Trước đây, trong 11 năm, tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước tổng cộng 1,5 tỷ đồng, từ khi có Ban Quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền đó là 11 tỷ đồng.
Không phải bàn cãi, rõ ràng sự thay đổi Ban Quản lý đã mang lại một hiệu ứng tích cực, số tiền công đức gấp hàng trăm lần trước đây, kết quả của sự công khai, minh bạch trong quản lý tiền công đức. Người tố cáo việc khuất tất trước đây, giờ là thành viên trong Ban Quản lý đền. Sự ngay thẳng và liêm khiết của ông đã được thể hiện khi được tín nhiệm giao cho công việc rất dễ nảy lòng tham này.
Số tiền công đức hiện tại công khai như vậy thì đương nhiên có câu trả lời cho quá khứ: Tiền công đức chở đi đâu và nếu có “luật hồi tỵ” thì số tiền “đi đâu” đó phải được thu hồi để nó trở lại địa chỉ đúng.
Một câu chuyện nhỏ (nhưng tiền không nhỏ) xảy ra ở một ngôi đền nhưng là một bài học nhiều ý nghĩa về việc quản lý tiền bạc, đấu tranh phòng chống tham nhũng và sử dụng con người.
Trước nay, việc quản lý tiền công đức trong các đình, chùa, phủ,... chưa có một mô hình thống nhất nào mà chỉ có nhưng chỉ đạo của chính quyền là cần công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Vì thế, không nơi nào tuân thủ quy định số lượng đặt hòm công đức do Bộ Văn hóa quy định và việc công khai quản lý và sử dụng tiền công đức thì luôn luôn là ẩn số. Đây là môi trường tốt cho những kẻ “buôn thần, bán thánh” có đất hoành hành và cũng là môi trường sản sinh ra những con người đó.
Tiền công đức mang một ý nghĩa tâm linh lớn, đạo lý coi “của Bụt lấy một đền mười” mà người ta bất chấp đạo lý, pháp luật, không sợ tâm linh, dám “ăn” những đồng tiền như thế thì có thể làm mọi chuyện trái đạo. Không thể nói chuyện đạo lý, cũng không đánh thức được cái tâm của sự “tham nhũng” này. Chỉ có thay đổi phương thức quản lý, sử dụng người liêm chính, loại trừ môi trường sinh ra lòng tham và cốt yếu phải công khai, minh bạch từ nguồn tiền thu được đến việc quản lý sử dụng tiền đó vào mục đích chính đáng thì “của chùa” mới không thất thoát.