Cộng đồng Kinh tế ASEAN và mối lo tội phạm có tổ chức

Phối hợp đấu tranh với tội phạm ma túy
Phối hợp đấu tranh với tội phạm ma túy
(PLO) - Trên trang mạng của Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) mới đây, bài viết của tác giả Cesar Alvarez nhận định rằng, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với sự thuận lợi của tự do thương mại sẽ làm gia tăng tình trạng tội phạm có tổ chức trong khu vực.
Những người thực thi pháp luật ở Đông Nam Á lo ngại rằng, một khu vực ngày càng hợp nhất có thể làm phức tạp thêm vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực đối phó với tội phạm. 
Hiện có nhiều loại tội phạm đáng lo ngại như buôn người, đưa người di cư trái phép, buôn bán ma túy (đặc biệt là hêrôin và ma tuý đá), buôn bán động vật hoang dã và hàng giả... Và đây mới chỉ là phần nhỏ trong rất nhiều hoạt động phi pháp ở Đông Nam Á. 
Thị trường “đen”- lợi nhuận kếch xù
Cốt lõi của tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng chính là lợi nhuận khổng lồ thu được ở thị trường “đen”. Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thu lợi ít nhất 870 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, theo ước tính của Cơ quan Phòng chống Ma tuý và Tội phạm Liên Hợp quốc (UNODC), riêng khu vực Đông Nam Á đã chiếm 100 tỷ USD mỗi năm. Con số này lớn hơn nhiều tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Australia với ASEAN năm 2014. 
Để có được số lợi nhuận phi pháp đó, những cá nhân và tổ chức tội phạm đã bất chấp mọi biện pháp gây nguy hiểm cho biên giới và chủ quyền quốc gia, đe dọa sự thịnh vượng và an ninh của các nước. Chúng coi trọng lợi nhuận trước mắt hơn sự phát triển con người. Hậu quả là làm gia tăng tình trạng chênh lệch giàu nghèo trên toàn cầu, nạn tham nhũng, bạo lực, hỗ trợ tài chính cho khủng bố và sau cùng là gây lũng đoạn quốc gia. 
Trong những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đều thừa nhận sự phát triển của các hình thức tội phạm mới. Tuy nhiên, nếu quy mô tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng mở rộng trong khu vực, đây sẽ không còn là mối quan ngại của riêng ASEAN. Báo cáo về tội phạm có tổ chức ở Australia năm 2015 của Ủy ban Tội phạm Australia (ACC) nhận định rằng, tội phạm có tổ chức trà trộn ngày một phức tạp vào thị trường chính thống nhằm mở rộng và chi phối các hoạt động phi pháp. 
Tội phạm có tổ chức gây thiệt hại đến nền kinh tế Australia ít nhất 15 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo gần đây của ASPI về ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức đến Australia đã mô tả mức độ nguy hại của loại tội phạm này trong nước và xuyên quốc gia đang lan rộng đến từng cá nhân, cộng đồng và các hoạt động kinh doanh hợp pháp ở Australia. 
Các ngành công nghiệp của Australia cần nhận biết và nắm bắt được cơ hội mà AEC mang lại khi kế hoạch này hoàn tất vào cuối năm nay. Các nước ASEAN chiếm gần 15% giá trị xuất, nhập khẩu của Australia, và khi AEC được thành lập, khối này sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia, chỉ sau Trung Quốc. Các nhóm tội phạm chắc chắn sẽ tìm cách thu lợi từ những thuận lợi mới này. 
Thanh niên ASEAN tham gia một cuộc hội thảo về việc chống nạn buôn bán phụ nữ trong khu vực
Thanh niên ASEAN tham gia một cuộc hội thảo
về việc chống nạn buôn bán phụ nữ trong khu vực
 
“Lỡ hẹn” mục tiêu “khu vực không ma túy”
Trong khi đó, các nước ASEAN thừa nhận mục tiêu về “một ASEAN không ma túy’’ năm 2015 được đề ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về ma túy (AMMD) năm 2008 đã không đạt được.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 4 tại Langkawi (Malaysia) hôm 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước chủ nhà Ahmad Zahid Hamid cho biết, các nước ASEAN thừa nhận rằng cuộc chiến chống ma túy là rất khó khăn, và đòi hỏi không chỉ có những tuyên bố nghiêm túc mà còn phải hành động hiệu quả. 
Cho dù các nước ASEAN có ý chí chính trị mạnh mẽ về một khu vực không ma túy, song điều đó sẽ không đạt được nếu các tổ chức ma túy tiếp tục đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết vấn đề ma túy nghiêm túc hơn, phải có định hướng rõ ràng, hoạt động tập thể trong việc giải quyết vấn đề này. 
Ngoài ra, sự hội nhập kinh tế và tự do thương mại trong khu vực mang lại sự thịnh vượng song cũng có thể tạo cơ hội cho các tổ chức ma túy quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia mở rộng hoạt động. Phó Thủ tướng Malaysia cũng nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN thông qua cơ chế khu vực được xác định rõ ràng, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Australia trong lĩnh vực này.
ASEAN cần có tiếng nói chung về phòng chống buôn người
ASEAN cần có tiếng nói chung về phòng chống buôn người 
Siết tay sẵn sàng đối phó
Hồi đầu tháng10, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 10 (AMMTC 10) và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, các Bộ trưởng ASEAN đã thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Theo đó, các nước thành viên ASEAN tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ trong nỗ lực ngăn chặn và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất trí sẽ tổ chức hội nghị AMMTC hàng năm thay vì hai năm một lần như trước đây, do vấn đề tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong đó nổi lên sự xuất hiện của các hình thức tội phạm mới.
Các Bộ trưởng nhất trí duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của khu vực trong khuôn khổ và cơ chế khu vực phù hợp, cũng như mở rộng phạm vi trách nhiệm khi cần thiết, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước đối tác đối thoại của ASEAN và các nước khác trong phòng, chống tội phạm xuyên biên giới.
Các bên cũng thống nhất xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN mới, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các điều khoản liên quan về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia được xác định trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh sau năm 2015, tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong ASEAN, tăng cường năng lực của hệ thống tư pháp hình sự, gồm cả thẩm phán, công tố viên và các quan chức thực thi pháp luật trong ASEAN và với các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan cũng như tăng cường phối hợp và trao đổi, quản lý thông tin một cách hiệu quả.
Để ngăn ngừa tình trạng tội phạm xuyên quốc gia ngày một phức tạp, các nhà lãnh đạo ASEAN liên tục kêu gọi cách tiếp cận phối hợp và toàn diện trong đấu tranh với loại tội phạm này ở cấp độ khu vực. Tuy nhiên, việc biến các cam kết chính trị thành hành động thực tế, cụ thể là ở cấp độ khu vực, không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. 
Tội phạm hoạt động xuyên biên giới trong khi các chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật vẫn bị giới hạn bởi phạm vi quyền hạn pháp lý và chủ quyền của mỗi nước cũng như sự nghi kị tồn tại bấy lâu nay giữa một số nước. 
Vấn đề của khu vực đòi hỏi giải pháp mang tính khu vực. Trong trường hợp này, ý chí chính trị sẽ phải chuyển thành các giải pháp thực tế tại các cửa khẩu biên giới, đây chính là điểm chủ chốt trong hệ thống giải pháp. 
Các cảng hàng không và cảng biển ở các nước ASEAN cũng như Australia cần sẵn sàng đối phó với làn sóng luân chuyển người và hàng hoá ngày một lớn, điều tất yếu sẽ là gánh nặng đối với hệ thống kiểm soát biên giới khi vừa phải đảm bảo sự lưu thông thương mại mà vẫn bảo đảm an toàn và an ninh. ASEAN đang từng bước hướng tới việc áp dụng một hệ thống thị thực chung và phát triển một loại thẻ đi lại dành cho giới doanh nghiệp trong nội khối ASEAN. 
Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), thuận lợi hoá thương mại nghĩa là tránh được những hạn chế thương mại không cần thiết. Điều này có thể đạt được bằng cách áp dụng các kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm soát phù hợp với chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, một số nước ASEAN vẫn còn thiếu trang thiết bị cần thiết: chỉ có 7 trong số 10 nước thành viên có hệ thống hộ chiếu điện tử tại chỗ, gây khó khăn cho việc chia sẻ thông tin và nhận dạng người quá cảnh của hải quan các nước. 
Không phải tất cả các nước ASEAN đều áp dụng đầy đủ mô hình dữ liệu của WCO– trong đó có ngôn ngữ chung khi thực hiện trao đổi dữ liệu và hệ thống một cửa ASEAN (một sáng kiến khu vực giúp thông quan hàng hoá) vẫn chưa tích hợp tất cả các nước thành viên để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất, nhập khẩu tại khu vực. 
Công nghệ và toàn cầu hoá tạo ra nhiều kẽ hở để hoạt động tội phạm trở nên phổ biến hơn, tinh vi hơn, dễ thực hiện và cũng khó bị phát hiện hơn. Hệ thống kiểm soát biên giới công nghệ cao, được liên kết chặt chẽ và không ngừng được cải tiến cần phải trở thành một quy chuẩn cần hướng đến nếu ASEAN quyết tâm trở thành một khu vực kinh tế thống nhất. Sự kết hợp công nghệ cao cùng với hệ thống chia sẻ thông tin hiệu quả là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ từ mạng lưới tội phạm ở khu vực. 
Để làm được điều này, niềm tin phải được xem là yếu tố quyết định trong nỗ lực thực thi luật pháp chung. Thị trường ASEAN thống nhất sẽ tạo môi trường mới giúp mở rộng thương mại đồng thời giúp đánh giá sự tin tưởng giữa các nước nội khối trong việc phối hợp ngăn ngừa sự bành trướng của loại tội phạm có tổ chức xuyên khu vực…
Lãnh đạo các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và lãnh sự các nước thành viên ASEAN hồi tháng 9 đã cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia như nhập cảnh trái phép và buôn người. 
Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú Bộ Nội vụ Campuchia, tướng Sok Phal cho biết, đại diện các nước thành viên ASEAN đã thảo luận về tình trạng di dân trái phép và khả năng thiết lập một lực lượng đặc nhiệm hoặc đơn vị gồm các chuyên gia hàng đầu về chống buôn người; nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản lý biên giới để ngăn chặn tình trạng di dân trái phép, nhập cư trái phép, buôn người và buôn lao động.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.