Em P.T.T - học sinh lớp 9B Trường PTCS Phước Hội 2, Lagi, Bình Thuận - ngày 17/3 được người nhà phát hiện chết do treo cổ. Trước đó, cuối tháng 1 tại Thái Bình, một học sinh nữ Trường Đông Quan cũng nhảy lầu tự sát sau khi bị cô giáo quở mắng và mời ra khỏi lớp vì hành xử vô lễ. Gần đây nhất, 3 học sinh nữ ở Đắk Nông rủ nhau tự tử mà chưa ai rõ lý do, để lại tang tóc cho 3 gia đình.
Ảnh minh họa. Nguồn PLTP |
Đằng sau những cái chết trẻ ấy là nỗi đau của người thân và lời cảnh báo về lối sống thiếu suy nghĩ của một bộ phận thanh thiếu niên. Nên chăng, khi giáo dục thanh thiếu niên, ngoài những giá trị đạo đức, kĩ năng sống còn cần thiết phải dạy các em biết trân trọng cuộc sống, có trách nhiệm với sinh mạng chính mình, biết nghĩ đến hậu quả trước mỗi lựa chọn cho mình?.
Giới trẻ ngày càng chán nản Theo số liệu mới nhất, cứ mỗi 28 giờ ở Việt Nam lại có một trường hợp tự tử. Một nghiên cứu khác của Phó GS.TS Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, sau 5 năm, tình trạng bi quan, chán nản trong thanh niên có chiều hướng tăng lên một cách đáng lo ngại. Cụ thể, có 73,1% thanh niên từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng “rất buồn”, thấy mình vô tích sự đến nỗi làm cho bản thân không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử. Đặc biệt, xu hướng chung là càng ở nhóm tuổi trẻ hơn thì mức độ và tỷ lệ buồn chán càng cao. Có tới 75% người được hỏi trong độ tuổi 14-17 và 18-21 từng trải qua trạng thái đó, trong khi ở nhóm tuổi 22-25 là hơn 65%. Trong cuộc khảo sát khác của PGS Tung, trong số trên 2.000 thanh niên tham gia trả lời thì có đến 84,5% cho biết họ “chưa bao giờ” nghĩ đến việc tự tử, nhưng cũng có 10,6% cho biết họ “hiếm khi”, 3,5% “thỉnh thoảng” và 1,4% “thường xuyên” hay “rất thường xuyên” nghĩ đến việc tự tử. |
Theo đại diện Ban Giám hiệu nhà trường - cô Ng.T.H - thì P.T.T là một học sinh tuy không thuộc thành phần cá biệt nhưng hay vi phạm các nội quy, những lỗi không lớn như tóc để dài, mặc áo phanh ngực, bỏ tiết… Với mỗi lỗi của P.T.T, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã kết hợp giáo dục bằng cách khuyên răn và các hình phạt như mời phụ huynh, nêu tên dưới cờ…
TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý - chuyên gia đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em (Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH): Nặng kiểu dạy sách vở Có 4 nguyên nhân dẫn đến việc gần đây xảy ra nhiều vụ học sinh tự tử. Thứ nhất, về phía nhà trường, nhiều thầy cô không hiểu tâm lý của học trò, luôn áp đặt và không quan tâm đến nhu cầu của trẻ dẫn đến có kết luận, ứng xử không đúng khiến cho học sinh uất ức, tổn thương, xấu hổ trước bạn bè. Bên cạnh đó, thầy cô đối xử thiếu công bằng giữa các học sinh khiến cho các em không phục thầy cô. Khi trẻ thường xuyên bị trấn áp sẽ dẫn tới những em thần kinh yếu không chịu nổi đã tự tử. Thứ hai, ngay bố mẹ cũng không hiểu tâm lý con mình, những thay đổi tâm sinh lý và chưa biết chia sẻ, truyền kinh nghiệm sống cho con. Trẻ không có ai giãi bày, không ai hiểu trẻ, nhiều teen còn cho rằng “bố mẹ không trải qua tuổi teen nên không hiểu teen”. Thứ ba, ở góc độ xã hội, nhiều khi đọc báo, xem phim thấy có nhiều hành vi tự tử nhưng lại không có những phân tích thấu đáo, định hướng… nên đã gây tác dụng ngược, khiến cho trẻ coi hành vi tự tử là để giải quyết bế tắc. Thứ tư, tâm lý ở tuổi này bản thân trẻ có nhiều biến động lớn, khủng hoảng, có bước ngoặt lớn… Trẻ muốn khẳng định mình làm người lớn không được, muốn thể hiện quan điểm thì bị trấn áp. Điều này gây tâm lý tự vệ, nhiều trẻ đã tự rạch tay để được đau đớn; hoặc nặng hơn là dùng cơ chế tự tử để giải tỏa. Như vậy, từ nhà trường, gia đình và xã hội đều nặng dạy kiểu sách vở chứ chưa giáo dục tốt cho trẻ về những kỹ năng sống, kỹ năng đối mặt với thách thức, giải quyết mâu thuẫn… Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các trường sư phạm. Cần nâng cao chất lượng cho bộ môn tâm lý, tránh dạy quá chung chung khiến cho giáo viên ra trường khó vận dụng khi bước vào thực tế. Các trường sư phạm cần cấu trúc lại chương trình bộ môn tâm lý, có những nghiên cứu về những vấn đề rối loạn hành vi, trầm cảm, tử tự của trẻ. Khi phát hiện sớm những hành vi rối loạn này thì các chuyên gia, nhà trường, gia đình sẽ có can thiệp sớm, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Học sinh cần được trải nghiệm Theo tôi thì nguyên nhân thứ nhất là bản thân học sinh chịu nhiều áp lực, nhiều tác động từ trường lớp, gia đình, bạn bè… trong khi lại không được trang bị những nhận thức về những giá trị tôn vinh, kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống nên dễ sai lệch về nhận thức cũng như hành động. Giáo viên chủ nhiệm ít có điều kiện quan tâm, gần gũi học sinh, thiếu thân thiện với các em nên khi có khúc mắc các em không biết hỏi ai. Tôi nghĩ rằng, việc dạy kỹ năng sống hiện nay cũng gặp hai cái khó là thời gian bị hạn hẹp và giáo viên chủ yếu đọc tài liệu dạy mà với môn kỹ năng sống thì HS cần phải trải nghiệm nhiều. Ông Nhị Ngọc – một phụ huynh học sinh ở Hà Nội: Chớ tùy tiện hành xử! Những vụ học sinh liên tiếp tự tử và gần đây nhất là vụ tự tử tập thể của 3 nữ sinh khiến dư luận không khỏi lo lắng. Việc tìm hiểu nguyên nhân, làm rõ các uẩn khúc dẫn tới hành động dại dột và phải trả giá quá đắt của các em là nên làm và phải làm, ngõ hầu tìm ra cách ứng xử phù hợp trong từng trường hợp cụ thể để tránh những hậu quả nặng nề cho mỗi gia đình và cho cả xã hội. Muốn lý giải bằng cách nào đi chăng nữa thì người lớn, cụ thể hơn là thầy, cô giáo và cha mẹ các em tự tử có trách nhiệm trong chuyện này. Nguyên nhân trực tiếp khiến các em quẫn trí, nghĩ liều xuất phát từ những tác động rất nhỏ. Bởi vậy, lời nhắc nhở cần thận trọng khi ứng xử với trẻ em không bao giờ thừa. Người lớn hãy tôn trọng các em, đừng coi các em là “người dưới” rồi hành xử kiểu gì cũng được. Bà Nguyễn Ngọc Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo kỹ năng – Viện Nghiên cứu con người – Viện KHXHVN: Sai lầm nếu coi con mình là số một Trào lưu tự tử thể hiện cái nhìn sai lệch của trẻ khi gặp những vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Cụ thể, khi gặp vấn đề, chúng nghĩ ngay đến tự tử, mà không hiểu cái chết là thế nào. Trong suy nghĩ của chúng, tự tử chỉ là giải pháp giải tỏa, để hết bức xúc, chứ không biết chết là chấm dứt tất cả. Ở ta, thầy cô thiếu kỹ năng sống đã đành, cha mẹ học sinh cũng không có phương pháp dạy con phù hợp. Việt Nam thường có lối ứng xử, dạy con cái kiểu giành giật và trốn chạy. Không giành giật được thì trốn chạy. Trong khi đó, phương Tây họ lại dạy cách chấp nhận cuộc sống và coi đó là hiện thực của cuộc sống. Nó cũng giống như khi ta đưa vấn đề giáo dục giới tính vào giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, nhiều phụ huynh phản đối vì cho rằng đó là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực ra, đây là một vấn đề thực tế, ta càng cấm cản, né tránh thì nó càng tò mò và học tập. Bởi vậy, tốt nhất chúng ta nên chấp nhận nó và hướng dẫn các em phương pháp an toàn khi quan hệ tình dục… Một sai lầm lớn của những người giàu ở nước ta là luôn coi con mình là số một và đặt rất nhiều kỳ vọng vào chúng. Bởi vậy, họ ép con cái học hành đến quá sức chịu đựng của chúng, mà không dạy chúng kỹ năng sống. Đến khi gặp “sự cố” chúng sẽ hành động thiếu suy nghĩ (bỏ nhà đi lang thang, nghiện hút, nghiêm trọng hơn là tự tử). Hãy giúp con cái khi chúng gặp khó khăn; khuyên chúng hãy đối mặt với vấn đề, tìm giải pháp khắc phục và bình tĩnh vượt qua. Tóm lại, con cái lớn đến đâu, bố mẹ chấp nhận là nhà tư vấn đến đó. |
Nhóm Phóng viên xã hội