Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, thế hệ cán bộ tư pháp đầu tiên là các tri thức, luật gia, luật sư yêu nước như các ông Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Trần Công Tường, Đỗ Xuân Sảng, Đinh Gia Trinh… đã tự nguyện tham gia gánh vác công việc kiến thiết dân chủ, tổ chức, điều hành bộ máy tư pháp cách mạng.
Trên hành trình tìm kiếm và phát hiện những tư liệu về lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển Bộ Tư pháp, các chuyên viên tâm huyết của Bộ đã tìm lại được những mẩu chuyện lý thú về mối quan hệ của Bác Hồ với cán bộ lãnh đạo của ngành Tư pháp.
Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh: Người có công xây dựng Hiến pháp 1946
Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh trình văn bản pháp lý lên Bác Hồ ở Hội nghị Fông Ten Blô năm 1946 |
Công việc trọng đại, mới mẻ, vô cùng khó khăn, trong thời gian gấp rút. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Giáo sư Đặng Thai Mai và Luật sư Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên. Hai ông tập trung tim óc và sức lực phác thảo đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua, rồi chia nhau bắt tay vào việc chấp bút chi tiết.
Trong quá trình dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến của Luật gia Võ Nguyên Giáp, hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhiều trí thức nổi tiếng thời đó như Luật sư Phan Anh, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn cho mượn cả những văn kiện tiếng Pháp (như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Pháp…) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tìm để tham khảo.
Ngày 26/10/1945, dựa vào phần Giáo sư Đặng Thai Mai và mình đã viết, Luật sư Vũ Trọng Khánh tổng hợp thành một bản dự thảo Hiến pháp do chính ông viết lại. Ngày 30/10/1945, sau khi đọc xong bản tổng hợp trên, Luật gia Võ Nguyên Giáp làm việc lần cuối cùng với hai ông, tán thành về cơ bản, chỉ góp ý nên rút bớt khoảng một phần ba.
Ngày 2/11/1945, Luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của Luật gia Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 6/11/1945, bản dự thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.
Ngày 8/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”.
Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản Dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946.
Chuyện về Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp được Bác Hồ cấp Giấy chứng minh
Luật sư Nguyễn Văn Hưởng, sinh ngày 28/2/1910, tại phố Thuốc Bắc (Hà Nội), là con thứ 7 của ông bà Nguyễn Văn Vượng - Phạm Thị Tý, quê gốc ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Năm 1926, ông Hưởng cùng người anh ruột là Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giáo dục 1946 - 1975) được mẹ cho sang Pháp học.
Suốt mấy năm học ở Pháp, mỗi người lúc nào cũng chỉ có hai bộ quần áo và một đôi giày. Dù đi họp, đi học, đi chơi cũng chỉ một đôi, khi nào mòn vẹt, rách mới mua đôi khác. Món quà chờ đợi từ quê nhà của hai anh em Huyên, Hưởng là những bao bì bằng chiếc hộp bánh bích quy đựng lạp xưởng hoặc ruốc.
Ngày nghỉ hai anh em mỗi người một xe đạp đi chơi, xem người ta hái nho, rồi đi hái nho không công chỉ để được ăn nho. Với tinh thần hiếu học để giúp dân, giúp nước, hai anh em đã nỗ lực hết mình vượt khó thành tài và năm 1932 Nguyễn Văn Hưởng đỗ Cử nhân Luật tại Pháp.
Năm 1932 Luật sư Nguyễn Văn Hưởng về nước và được bổ làm Tri huyện rồi Đổng lý Văn phòng phủ Khâm sai. Đến năm 1941 ông từ chức và làm luật sư. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 22/3/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh (người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) đã bổ nhiệm Luật sư Nguyễn Văn Hưởng làm Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Tư pháp.
Ngày 5/4/1946 đích thân Bác Hồ đã đánh máy Giấy chứng minh cấp cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng. Giấy chứng minh ấy được đánh máy trên loại giấy ngả màu vàng đen, khổ rộng gần bằng tờ A4, nội dung như sau: “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấp giấy chứng minh này cho ông Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp để ông Thứ trưởng liên lạc với các cơ quan hành chính, quân sự được dễ dàng”.
Bác dùng máy đánh chữ của Pháp nên không có dấu. Sau khi đánh máy xong, Bác dùng bút điền từng thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng vào giấy chứng minh rồi trao tận tay cho Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng thể hiện sự trân trọng, tin cậy với trí thức yêu nước.
Cảm động trước đức độ, tài năng của vị lãnh đạo tối cao đất nước mà Luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã toàn tâm, toàn ý gắn bó với sự nghiệp xây dựng ngành Tư pháp.
Ngay từ những ngày đầu nhận trọng trách Thứ trưởng, ông đã trực tiếp tham gia những Sắc lệnh cơ bản của chính quyền Cách mạng: Sắc lệnh về tổ chức Tư pháp; Sắc lệnh về đảm bảo tự do cá nhân, lập Hội; Sắc lệnh về Tư pháp - Công an; Sắc lệnh về quân pháp; Luật Lao động. Trong kháng chiến chống Pháp ông còn được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Liên khu II và Liên khu XI (gồm các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và Hà Nội). Giám đốc Vụ Hình - Hộ.
Từ năm 1955 đến năm 1980 làm Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Năm 1976 Luật sư Nguyễn Văn Hưởng được cử làm Phó trưởng Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơnevơ về “Công ước nhân quyền” và tham gia chuẩn bị “Công ước về biển”.
Từ năm 1958 đến năm 1979 khi Nhà nước tổ chức lại ngành Tư pháp và Tòa án, sau đó thành lập lại Tòa án nhân dân Tối cao, Luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã có công lao rất lớn trong việc nghiên cứu hệ thống hóa và xây dựng pháp luật, tổng kết hoạt động xét xử của ngành Tòa án trên các mặt tố tụng hình sự và dân sự. Ông đã tham gia xây dựng nhiều văn bản quan trọng như Luật Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Do những cống hiến trên lĩnh vực Tư pháp và Tòa án trong hơn nửa thế kỷ (từ năm 1946 đến khi mất ngày 21/7/2001), Luật sư Nguyễn Văn Hưởng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và các Huy chương Vì sự nghiệp Tư pháp, Vì sự nghiệp Tòa án…
Đêm nay Bác không ngủ
Năm 1947, giặc Pháp đã huy động thủy, lục, không quân càn quét, đánh phá dữ dội các huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), thị xã Bắc Cạn nhằm triệt tiêu các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ta đang đóng trong ATK. Nhưng chúng đã bị quân ta làm cho thất bại thảm hại.
Mừng chiến thắng hào hùng, Bác Hồ tổ chức mừng Tết Mậu Tý 1948 cùng đồng bào và một số cán bộ chủ chốt trong ATK. Có mặt chung quanh Bác trong mấy ngày Tết đó là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Lê Văn Hiến, Trần Duy Hưng, Phan Mỹ, Lê Giản và Trần Công Tường.
Thứ trưởng Trần Công Tường báo cáo Bác Hồ về công tác tư pháp kháng chiến ở Việt Bắc |
Bác thường kể chuyện rất hay nhưng các đồng chí bảo nhau đêm không được nói chuyện để Bác ngủ cho yên. Đêm mồng Ba, Trần Công Tường và Lê Giản được chỉ định ngủ cùng nhà với Bác - Bác nằm một giường một bên, hai người nằm một bên, ở giữa có đống lửa sưởi ấm đỏ rực! Trước khi lên giường các đồng chí chúc Bác ngủ ngon - Bác cười hiền từ bảo: “Đêm nay ngủ với Công an (tức Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha công an) và Tòa án (tức là Trần Công Tường, Thứ trưởng Bộ Tư pháp) ở bên cạnh, vòng ngoài lại có anh em an ninh (cảnh vệ) và nhân dân địa phương canh phòng, Bác nhất định vững tâm, yên giấc, còn các chú cũng cứ ngủ cho say để sáng mai về cơ quan làm việc cho tốt, không ngủ gà ngủ gật dông cả năm đấy”.
Đêm ấy, Lê Giản, Trần Công Tường ngủ một giấc ngon lành. Khi mở mắt ra thấy trời đã sáng rõ và thấy... Bác đang ngồi sưởi bên đống củi lửa rực hồng. Hai người vội chạy ra chào và hỏi sao Bác dậy sớm thế. Bác cười và nói vui: “Cả đêm các chú người thì “xay lúa” người thì “giã gạo” ầm ầm. Bác phải thức chụm lửa sưởi”.
Sau này, các đồng chí Lê Giản, Trần Công Tường được các anh em cảnh vệ cho biết thêm: “Chúng em đi tuần qua nhà, nghe tiếng các anh ngáy và nghiến răng to quá, nhìn vào thấy Bác đang lúi húi chụm lửa, gạt than sưởi ấm. Biết Bác không ngủ được, chúng em vào khẽ nói “Bác để chúng cháu mời các anh sang nhà bên để Bác nghỉ cho yên ắng, tĩnh mịch” nhưng Bác không đồng ý. Bác nói se sẽ: “Các chú ấy tuổi còn đang trẻ, bận rộn cả năm, ít khi được ăn no, ngủ kỹ, chuyển chỗ có thể mất giấc ngủ ngon. Còn Bác tuổi già thức đêm quen rồi, mai ngủ bù không sao đâu, các chú cứ yên tâm”.!
9 năm sau, ngày 23/01/1957 Thứ trưởng Trần Công Tường (người làm cho Bác Hồ mất ngủ vì tiếng ngáy vào dịp Tết xưa) đã được Quốc hội khóa I Kỳ họp thứ 6 bầu là thành viên trong Ban sửa đổi Hiến pháp 1946, do Bác Hồ làm Trưởng ban. Bác đã giao Thứ trưởng Trần Công Tường viết Lời nói đầu của bản Hiến pháp sửa đổi.