
Bình đẳng trong hôn nhân
Một góa phụ sống ở Mỹ vào đầu thế kỷ 19 TCN sẽ không có bất cứ quyền sở hữu nhà và phải phụ thuộc vào quyết định từ người thân của người chồng đã mất. Ở Ai Cập cổ đại hoàn toàn ngược lại, khi người chồng chết hoặc ly hôn thì người vợ có thể giữ lại nhà và đòi bồi thường. Các nghi lễ về kết hôn không có tính bắt buộc trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Đa số nam nữ khi cảm thấy muốn trở thành vợ chồng thì họ sẽ về ở với nhau và thứ ràng buộc họ chỉ là một hợp đồng tiền hôn nhân. Người nam cầu hôn sẽ đã đưa ra một khoản tiền gọi là “món quà trinh tiết”, để bù đắp cho cô dâu về những gì cô ấy sẽ mất. Món quà không được áp dụng trong trường hợp kết hôn lần hai, nhưng một món quà cho cô dâu sẽ được thực hiện ngay cả trong trường hợp đó. Đổi lại, gia đình của cô dâu sẽ được tặng một “món quà để trở thành vợ”.
Một hợp đồng hôn nhân có niên đại 2.480 năm được viết trên cuộn giấy cói dài gần 2,5 m bằng chữ tượng hình được trưng bày tại Viện Đông Phương - Đại học Chicago (Mỹ) đã tiết lộ điều này. Trên hợp đồng này ghi rõ rằng người vợ có thể nhận được: “1,2 cắc bạc và 36 bao ngũ cốc mỗi năm cho đến hết đời”.
Tuy nhiên, người vợ sẽ phải thanh toán trước cho vị hôn phu tương lai 30 cắc bạc để hợp đồng có hiệu lực. Ở một hợp đồng hôn nhân khác, các nhà khảo cổ đã cho biết nội dung của nó nói về việc, người chồng phải liệt kê tất cả tài sản riêng mà cô vợ mang theo khi về chung một nhà. Đồng thời, người chồng phải cam kết sẽ trả lại tất cả trong trường hợp hai người ly hôn.
“Có thể nói rằng người phụ nữ và gia đình cô ấy đã gây áp lực nhiều nhất có thể khiến người chồng buộc phải đồng ý với bản hợp đồng như vậy,” giáo sư Janet H.Johnson viết trong một bài báo khoa học. Chuyên gia này còn nhấn mạnh, những điều khoản ghi trong hợp đồng là “cực kỳ có lợi cho người vợ”.
Họa hình cuộc sống của Nữ hoàng Ai Cập cổ đại. |
Sự bình đẳng về mặt pháp lý trong cuộc sống vợ chồng của phụ nữ Ai Cập khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và là niềm mơ ước của phái đẹp trên nhiều quốc gia hiện nay. Phụ nữ Ai Cập cổ đại có thể ly hôn bất cứ thời điểm nào và những hợp đồng hôn nhân khi đó sẽ luôn phát huy tác dụng tối đa. “Nhiều người không biết rằng phụ nữ Ai Cập cổ có quyền pháp lý ngang bằng nam giới”, giáo sư Emily Teeter - nhà Ai Cập học tại Viện Đông Phương cho biết.
Đặc biệt, quá trình soạn thảo hợp đồng hôn nhân ở Ai Cập cổ đại xưa cũng rất minh bạch, bình đẳng. Người vợ và chồng sẽ gặp nhau cùng với người chép thuê và một vài nhân chứng. Người đề xuất hợp đồng thường là phụ nữ sẽ đọc to các điều khoản để người chép thuê ghi lại trên giấy. Bên người chồng sẽ có thể đồng ý hoặc từ chối điều kiện mà vợ đưa ra. Nếu cả hai đạt được sự thống nhất thì hợp đồng sẽ có tính pháp lý ràng buộc.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của mình khi ly hôn, phụ nữ có thể tham gia vào việc giải quyết hợp đồng với tư cách bị đơn hoặc nguyên đơn, thành viên hội thẩm đoàn hoặc nhân chứng. Phụ nữ Ai Cập cổ cũng có quyền mua và sở hữu tài sản. Nếu một người đàn ông khởi xướng việc ly hôn, anh ta mất quyền khởi kiện những món quà và phải trả một khoản tiền nhất định cho vợ cũ cho đến khi cô ấy tái hôn hoặc yêu cầu anh ta ngừng thanh toán.
Những đứa con của cuộc hôn nhân luôn đi cùng mẹ và nhà ở của họ. Trong trường hợp “món quà trinh tiết” và “món quà cho cô dâu” không được giao kể từ khi họ trở thành vợ chồng, một trong hai bên sau đó có thể kiện đòi món quà đã thỏa thuận. Mặc dù đạt được nhiều quyền tự do pháp lý, phụ nữ Ai Cập hầu hết vẫn lệ thuộc vào nam giới trong các vấn đề xã hội và chính trị. Trong khi nam giới được xếp thứ bậc xã hội dựa vào nghề nghiệp, thứ bậc của phụ nữ thường do vị trí của người chồng hoặc người cha quyết định.
Vai trò quan trọng
Trong xã hội Ai Cập cổ đại, công việc nội trợ, chăm sóc gia đình luôn được người phụ nữ đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ngoài xã hội phụ nữ Ai Cập cổ đại cũng tham gia vào nhiều lĩnh vực, công việc, bao gồm những việc liên quan đến quyền lực của đàn ông. Phụ nữ Ai Cập cổ đại còn đảm nhiệm những công việc mang tính bí mật, quan trọng của địa phương, quốc gia.
Khi đảm nhận những công việc này những quan chức là phụ nữ còn phải mang theo con dấu, chịu trách nhiệm về những gì họ đã đóng dấu. Điều đó làm cho vị trí của người phụ nữ Ai Cập cổ đại trở thành người quan trọng, ngang bằng với các đồng nghiệp nam. Các giáo sĩ (linh mục) của Ai Cập cổ đại rất được tôn trọng, có một cuộc sống thoải mái và có rất nhiều người phụ nữ đã đảm nhận công việc này.
Để trở thành một linh mục, trước tiên người đó phải là một người ghi chép, đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu tận tâm. Một khi một người phụ nữ trở thành một người ghi chép, cô ấy có thể bước vào chức tư tế, đi vào giảng dạy hoặc trở thành một bác sĩ. Nữ bác sĩ rất được kính trọng ở Ai Cập cổ đại. Trong số này có nữ bác sĩ Pesehet nổi tiếng, người từng tham gia dạy nam sinh viên trong trường y. Bệnh nhân nam cũng có thể đến tư vấn, khám bác sĩ nữ mà không gặp vấn đề gì.
Ngoài ra, phụ nữ Ai Cập cổ đại còn làm nha sĩ, tiên tri, giải mã những giấc mơ và điềm báo cho mọi người, và cả làm giám đốc điều hành các doanh nghiệp dệt may. Những bức tranh Ai Cập còn lưu lại đến ngày nay cho thấy phụ nữ đảm nhận cả công việc giám sát công nhân, hoặc nhóm có năng khiếu có thể trở thành nhạc sĩ, ca sĩ và vũ công, phục vụ giải trí riêng hay trong các dịp đại lễ diễn ra tại các đền thờ công cộng.
Ở Ai Cập cổ đại có một công việc vô cùng quan trọng và do phụ nữ hầu như thống trị hoàn toàn đó là việc sản xuất bia. Đây là đồ uống truyền thống có liên quan đến sự tồn vong của Ai Cập cổ đại. Theo truyền thuyết, bia là đồ uống được thần Osiris trao cho loài người, thông qua các nhà máy bia được nữ thần Tenenet theo dõi. Bia ở thời Ai Cập cổ đại được dùng làm thức uống cho tất cả mọi người kể cả trẻ em.
Bia được coi là đồ uống giải trí và thực phẩm bổ dưỡng ở Ai Cập cổ đại. Nó còn được dùng để trả công cho người lao động. Khi các chuyên gia tại Bảo tàng Anh tái tạo bia Ai Cập cổ đại, họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy hương vị cực ngon, thậm chí còn hơn cả bia hiện đại ngày nay. Vì bia là một loại thực phẩm, nên nấu bia và nấu ăn là công việc của phụ nữ. Có bằng chứng cho thấy, trong thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập, hầu hết các nhà máy bia đều do phụ nữ vận hành. Họ đã tạo ra số lượng lớn bia nên kiếm được bộn tiền, vì vậy bia rất quan trọng, có mặt ở mọi nơi, nó là một nghề quan trọng và danh dự của phụ nữ Ai Cập cổ đại.