Dự báo trên được đưa ra tại cuộc Hội thảo “Tự do hóa thương mại hàng hóa ASEAN và những tác động đối với hệ thống thể chế thương mại của Việt Nam”. Do Trường Đại học Luật Hà Nội vừa phối hợp với Viện Pháp luật và kinh tế ASEAN tổ chức hồi cuối tuần rồi.
Một thời “vàng son”...
Từ năm 2009 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các thành viên ASEAN nhìn chung tăng mạnh, với tốc độ tăng bình quân đạt 19%/ năm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2015 tăng gần gấp đôi năm 2009, đối với xuất khẩu là từ 8,9% tỷ USD lên 18,16 tỷ USD và đối với nhập khẩu là 14 tỷ USD lên 23,83 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam từ ASEAN giảm dần, điều này chứng tỏ chúng ta đã tận dụng được lợi ích từ tự do hóa thương mại do ASEAN mang lại.
Năm 2010 là năm bản lề với tiến trình liên kết các thành viên ASEAN chuyển giai đoạn phát triển mới. Trước năm 2010, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN là dầu thô và gạo với tổng giá trị xuất khẩu chiếm khoảng trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.
Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN đã chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa. Ngoài hai nhóm hàng truyền thống trên, Việt Nam còn xuất khẩu nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su.
Thậm chí, nhóm hàng như điện thoại và linh kiện các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, sắt thép các loại, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam cũng được đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm tỷ lệ lớn.
Đối với nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như: xăng dầu, máy vi tính, máy móc & phụ tùng,… Các sản phẩm này sẽ hỗ trợ cho công nghiệp phụ trợ của nước ta để xây dựng chuỗi cung ứng ASEAN, đặc biệt khi mức thuế về 0%.
Cũng theo báo cáo, trước năm 2010, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, ASEAN lại đứng sau các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Với việc tự do hóa thương mại ASEAN, các chuyên gia hy vọng cơ cấu này sẽ chuyển dịch và ASEAN sẽ quay trở lại thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất nước ta.
Các điểm nghẽn cần gỡ
Trước hết, có thể thấy, trong bối cảnh ACE (Cộng đồng kinh tế ASEAN) được hình thành, Luật Thương mại 2005 còn lộ rõ nhiều bấp cập. Một số quy định về áp dụng thói quen, áp dụng tập quán hay thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại không thể coi là nguyên tắc.
Việt Nam tuy đã có Luật Giao dịch điện tử nhưng chưa có văn bản đồng bộ hay những văn bản thực thi của luật đó. Điều này sẽ hạn chế việc tham gia cơ chế một cửa (NSW) nói riêng, cơ chế một cửa ASEAN (ASW) nói chung làm cho thủ tục hải quan triển khai chậm, làm giảm thời gian, tăng chi phí cho qúa trình tự do hóa thương mại của Việt Nam trong ASEAN cũng như nền kinh tế quốc tế.
Ngoài Nghị định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương là hai cơ quan ban hành các Thông tư thực hiện quá trình tự do hóa thương mại hàng hóa trong ASEAN. Tuy nhiên, để tra cứu các thông tư này, doanh nghiệp phải vào trang web của từng Bộ để lấy và việc tra cứu khá khó khăn. Điều này gây cản trở cho doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trong việc thực hiện đúng các quy tắc của AFTA.
Trong bối cảnh mới hiện nay, chính sách mở cửa và quá trình chủ động hội nhập kinh tế về thương mại hàng hóa cũng gây ra không ít những thách thức gay gắt cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Theo đó, sau năm 2015 các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm. Đáng lưu ý là việc thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô sẽ cắt giảm hoàn toàn xuống 0% vào năm 2018 và thuế đối với ngành lắp ráp điện tử cắt giảm xuống 0% vào năm 2012.
Điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp sản xuất ô tô và lắp ráp điện tử trong nước nếu không chuyển hướng sản xuất thì sẽ có nguy cơ bị tiêu giảm hoặc có nguy cơ bị ngưng sản xuất.
Bên cạnh đó, hoạt động logistics còn hạn chế. Việt Nam hiện nay đang là một số ít các quốc gia trong khu vực áp dụng các quy định hạn chế vận tải hàng hóa giữa các cảng tại Việt Nam đối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho quá trình hỗ trợ tự do hóa thương mại của Việt Nam trong ASEAN nói chung, các FTA khác nói riêng.
Ngoài ra, dù đã tham gia ASW song việc thống nhất nhận thức về cơ chế ASW trong ASEAN còn hạn chế. Cơ sở pháp lý của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, chưa có văn bản đồng bộ hay những văn bản thực thi các luật đó như chữ ký số, xác thực số...
Cuối cùng là những khó khăn trong chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, do tham gia quá nhiều hiệp định nên Việt Nam rơi vào tình trạng chồng chéo các cam kết, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chứng nhận xuất xứ.