Bác sỹ 'bắt mạch' căn bệnh tự tử của học sinh

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.
(PLO) - Là một chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, tâm lý y học, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, đồng thời là giảng viên chính bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội đã “bắt mạch” nguyên nhân và “kê đơn” cho một số vấn đề đáng lo ngại hiện nay liên quan đến giới trẻ như: rối loạn tâm thần, tự tử, bạo lực, ngáo đá… 

Những bất thường đều... “bình thường”?

Thưa Bác sĩ, báo cáo kết quả thực hiện y tế trường học giai đoạn 2011-2015 được đưa ra tại hội nghị đánh giá thực trạng y tế trường học do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức mới đây cho thấy tỷ lệ học sinh bị rối loạn tâm thần đang có nguy cơ gia tăng, chiếm 7%-25%. Cũng như vậy, số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% phải đến bác sĩ điều trị. Ông có suy nghĩ gì về những con số này?

- Thực tế hiện nay cho thấy, sự phát triển tâm lý của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên bị tác động mạnh mẽ cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Đứa trẻ đang lớn chưa có nhận thức hoàn thiện, chưa biết ứng phó thích hợp với các tình huống xảy ra trong học tập, trong các mối quan hệ... Nếu các em không bắt kịp với tốc độ phát triển thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, hình thành những hành vi tiêu cực. Những con số như tỷ lệ học sinh bị rối loạn tâm thần đang có nguy cơ gia tăng, trong đó 21,8% phải đến bác sĩ điều trị, theo tôi đều xuất phát từ nguyên nhân tâm lý xã hội là chính. 

Tôi đã trực tiếp tiếp xúc và kiểm tra cho các bệnh nhân là học sinh và nhận thấy các em hiện chịu quá nhiều áp lực. Về phía gia đình, phần lớn các bậc cha mẹ học sinh (CMHS) mong muốn con trở thành người tài giỏi nhưng họ quên mất năng lực thực sự của con mình. Họ ngày càng gia tăng áp lực cho trẻ và ép con mình học.

Nhiều CMHS thậm chí lười gặp giáo viên để biết thêm thông tin về con mình ở trường học, thậm chí đóng tiền học cũng đưa con. Vì thế có tiền trong tay, nhiều em bị dụ dỗ, lao vào ăn chơi, nghiện game, hư hỏng.

Áp lực từ việc học, từ sự kỳ vọng thái quá của cha mẹ khiến nhiều trẻ bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần. Thậm chí, nhiều học sinh do thi trượt đại học, trượt trường chuyên, lớp chọn đã chọn giải pháp… tự tử, coi đó là con đường cuối cùng để giải tỏa áp lực, không phải đối mặt với cha mẹ, bạn bè, người thân… Quá nhiều áp lực đang đè lên vai các em mà nhiều bậc phụ huynh chính là tác nhân của những áp lực ấy.

Về phía nhà trường, chúng ta đang “nhồi nhét” cho trẻ quá nhiều lý thuyết nhưng lại thiếu thực tiễn và cách giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và đâu đó vẫn tồn tại cách dạy máy móc, lạc hậu, yêu cầu học sinh ghi chép đầy đủ và học thuộc lòng, học để thi. Nhiều em học đến “ngơ ngơ, ngẩn ngẩn”, nhất là trước các kỳ thi.

Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh cũng còn nhiều điều đáng bàn, không bắt nhịp được sự phát triển tâm sinh lý của các em. Trước đây học sinh đánh nhau rất hiếm thấy, thế nhưng bây giờ học sinh đánh nhau được coi như “chuyện thường ngày”, thậm chí các em còn quay video clip làm chiến lợi phẩm.

Xét ở mức độ vĩ mô, giáo dục nước ta thay đổi liên tục từ thi cử, phương pháp học tập, sách giáo khoa dẫn đến CMHS và học sinh không thể thích nghi kịp. Vì không thích nghi kịp nên có nhiều trường hợp học sinh rơi vào áp lực nặng nề, căng thẳng khiến bị rối loạn tâm thần.

Về phía xã hội, hiện nay, nhiều trẻ em hồn nhiên sử dụng chất gây nghiện như rượu, thuốc lá... do tấm gương xấu của bố mẹ, qua phim ảnh... và việc mua bán các chất này quá dễ dàng. Tác động của các chất gây nghiện lên người sử dụng rất nghiêm trọng, gây nên tình trạng rối loạn hành vi, nghiện ngập, sinh ra bạo lực.

Cũng như vậy, tình trạng nghiện games trong giới trẻ đã trở nên quá phổ biến bởi các cửa hàng trò chơi điện tử mọc ra nhan nhản, sẵn sàng thu hút học sinh đến chơi. Nhiều bậc CMHS mải kiếm tiền, chỉ cung cấp tiền mà không biết con đã sử dụng tiền có đúng mục đích hay không nên vô tình đã làm hư hỏng con mình. 

Rối loạn tâm thần, bạo lực hay tự tử sinh ra bởi người đó bị rơi vào tình trạng hết sức căng thẳng, không có lối thoát, vì vậy họ tìm đến giải pháp cuối cùng mang tính bản năng. Con số gần 17% học sinh có ý định tự tử rất đáng lo ngại, thể hiện rối loạn về hoạt động tâm thần không phải mang tính sinh học mà mang tính tâm lý xã hội nhiều hơn. 

Cho học sinh thấy... trại  giam, nhà hộ sinh

Vậy chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên, thưa ông?

-Gia đình phải nhìn nhận khách quan năng lực của con mình. Họ phải hướng cho trẻ phát triển đúng năng lực, sở trường và đam mê của con và các con mới là người đưa ra quyết định lựa chọn các vấn đề liên quan đến mình như chọn trường, chọn ngành học. Bố mẹ cũng cần nghiêm khắc với con cái mình, không nên nuông chiều để các cháu trở nên hư hỏng, lệch hướng trước các tệ nạn xã hội.

Về phía nhà trường phải giáo dục kỹ năng, tư duy, giải quyết vấn đề của bản thân và xã hội. Các trường tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại là điều tốt nhưng họ phải hiểu tâm lý của học sinh và cho các cháu tận mắt chứng kiến vấn đề.

Chẳng hạn tâm lý trẻ nam và trẻ nữ khác nhau. Trẻ nữ nặng về cảm xúc, nhẹ về lý trí còn trẻ nam thì ngược lại. Vì vậy, con gái thường nhẹ dạ, dễ bị lợi dụng, lạm dụng do đó phải dạy dỗ, hướng dẫn các cháu.

Ví dụ, ta có thể đưa các cháu thăm các bệnh viện phụ sản để thấy hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai đau đớn đến mức nào. Phân tích cho các cháu hiểu hậu quả của sự nhẹ dạ, cả tin để từ đó, biết các biện pháp để tránh. Như vậy, ta giáo dục giới tính mà không “vẽ đường cho hươu chạy”.

Với trẻ nam, ta có thể cho thăm quan các trại giam, thậm chí ăn một bữa cơm của phạm nhân và chỉ cho các em thấy tại sao họ bị tội và hậu quả khi phạm tội để tránh mắc tội. Xét về tâm lý, nếu các cháu biết trại giam khổ sở thế nào thì sẽ giảm tội phạm. 

Trong giáo dục cần chú ý đến khen thưởng, kỷ luật bởi đây là liệu pháp quan trọng (liệu pháp nhận thức hành vi). Khi trẻ làm được một việc tốt cần được khen thưởng để phát huy. Khi trẻ làm điều sai trái phải bị phạt. Chẳng hạn, trẻ đi học muộn không bị phê bình, phê phán thì các cháu khác cũng sẽ làm theo. Khen thưởng khách quan, nghiêm túc, không hình thức sẽ đem lại giá trị khuyến khích, cổ vũ lớn đối với trẻ; đồng thời giải tỏa được những áp lực trong học hành với các em. Ngược lại nghiêm khắc phê bình những hành vi sai trái sẽ hạn chế được tiêu cực.

Chưa có hành lang pháp lý

Tình trạng rối loạn cảm xúc, hưng cảm do nghiện game hoặc sử dụng các chất gây nghiện không còn là chuyện hiếm trong giới trẻ hiện nay. Bác sĩ phân tích rõ hơn về tình trạng này?

- Hiện có các thuốc kích thần như thuốc lắc, đá mà nhiều người cho rằng dùng không nghiện. Thế nhưng tất cả các chất này đều gây nghiện mạnh và đặc biệt nguy hiểm khi gây ra tình trạng loạn thần cấp như hoang tưởng, ảo giác, kích động... Tất cả trường hợp nghiện chất, nghiện Internet và trò chơi điện tử không dẫn đến chết người ngay, nhưng về lâu dài thì giống nhau, tác động như loại thuốc độc, gây biến đổi nhân cách mạnh mẽ.

Để giúp học sinh không bị rơi vào tình trạng trên, trước hết các bậc CMHS cần quan tâm, giáo dục con mình. Đơn cử như quy định tuổi nào được tiếp xúc với games, được phép chơi trò gì và chơi vào giờ nào. Nếu trẻ thoát ly khỏi kiểm soát sẽ thành hỗn loạn. Về phía nhà trường, thầy cô phải tìm hiểu những thay đổi của học trò để có giải pháp. Không để các cháu bắt nạt nhau bởi sẽ gây ra rối loạn tâm thần.

Giáo viên cũng cần tránh kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các học sinh chỉ vì năng lực kém, khiếm khuyết về cơ thể…  Gia đình và nhà trường cần dạy cho trẻ biết thực trạng xã hội, từ đó có cách đối phó, thích nghi với môi trường. Biết nhận biết đúng sai, biết xử lý tình huống thích hợp, biết tiếp thu cái tốt và khước từ cái xấu. Dạy các em có bản lĩnh bởi hiện có không ít trẻ vì quá ngoan nên bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo. Phải là người bạn tâm sự với con bởi nếu con lỡ phạm lỗi mà không dám chia sẻ với bố mẹ, thầy cô, tự mình giải quyết một cách bồng bột, thiếu hiểu biết thì rất nguy hiểm.  

Hiện nay, nước ta đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030. Là người trực tiếp công tác trong lĩnh vực này, ông có điều gì muốn góp ý?

- Nhiều người hiện nay còn nhầm lẫn giữa “tâm thần” và “thần kinh”. Tôi xin nói một cách hình tượng, “tâm thần” là hoạt động của phần mềm máy tính, “thần kinh” là hoạt động phần cứng máy tính. Khi sinh ra đa số chúng ta có phần cứng giống nhau nhưng phầm mềm khác nhau, một phần bẩm sinh, phần lớn phải qua quá trình cập nhật trong quá trình sống, mỗi giai đoạn của cơ thể sẽ có sự phát triển về tâm thần khác nhau. 

Việt Nam đang đứng trước nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân dân, nhằm giảm bớt gánh nặng do rối loạn tâm thần gây ra. Tuy nhiên, sẽ không dễ khả thi khi hiện nay chúng ta chưa hoàn thiện hành lang chính sách và luật pháp, chưa có Luật Sức khỏe tâm thần. 

Xin cảm ơn Bác sĩ!

Tin cùng chuyên mục

Việc hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần.

Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết con đang sử dụng thuốc lá điện tử

(PLVN) - Thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ với hình thức hiện đại và hương vị đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài “ vô hại ” ấy lại là hàng loạt nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Ths. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo và biểu hiện giúp các bậc phụ huynh nhận biết và ngăn chặn kịp thời việc con em mình sử dụng loại sản phẩm nguy hiểm này.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.