Tranh chấp tài sản sau ly hôn
Năm 2000, ông Tô Văn Tèo và bà Nguyễn Thị Oanh đăng ký kết hôn, có một con chung là Tô Như Ý. Trong quá trình chung sống, đến năm 2004 thì ông Tèo và bà Oanh phát sinh mâu thuẫn. Năm 2005 ông Tèo làm đơn xin ly hôn và tại Bản án sơ thẩm số 17/2005/HNGĐ-ST ngày 25/11/2005 của TAND huyện Đông Hải và Bản án phúc thẩm số 06/2006/PT-HN ngày 23/2/2006 của TAND tỉnh Bạc Liêu xử cho ông Tèo được ly hôn với bà Oanh; giao cháu Tô Như Ý cho bà Oanh nuôi dưỡng; ông Tèo cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 250.000đ cho đến khi cháu Ý tròn 18 tuổi. Về tài sản: Diện tích đất khu vực 2, thị trấn Gành Hào không phải tài sản chung, ông Tèo được quản lý, sử dụng; bà Oanh được chia 10 triệu đồng là giá trị một nửa căn nhà và 15 triệu đồng phần giá trị đất.
Không đồng ý, bà Oanh làm đơn khiếu nại lên tòa cấp trên.
Trong quá trình chờ tòa cấp trên xem xét thì ngày 17/8/2006, cơ quan thi hành án dân sự huyện Đông Hải đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-THA và Quyết định số 67/QĐ-THA ngày 17/9/2007 thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, cưỡng chế buộc bà Oanh giao nhà, đất cho ông Tèo.
|
Bà Oanh trình bày sự việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam. |
Ngày 20/2/2009, Chánh án TANDTC có Quyết định số 47/2009/KN-DS kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2006/HNGĐ-PT của TAND tỉnh Bạc Liêu. Ngày 14/4/2009, TANDTC có Quyết định Giám đốc thẩm số 123/2009/DS-GĐT huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao TAND huyện Đông Hải xét xử lại phần phân chia tài sản sau ly hôn theo quy định của pháp luật.
Ngày 21/1/2010, TAND huyện Đông Hải đã đưa vụ án ra xét xử và quyết định: Không chấp nhận yêu cầu của bà Oanh đòi chia một nửa giá trị của phần đất tại thửa số 239, tờ bản đồ số 45. Phần tài sản phân chia theo các bản án đã tuyên trước đây. Không đồng ý, bà Oanh kháng cáo, ngày 27/4/2010 TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và ra Bản án số 17/2010/DSPT quyết định: Công nhận diện tích đất 62,2m2 là tài sản chung trong quá tình hôn nhân; chia cho bà Oanh 6/10 và ông Tèo 4/10 giá trị quyền sử dụng đất, giao cho ông Tèo được quyền quản lý, sử dụng; buộc ông Tèo có nghĩa vụ hoàn lại 6/10 giá trị quyền sử dụng đất cho bà Oanh.
Được biết, sau khi bản án có hiệu lực, ngày 14/5/2010, ông Tèo đã chuyển nhượng toàn bộ nhà, đất cho ông Nguyễn Việt Quân (trú tại ấp 2, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu). Ngày 25/7/2013, ông Quân thế chấp toàn bộ diện tích nhà, đất trên để vay tiền ngân hàng.
Đến ngày 9/4/2013, Chánh án TANDTC đã có Quyết định số 146/2013/QĐKN-HNGĐ-LĐ kháng nghị Bản án phúc thẩm số 17/2010/DSPT ngày 27/4/2010 của TAND tỉnh Bạc Liêu. Ngày 20/8/2013, Tòa Dân sự TANDTC ra Quyết định giám đốc thẩm số 336/2013/DS-PT hủy Bản án phúc thẩm số 17/2010/DSPT của TAND tỉnh Bạc Liêu, giao hồ sơ vụ án về cho TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm lại.
Bất chấp quan điểm của TANDTC?
Ngày 27/12/2013, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên xét xử phúc thẩm quyết định giao toàn bộ phần đất và nhà cho ông Tèo quản lý và sử dụng, bất chấp trước đó, trong quyết định Giám đốc thẩm của TANDTC đã nêu rõ: Cần xác định ông Tèo đang ở đâu, có chỗ ở ổn định chưa, vì sao ông Tèo lại cầm cố nhà đất, hoàn cảnh gia đình ông Tèo hiện nay như thế nào… Đối với bà Oanh, cần xác minh làm rõ bà Oanh có nhà ở nào khác không, nhất là xem xét đến hoàn cảnh của bà Oanh đang nuôi con nhỏ, đồng thời bà Oanh có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng và 2 bác ruột là liệt sỹ…
Thay vì làm rõ những nội dung trên, cấp phúc thẩm lại xác minh mẹ bà Oanh (cụ Sinh) được xây một ngôi nhà tình nghĩa và có thể thờ cúng liệt sĩ ở đó.
Được biết, việc cụ Sinh được xây nhà tình nghĩa là do thờ cúng mẹ chồng là cụ Bùi Thị Lời và liệt sĩ Nguyễn Văn Cân (chồng cụ Sinh). Còn bà Oanh thờ cúng hai người bác là liệt sỹ công an Nguyễn Đức Láng và Nguyễn Đức Ân. Do đó, việc bà Oanh cần nhà để nuôi con nhỏ và thờ cúng liệt sĩ là hoàn toàn có cơ sở.
“Tôi không hiểu tại sao TAND tỉnh Bạc Liêu lại cố tình không làm rõ yêu cầu của TANDTC, trong khi những vấn đề đó đều có thể thực hiện được ở cấp phúc thẩm, như: Việc xác minh ông Tèo đang ở đâu, có chỗ ở ổn định hay chưa, vì sao ông Tèo cầm cố đất...Tôi (Oanh) có nhà ở nào khác hay không, có khả năng tạo lập nhà ở mới không, nhất là cần xem xét đến hoàn cảnh của tôi đang nuôi con nhỏ, đồng thời có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng và hai bác ruột là liệt sỹ… Nhưng họ bất chấp tất cả”, bà Oanh phản ánh.
Dư luận đặt câu hỏi, phán quyết của TAND tỉnh Bạc Liêu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Oanh thì ai là người phải chịu? Hơn 10 năm với 5 bản án, 2 quyết định giám đốc thẩm nhưng chưa biết đến bao giờ mẹ con bà Oanh mới có một mái nhà che mưa, che nắng và có nơi thờ cúng liệt sỹ?
Được biết ngày 5/1/2015, TAND Cấp cao đã tiếp nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của bà Oanh. Hy vọng vụ việc của bà Oanh sẽ được xem xét một cách khách quan, thấu đình đạt lý, tránh tình trạng người dân phải dành cả phần đời theo kiện./.